Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số

Thứ Sáu 23/12/2022 | 15:00 GMT+7

VHO- Sáng nay 23.12 tại TP.HCM, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội thảo về Cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số thu hút sự chú ý của dư luận.

Dự Hội thảo có ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL; bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả; ông Nguyễn Thanh Sơn,  Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cùng đại diện một số cơ quan thuộc Bộ VHTTDL, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, các đơn vị sản xuất nội dung số, một số công ty luật, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.

Tại Hội thảo, nhiều nội dung quan trọng được dư luận quan tâm đã được các đại biểu thảo luận như: Tổng quan chung về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ; Một số quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số và Cơ chế thông báo - gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả- Phạm Thị Kim Oanh phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh cho biết: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra nhiều cơ hội, đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là trong bối cảnh hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý hành vi vi phạm. Để xử lý vấn đề này, ngoài nỗ lực của các cơ quan quản lý, thực thi thì cần phải có sự phối hợp và tích cực tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh, để hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ VHTTDL đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền đề xuất gia nhập 2 Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng: Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). Theo đó, Việt Nam đã là thành viên của Hiệp ước WCT từ ngày 17.2.2022 và là thành viên của Hiệp ước WPPT từ ngày 1.7.2022. Đây cũng là những hành động cụ thể để góp phần thực hiện chủ trương chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2023. Để đảm bảo văn bản quy định chi tiết được ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung, Bộ VHTTDL đang tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có quy định cụ thể về quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn nội dung thông tin số vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan với vai trò quan trọng của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian.

Ông Hoàng Văn Bình chi ra rằng việc xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung trên môi trường số là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam

Trong bài tham luận Cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan trên trên môi trường số, ông Hoàng Văn Bình, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho rằng, việc xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung trên môi trường số là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam, trong đó một số lượng lớn các trang thông tin điện tử cung cấp nội dung có yếu tố xâm phạm quyền vẫn đang diễn ra khá tràn lan. Điều này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Một phần là do sự thay đổi của khoa học kỹ thuật cho phép xuất hiện những ứng dụng, những tiện ích vượt qua được các biện pháp công nghệ mà chủ thể quyền áp dụng nhằm tự bảo vệ quyền, từ đó xảy ra các hành vi xâm phạm quyền như sao chép, tải về máy tính hay các thiết bị cá nhân một cách trái phép, phát tán các nội dung có yếu tố xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Một phần khác là các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian cho phép người dùng truy cập và đăng tải nội dung nhưng việc kiểm soát bản quyền rất lỏng lẻo gây ra tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam trình bày tham luận về vấn nạn in sách giả, bán sách lậu và kiến nghị một số giải pháp gỡ bỏ nội dung vi phạm trên môi trường số

Một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất tại Hội thảo, đó là chuyên đề vấn nạn in sách giả, bán sách lậu và kiến nghị một số giải pháp gỡ bỏ nội dung vi phạm trên môi trường số. Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết: “Thời gian vừa qua, dư luận xã hội hết sức lo ngại về hiện tượng in sách giả, bán sách lậu công khai, tràn lan trên môi trường số, cũng như trên thị trường, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Các cơ quan chức năng dù đã có nhiều biện pháp để chống lại tình trạng buôn bán sách lậu, sách giả tràn lan trên môi trường số, nhưng cá nhân tôi nhận thấy vấn nạn” này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hiện nay, Việt Nam chúng ta đang là một trong những nước dẫn đầu về tình trạng buôn bán sách lậu, sách giả cũng như vi phạm nghiêm trọng bản quyền tác giả. Thời gian gần đây, tình trạng này có xu hướng gia tăng khi chuyển dịch từ phương thức bán sách giấy truyền thống sang khai thác nội dung trên các nền tảng kỹ thuật số như: các website thương mại điện tử hay mạng xã hội Facebook, Tik Tok, Zalo... với hành vi vi phạm ngày một tinh vi, phức tạp hơn.

Đặc biệt, trong ngành xuất bản sách, theo thống kê hiện nay đã có hơn 100 trang rao bán hàng trăm, hàng ngàn tựa sách nổi tiếng của các nhà xuất bản như First News, Alphabook, Trẻ, Nhã Nam,... mà không phải trả bất kỳ chi phí nào, với giá rao bán sách chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 giá bìa thực tế”.

Theo ông Lê Hoàng, những hành vi vi phạm quyền tác giả đã và đang gây những hệ lụy vô cùng lớn tới toàn bộ tất cả các nhà xuất bản, đơn vị xuất bản, tác giả chân chính cũng như cộng đồng bạn đọc trên toàn quốc. Đã đến lúc gióng lên một hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ hơn để các cơ quan quản lý có thể đưa ra những giải pháp xử lý phù hợp. Tuy nhiên, trước khi thảo luận về những giải pháp tích cực giúp "làm sạch” ngành sách, chúng ta cần tìm hiểu kỹ hơn nguyên nhân khiến vấn nạn sách giả và tình trạng vi phạm bản quyền vẫn còn tồn tại và phát triển, gây nhức nhối cho ngành sách Việt trong thời gian dài như hiện nay.

Ông Lê Hoàng cũng đưa ra những giải pháp cho vấn đề, đó là tăng cường vai trò tham gia của các doanh nghiệp - chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ; phát động nhiều chiến dịch truyền thông hơn nữa nhằm thay đổi tư duy, từng bước đổi mới, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của sách giả cũng nói “không” với các ấn phẩm phái sinh vi phạm tác quyền; nâng mức xử phạt đối với tội danh in, phát hành sách giả hoặc có những biện pháp chế tài mạnh mẽ hơn thể hiện tinh thần quyết liệt nói “không” với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; sử dụng các giải pháp chứng thực hàng hóa để bảo vệ doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Ông Đoàn Đức Dương trình bày tại Hội thảo

Tại chuyên đề Khó khăn, vướng mắc khi khai thác nội dung trên môi trường số và bảo vệ bản quyền trên môi trường số và một số đề xuất, kiến nghị, ông Đoàn Đức Dương, Giám đốc Pháp lý, Công ty CP DatViet VAC Group Holdings cho rằng, cần có cơ chế đẩy mạnh và tăng cường việc hợp tác quốc tế về xử lý vi phạm bản quyền trên môi trường số. Những đề xuất được ông Dương đưa ra là: Ký kết thỏa thuận hợp tác quốc tế (MOU) giữa các tổ chức đại diện QTG, QLQ giữa các nước thành viên để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xử lý các vi phạm bản quyền; tạo cơ chế kết nối, hợp tác giữa các tổ chức đại diện QTG, QLQ của các nước thành viên để tiếp nhận và xử lý các vi phạm về QTG, QLQ; cần có quy định cơ chế rõ ràng về trình tự, thủ tục tiếp nhận và xử lý các khiếu nại về vi phạm bản quyền trên các kênh đã công bố của Cục PTTH & TTĐT. Trong đó, cần xem xét quy định rõ về thời gian tiếp nhận, xử lý tránh việc tiếp nhận xử lý quá lâu, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp; đẩy mạnh vai trò của COV trong việc xây dựng các kênh tiếp nhận khiếu nại về bản quyền.

Ông Lê Sơn Tùng và bài tham luận "Cơ chế chặn/gỡ nội dung số trên môi trường số và kiến nghị hoàn thiện pháp luật hiện hành"

Liên quan đến cơ chế chặn/gỡ nội dung số trên môi trường số và kiến nghị hoàn thiện pháp luật hiện hành, ông Lê Sơn Tùng, chuyên viên Pháp chế, Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ và dịch vụ Sconnect Việt Nam cho hay: “Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, cơ chế chặn/gỡ nội dung số cần có những hành động cụ thể để xem xét tình hợp pháp của yêu cầu chặn/gỡ; các tài liệu chứng cứ mà các bên cung cấp trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc chặn/gỡ nội dung trên môi trường số. Đồng thời các nền tảng cung cấp dịch vụ trung gian cũng cần có trách nhiệm thực hiện các hoạt động bảo vệ bản quyền một cách công bằng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho tất cả các bên dù là bên yêu cầu hay bên bị yêu cầu, đồng thời có trách nhiệm trong việc xử lý hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật, lạm dụng quyền yêu cầu thông qua cơ chế chặn gỡ”.

Ông Phạm Thanh Tùng

Ông Nguyễn Văn Đồng

Bà Thanh Thuỷ

Cũng tại hội thảo, các chuyên đề liên quan khác đã được trình bày, thu hút sự quan tâm như: Cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan trên trên môi trường số của ông Phạm Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Quản lý và Hợp tác quốc tế QTG, QLQ, Cục Bản quyền tác giả; Xử lý xâm phạm bản quyền trên không gian mạng và kinh nghiệm quốc tế do ông Nguyễn Văn Đồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông) trình bày; Giải pháp truy cập Website vi phạm bản quyền - Thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế của bà Thanh Thủy (Công ty TNHH truyền hình số vệ tinh Việt Nam).

Ý kiến khác của đại biểu

Phát biểu kết thúc Hội thảo, bà Phạm Thị Kim Oanh  cho rằng Hội thảo này là dịp để Cục Bản quyền tác giả giới thiệu, truyền thông các chính sách mới về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là đối với nội dung trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan của nhà cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường số, quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Bà Oanh mong muốn các nội dung tại Hội thảo sẽ được thực thi, đồng thời cho biết Cục Bản quyền tác giả sẽ nghiên cứu, tiếp thu tất các ý kiến, nội dung góp ý tại Hội thảo để cùng nhau có được nền tảng vững chắc, ý thức pháp luật về tuân thủ bản quyền, cùng nhau kết nối lại để đưa sáng tạo Việt Nam ra thế giới, đưa sáng tạo các tổ chức, cá nhân đến với công chúng.

Bài, ảnh: VĨNH HY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top