Lãng phí hàng nghìn tỉ đồng vì SGK dùng một lần

VHO- Trong 5 năm, từ 2014-2019, theo tạm tính của Thanh tra Chính phủ, tiền lãng phí trong việc biên soạn, in ấn, phát hành SGK và các loại sách tham khảo cho học sinh phổ thông các cấp lên tới 2.400 tỉ đồng. Năm nào cũng in, năm nào cũng phát hành nhưng chỉ dùng một lần rồi bỏ, chưa bao giờ SGK lại bị lãng phí như thời gian qua.

Lãng phí hàng nghìn tỉ đồng vì SGK dùng một lần - Anh 1

Không thể lấy những ngụy biện về sáng tạo, đổi mới để bắt phụ huynh è cổ ra mua sách mà chỉ dùng một lần lại bỏ đi (ảnh minh họa)

 Chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ sách” trong giáo dục mới đã khiến SGK, sách tham khảo chỉ được dùng một lần rồi bỏ, khiến hàng chục nghìn cuốn sách bị bỏ phí mỗi năm.

Gây khó khăn cho cả người dạy lẫn người học

Năm học 2021-2022, năm đầu triển khai chương trình mới, 5 bộ SGK lớp 1 được phê duyệt gồm: Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (NXB Giáo dục Việt Nam), Cánh Diều (hai NXB Đại học Sư phạm và Đại học Sư phạm TP.HCM kết hợp). Tuy nhiên, sau một năm áp dụng chương trình mới cho lớp 2, hai bộ sách là Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục đã tạm ngừng, với lý do được NXB Giáo dục Việt Nam đưa ra là những bộ sách này được hợp nhất với hai bộ sách còn lại để “giảm chi phí”.

Cô Nguyễn Thị Thúy, một giáo viên tiểu học tại TP Thanh Hóa cho biết, đây là chủ trương từ trên xuống nên tất cả cơ sở giáo dục đều phải thực hiện, chứ việc có quá nhiều bộ sách như vậy đã gây khó khăn cho cả người dạy lẫn người học. Đặc biệt, SGK được dùng ở mỗi trường một khác, do đó học sinh chuyển trường sẽ lại phải mua mới cho phù hợp với nơi đến, và đó chính là sự lãng phí.

Chị Nguyễn Thị Mai Anh, một phụ huynh ở Nam Định cũng cho rằng, việc phải mua SGK mới hằng năm như hiện nay là vô cùng phí phạm. Chị chia sẻ, năm học 2021- 2022, con gái chị vào lớp 1 và gia đình phải mua cả một bộ sách cho con theo danh mục giáo viên chủ nhiệm gửi. Tuy nhiên, đến hết năm học, có những quyển sách bài tập vẫn còn mới nguyên chưa hề mở ra. Điều quan trọng, theo chị Mai Anh là sách con chị đã dùng cũng không cho ai được, vì mỗi năm sách lại có sự thay đổi ít nhiều.

Từ năm 2020, chương trình giáo dục phổ thông mới được chính thức triển khai, cùng với đó là việc thay sách, bắt đầu từ khối 1, 2, 6 và tiếp theo là 3, 7, 10, và đến 2025, việc thay sách mới hoàn thành với toàn bộ bậc phổ thông.

Ngành giáo dục là một trong những ngành hiện được hưởng ngân sách ở mức thấp, thu nhập cho giáo viên thấp dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng trong những năm qua. Tuy nhiên, chi phí cho việc học hành của các gia đình lại chiếm một khoản không hề nhỏ. Chị Hương Giang, sống tại TP Hồ Chí Minh cho biết, thu nhập trung bình của hai vợ chồng chị là 20 triệu/tháng, trong đó chi phí cho 2 con học hành (tiền sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục, học thêm) chiếm tới 7 triệu/ tháng. Điều đó cho thấy, mức chi cho giáo dục của người dân chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức chi cho cuộc sống, một nguyên nhân từ sự bất nhất, thiếu khoa học trong triển khai chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ sách” khiến SGK không được tái sử dụng, gây lãng phí.

Có hay không dấu hiệu lợi ích nhóm?

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng, NXB Giáo dục đã lạm dụng vị trí “thống lĩnh” thị trường, lạm dụng độc quyền để xây dựng mức giá đăng ký sách sai so với hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có dấu hiệu vi phạm quy định trong lĩnh vực giá, quy định về đăng ký giá SGK; áp dụng tỷ lệ chiết khấu cao bất hợp lý (25%); tăng giá SGK gần 17% dù chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu của Bộ GD&ĐT… khiến học sinh phải mua sách giá cao với tổng số tiền 85 tỉ đồng.

Kết luận thanh tra cũng cho thấy, việc đấu thầu cung ứng giấy in với một doanh nghiệp trong nước trong 5 năm liền với tổng giá trị 1.900 tỉ đồng, cao gấp 1,7 lần so với giá nhập khẩu, tương ứng khoản chênh lệch 210 tỉ đồng, cũng là yếu tố khiến giá thành SGK cao một cách vô lý.

Năm 2021, NXB Giáo dục công bố kết quả kinh doanh với mức lãi kỷ lục từ SGK. Với việc in hơn 164 triệu bản sách, vượt 40% so với kế hoạch, đơn vị này đã đạt tổng doanh thu hơn 1.800 tỉ đồng, trong đó trên 97% là từ hoạt động in ấn và bán SGK. Lãi sau thuế đạt gần 290 tỉ đồng, đạt 250% so với kế hoạch mà Bộ GD&ĐT giao. Đây là mức lãi cao gấp 10- 15 lần so với nhiều năm trước đó.

Ngay từ khi chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ sách” được triển khai tại Việt Nam, đã có nhiều phụ huynh bày tỏ bức xúc khi liên tục phải mua mới SGK thay vì tái sử dụng. Bộ GD&ĐT đã giải thích, đây là cách làm của các nước có nền giáo dục phát triển, đa dạng hóa cách tiếp cận chương trình, thu hút nhiều người tài tham gia viết sách, khuyến khích chủ động, sáng tạo trong dạy học.

Tuy nhiên, mới đây, sau kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ cho Bộ Công an để điều tra về dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ GD&ĐT và NXB Giáo dục. Việc có sai phạm hay không, sẽ được cơ quan chức năng làm rõ, tuy nhiên hàng nghìn tỉ đồng lãng phí từ việc in ấn, phát hành SGK, sách tham khảo những năm vừa qua là không thể không chấn chỉnh. Không thể lấy những ngụy biện về sáng tạo, đổi mới để bắt phụ huynh è cổ ra mua sách mà chỉ dùng một lần lại bỏ đi. 

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng, NXB Giáo dục đã lạm dụng vị trí “thống lĩnh” thị trường, lạm dụng độc quyền để xây dựng mức giá đăng ký sách sai so với hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có dấu hiệu vi phạm quy định trong lĩnh vực giá, quy định về đăng ký giá SGK; áp dụng tỷ lệ chiết khấu cao bất hợp lý (25%); tăng giá SGK gần 17% dù chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu của Bộ GD&ĐT… khiến học sinh phải mua sách giá cao với tổng số tiền 85 tỉ đồng.

 

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc