Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Cô gái Mông mang vải lanh “vươn xa”

Thứ Hai 09/01/2023 | 09:43 GMT+7

VHO- Gặp Vàng Thị Dế tại Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, nơi em đang theo học, ít ai nhận ra bên trong cô gái nhỏ nhắn sinh năm 2002 ấy lại là ý chí lớn về quyết tâm bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa của người Mông. Sau lần “làm liều” bán tấm vải lanh dệt thủ công của gia đình, Dế đã tìm ra hướng đi cho cuộc đời mình.

Vàng Thị Dế, cô gái tâm huyết với văn hóa truyền thống của người Mông

Dù nỗ lực nhưng hành trình gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của Vàng Thị Dế vẫn gặp không ít chông gai.

Nói không với hủ tục

Trong quan niệm của người Mông, con gái đến tuổi thì phải lấy chồng. Vì lẽ đó, nhiều bạn đồng trang lứa với Dế chỉ được học đến lớp 7 đã phải nghỉ học để làm vợ, làm mẹ. Cô gái quê Hà Giang có lẽ là trường hợp đặc biệt khi em dám vượt qua định kiến để thuyết phục mẹ cho đi học. Dế luôn quan niệm, chỉ có con chữ mới giúp mình thoát nghèo khổ, được khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia.

Học đến lớp 9, mẹ của Dế không cho em đi học tiếp. Khóc hết nước mắt, nhờ đến sự tác động của bố, Dế cuối cùng cũng được mẹ gật đầu cho đi học tiếp. Nhưng sự trớ trêu vẫn chưa chịu buông tha khi học hết cấp III, mẹ Dế một lần nữa ép em phải thôi học để lấy chồng. “Bạn bè em đều có cuộc sống rất khó khăn vì phải lập gia đình sớm. Thấy vậy, em tự nhủ phải tìm hướng đi khác cho cuộc đời mình. Mẹ không đồng ý nhưng em vẫn quyết thi và đỗ vào Khoa Du lịch của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Biết em khăn gói đi học, mẹ ngăn cản quyết liệt. Phần vì có suy nghĩ con gái Mông phải lấy chồng sớm, phần vì sợ nhà nghèo không có tiền. Nhưng nhờ đến sự giúp đỡ của bố, mẹ lại đành xuôi theo con gái. Đến giờ, thậm chí mẹ còn nói phải có bằng đại học, việc làm ổn định, mẹ mới cho đi lấy chồng”, Dế cười.

Xuống Thủ đô, Dế sắp xếp lịch học, đi làm thêm để có tiền trang trải học phí. Bươn chải đủ thứ nghề từ phát tờ rơi, chạy bàn, bán hàng online…, Dế quyết tâm không để vấn đề tài chính ảnh hưởng đến việc học của mình. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 ập đến, Dế không thể đi làm vì giãn cách xã hội. Em phải trở về Hà Giang và không ngờ chính lần trở về này lại là bước ngoặt lớn đối với không chỉ cá nhân em mà của cả cộng đồng người Mông tại quê hương mình.

“Liều” bán của hồi môn

Mặc dù “lấy chồng” là hai từ Dế bị ám ảnh sợ hãi suốt thời gian dài, nhưng có lẽ, hành trình khởi nghiệp của cô gái trẻ cũng bắt đầu từ đây. Một buổi chiều, mẹ và Dế lên gác dọn đồ. Trong lúc dọn dẹp, Dế thấy những tấm vải lanh đẹp. Đây là loại vải truyền thống được người Mông dùng trong các dịp trọng đại như lễ hội, cưới hỏi, tâm linh… Vải lanh cũng thường xuyên được người Mông dùng làm trang phục hằng ngày. Tự nhận mình có “máu liều” khi xin mẹ bán tấm vải đi, Dế cho biết: “Thời điểm đó, kinh tế gia đình em rất khó khăn. Em mạnh dạn hỏi mẹ, con bán những tấm vải lanh này đi được không? Mẹ bảo: Bán đi thì sau này lấy gì làm váy cho con khi đi lấy chồng. Nhưng em cam kết với mẹ: Con bán rồi sau này sẽ mua về nhiều hơn”. Nói là làm, Dễ bắt đầu chụp ảnh những tấm vải lanh đăng bán trên Facebook cá nhân. Bất ngờ đến khi có khách hàng ở TP.HCM hỏi mua và Dế “chốt” được đơn hàng đầu tiên. “Sau khi nhận được hàng, khách phản hồi lại rất ưng ý và muốn mua toàn bộ số vải lanh còn lại. Họ thích vì vải lanh của người Mông là đặc trưng cho xu hướng thời trang bền vững, thân thiện với môi trường và mang vẻ đẹp của văn hóa đồng bào DTTS”, Vàng Thị Dế chia sẻ.

Thuận lợi bước đầu, bằng sức sáng tạo, Dế nảy ra ý tưởng kể những câu chuyện về vải lanh truyền thống của dân tộc mình nhằm quảng bá “báu vật ngàn đời” của người Mông đến mọi miền Tổ quốc. Chạy đôn chạy đáo đến từng nhà trong bản Thài Phìn Tủng (huyện Đồng Văn) để gom vải, Dế mong sao từng mét vải sẽ được sớm chuyển đi để ai ai cũng có thể hiểu hơn về văn hóa của đồng bào mình: “Để làm được một tấm vải lanh, người phụ nữ Mông phải mất nhiều công sức, có khi cả năm trời mới ra được 1-2 tấm để may váy cho con, may áo cho chồng… Vì tính chất đặc thù nên người Mông không may vải lanh để làm kinh tế. Em đi gom vải bán giúp bà con cũng là để họ có đồng ra đồng vào, bớt gánh nặng mưu sinh”.

Sau khi có đủ vải, Dế đăng lên Facebook để tiếp tục tìm chủ mới. Kèm theo mỗi bức ảnh chụp vải là những dòng trạng thái kể nhiều câu chuyện ý nghĩa về văn hóa dân tộc Mông. Đó là câu chuyện về quyết tâm gìn giữ văn hóa truyền thống qua tấm vải lanh; những phong tục, tập quán tốt đẹp được người Mông gìn giữ qua nhiều thế hệ... Tạo được sức hút, khách tìm đến ngày một nhiều, những tấm vải lanh được Dế chuyển đi khắp từ Nam ra Bắc. Không những vậy, Dế còn mang bảo vật ấy “vươn khơi” ra thế giới. Hiện nay, khách mua vải lanh của Dế chủ yếu là người nước ngoài. Đơn hàng xa nhất được chuyển đi Mỹ.

Trân quý những giá trị truyền thống, nhưng cũng trăn trở trước nguy cơ mai một của nghề dệt thủ công, Dế luôn suy nghĩ làm sao để vải lanh của người Mông trở thành hàng hóa mang lại thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con; khâu quảng bá văn hóa từ tấm vải cũng phải hiệu quả hơn. Mất nhiều đêm lên ý tưởng, Dế đã “khai sinh” dự án Hemp Hmong Vietnam. Đây là nơi Dế cung cấp vải lanh thô cho các cá nhân, cửa hàng thời trang, nhà thiết kế... Đồng thời, Hemp Hmong Vietnam thiết kế những sản phẩm thời trang từ chất liệu vải lanh như túi, khăn, áo… dựa trên sự kết hợp tính truyền thống và hiện đại để ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày. Cũng nhờ dự án mà gia đình Dế thoát khỏi giai đoạn khó khăn về kinh tế, nhiều nhà trong vùng có thêm thu nhập. Quan trọng hơn cả, khi dệt lanh, bà con đều tâm niệm đang làm sứ mệnh quảng bá văn hóa truyền thống dân tộc.

Dự định của Dế là sau khi tốt nghiệp đại học, em sẽ trở về Hà Giang để khởi nghiệp, thành lập một hợp tác xã nhỏ kết hợp làm du lịch, vừa giúp quảng bá văn hóa địa phương, vừa tạo việc làm nhiều hơn cho bà con quê hương. 

ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top