Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Nhìn lại năm 2022 – Thông điệp năm 2023 của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Thứ Ba 10/01/2023 | 17:00 GMT+7

VHO-Nhân dịp năm mới Xuân Quý Mão 2023, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng có bài viết: “Nhìn lại năm 2022 – thông điệp năm 2023 của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch”. Văn Hoá điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Bộ trưởng.

Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Trần Huấn

Năm 2022 đã khép lại, mùa xuân 2023 đang đến trên từng chồi non, nụ biếc, thấm sâu vào từng nhịp điệu chờ đón cái Tết sắp về trên khắp mọi miền đất nước. Thời khắc này, chúng ta cùng nhìn lại một năm qua, toàn ngành VHTTDL dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức để góp phần làm nên những đổi thay chung của đất nước. Đồng thời, đây cũng là dịp để chúng ta nhận thức rõ hơn những cơ hội mới và cả những khó khăn, thách thức mới đang diễn ra gay gắt, để nỗ lực phát triển văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, bền vững.

Trong năm 2022, trước những yêu cầu cấp thiết từ bối cảnh trong nước và quốc tế sau đại dịch Covid-19, toàn ngành đã xác định xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi. Với những giải pháp cụ thể, khoa học, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm được triển khai đồng bộ, bước đầu chúng ta đã hình thành nên hệ sinh thái có khả năng nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo và có sức kết nối, lan tỏa, định hình những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam. Việc mở cửa hoàn toàn du lịch vào 15.3.2022, gắn du lịch với văn hóa và phát triển vùng, địa phương, các sự kiện văn hóa quy mô cấp quốc gia, khu vực, tổ chức thành công SEA Games 31 trên nhiều phương diện đã cho thấy sự bứt phá của Việt Nam với vai trò là một trong những quốc gia tiên phong triển khai các chương trình phục hồi sau đại dịch. Kết quả nêu trên đã trở thành minh chứng sống động cho việc khẳng định phát triển văn hóa khi có sự phối hợp, liên kết đồng bộ sẽ phát huy tối đa vai trò của nhân dân với tư cách là chủ thể của sáng tạo, phát triển văn hóa. Du lịch văn hóa thu hút đông đảo sự tham gia của người dân trong nước và du khách quốc tế (hơn 101 triệu lượt khách nội địa, 3,5 triệu lượt khách quốc tế), đãgóp phần tạo ra giá trị về kinh tế và nâng cao vị thế thương hiệu quốc gia. Điểm lại một số hoạt động điểm nhấn của Ngành trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khiến mỗi chúng ta càng thêm trân trọng vai trò của văn hóa và những đóng góp của nhân dân cho phát triển văn hóa trong sự phát triển chung của toàn dân tộc, nhất là trong các giai đoạn khó khăn với những diễn biến khó dự đoán vừa qua. 

Ngay sau Lễ phát động chủ đề công tác năm 2022 “Năm xây dựng môi trường văn hoá cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” tại Nam Đàn, Nghệ An, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã dẫn đầu đoàn công tác Bộ VHTTDL trực tiếp làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh/thành trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Cần Thơ, Phú Thọ, Bắc Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Hậu Giang, Tuyên Quang để phối hợp triển khai xây dựng môi trường văn hoá. Trong ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và đoàn công tác kiểm tra công tác xây dựng môi trường văn hoá tại tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Trần Huấn

Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu cấp thiết trong năm 2022, với mục tiêu cụ thể là phục hồi sau đại dịch, ngành Văn hóa tiếp tục kiên trì theo đuổi các mục tiêu lâu dài đã được Đảng đề ra trong suốt những thập niên qua. Vượt lên trên tất cả, bản chất cốt lõi của văn hóa chính là nguồn sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và cũng là động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước”. Vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng này của văn hóa chỉ có thể phát huy hiệu quả khi đầu tư cho văn hóa phải thực sự được chú trọng thông qua các chiến lược, chương trình và lộ trình phù hợp. Nhận thức này cũng chính là nền tảng cho các nỗ lực của Bộ VHTTDL trong việc xây dựng, triển khai các chiến lược, kế hoạch và chương trình cũng như hoàn thiện khung khổ chính sách văn hóa nhằm tạo môi trường vận hành tốt nhất cho văn hóa. Từ việc tổng kết 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (ban hành vào năm 2016) cho tới việc tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (ban hành vào năm 2021), và gần đây là xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 giai đoạn 2023-2025 (được phê duyệt vào tháng 11 năm 2022), phối hợp tổ chức thành công 2 Hội thảo quốc gia: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” và “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, đã làm cho lĩnh vực văn hóa ở nước ta có những chuyển biến tích cực trong năm 2022, hướng tới những mục tiêu lâu dài đã đặt ra. 

Phát triển văn hóa theo quan điểm mà Đảng ta đã đề ra là luôn hướng tới sự toàn diện và hài hòa, trong đó nhân tố con người nắm giữ vị trí then chốt, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng. Trong ảnh: Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa; Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tại Lễ phát động sáng tác các tác phẩm VHNT “Sống mãi với thời gian”. Ảnh: Trần Huấn

Năm 2023, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 sẽ là năm đánh dấu việc “biến tư duy thành hành động”, hứa hẹn sẽ có nhiều triển vọng phát triển mạnh mẽ của Ngành. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Bộ VHTTDL xác định và triển khai tích cực là xây dựng môi trường văn hóa. Năm 2023, nhiệm vụ này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và lan tỏa rộng rãi ở khắp các cấp, các vùng/miền và các nhóm đối tượng. Việc xây dựng môi trường văn hóa được quan tâm một cách thực chất và có chiều sâu hơn với mục tiêu sẽ tạo ra diện mạo mới cho đời sống văn hóa cơ sở, kiến tạo các quan hệ hợp tác lành mạnh, phát huy năng lực sáng tạo và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.

Gắn bó chặt chẽ với mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh chính là việc điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể có liên quan trong các môi trường này. Phát triển văn hóa ở Việt Nam vẫn luôn được khẳng định là sự nghiệp của toàn dân. Chính vì vậy, việc tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân có thể hiện thực hóa vai trò của mình trong sự nghiệp này là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Văn hóa. Từ việc tham gia vào quá trình sáng tạo cho tới việc tiếp cận và hưởng thụ các sản phẩm văn hóa, mỗi người dân đều có thể đóng góp vào sự phát triển chung của lĩnh vực văn hóa, giúp nâng cao giá trị và phát huy hiệu quả các nguồn lực hiện có. Những đóng góp và vai trò của người dân đối với việc phát triển văn hóa được thể chế hóa như một nội dung của quyền văn hóa đã được khẳng định trong Hiến pháp. Việc phát huy quyền văn hóa và thúc đẩy phát triển văn hóa như một sự nghiệp của toàn dân sẽ giúp tăng cường quá trình đa dạng hóa các giá trị và biểu đạt văn hóa, từ đó phát huy tốt hơn khả năng đóng góp về kinh tế và xã hội của văn hóa. Đây là xu hướng chung trên thế giới và đã được thể chế hóa thông qua các công ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn. 

Rất nhiều nỗ lực cần phải được thực hiện để khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa, trong đó, giải pháp hàng đầu chính là tiếp tục cải thiện khung khổ thể chế, chính sách hiện hành. Trong ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Uỷ viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại Hội thảo Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Ảnh: Trần Huấn

Cuối cùng, một lần nữa khẳng định lại rằng, phát triển văn hóa theo quan điểm mà Đảng ta đã đề ra là luôn hướng tới sự toàn diện và hài hòa, trong đó nhân tố con người nắm giữ vị trí then chốt, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng. Văn hóa giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hóa của cộng đồng, văn hóa giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn của mình và cột mốc văn hóa trong tâm trí con người luôn là cột mốc vững chắc nhất. Với hàm nghĩa này, phát triển văn hóa chính là phát triển con người, một quá trình phát triển lâu dài và hướng tới tương lai. Tuy nhiên, tầm quan trọng của phát triển văn hóa lại đòi hỏi sự đầu tư tương xứng của Nhà nước và sự đóng góp tích cực của các thành phần xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và đầy thách thức của Việt Nam. Rất nhiều nỗ lực cần phải được thực hiện để khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa, trong đó, giải pháp hàng đầu chính là tiếp tục cải thiện khung khổ thể chế, chính sách hiện hành, bao gồm: Trình Quốc hội ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đến năm 2030; sửa đổi Luật Đầu tư, Luật PPP theo hướng bổ sung lĩnh vực văn hóa vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư, vào nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa, thể thao được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; có chính sách phù hợp tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa. Năm 2023 cũng là năm Ban Bí thư sẽ tổng kết 10 năm thực hiện quy định về tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật để ban hành chủ trương mới - đây là cơ sở quan trọng giúp Ngành xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa ngày càng vững mạnh. 

Chào đón mùa xuân mới 2023, trong bối cảnh cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam của Đảng, với niềm tin vững vàng từ những thành quả đã đạt được, với niềm hy vọng mới, cùng sự cầu thị để khắc phục, sửa chữa những hạn chế, yếu kém của Ngành, chúng ta sẽ tiếp tục kiên định trên con đường tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn đối với sự phát triển Ngành, tận dụng cơ hội, tìm kiếm giải pháp tập trung nguồn lực đầu tư chuyên sâu và có trọng điểm cho văn hóa. Vì trên hết, đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho sự phát triển, đầu tư cho tương lai hội nhập mang tính bền vững hơn của đất nước và đó cũng chính là nền tảng tiên quyết góp phần hình thành một hệ sinh thái có khả năng tạo động lực khơi dậy khát vọng cống hiến của toàn dân cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa dân tộc.

Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch NGUYỄN VĂN HÙNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top