Làng hoa Cái Mơn rộn ràng vụ Tết

VHO- Làng nghề hoa kiểng Cái Mơn, huyện Chợ Lách là thủ phủ hoa, cây cảnh của tỉnh Bến Tre, vào những ngày cuối năm, dễ dàng nhận thấy không khí tất bật của làng nghề trồng hoa tết. Người người, nhà nhà đều bận rộn với công việc chăm sóc các chậu hoa kiểng của mình, người tưới nước, người rải phân, người thì tỉa đọt để cây ra hoa đẹp khiến không khí tết càng thêm rộn ràng, phấn khởi hơn.

Làng hoa Cái Mơn rộn ràng vụ Tết - Anh 1

 Làng nghề hoa kiểng Cái Mơn (huyện Chợ Lách), những ngày giáp tết càng thêm rộn ràng, nhộn nhịp

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách cho biết: “Trong dịp Tết Quý Mão, huyện Chợ Lách có khoảng hơn 10 triệu sản phẩm hoa, cây cảnh bán ra thị trường trong tỉnh và các địa phương khác như TP Cần Thơ, Long An, TP.HCM… Năm nay gặp bất lợi về thời tiết đã khiến một số loại hoa nở sớm, tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của mình, bà con đã khắc phục, xử lý kịp thời nên đảm bảo nguồn hàng”.

Thời điểm này, các mặt hàng hoa, cây cảnh có nhiều khởi sắc, mai vàng có giá từ 700.000 đồng - 30 triệu đồng/sản phẩm; bonsai hình thú từ 4 triệu đồng - 10 triệu đồng/sản phẩm; hoa giấy, vạn thọ, cúc, hoa mào gà giá khoảng 70.000 - 120.000 đồng/sản phẩm.

Có trên 15 năm kinh nghiệm trong việc ghép mai vàng để bán tết, anh Nguyễn Văn Đính ở ấp Đông Nam, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách chia sẻ: “Mai vàng chỉ ghép chứ không thể chiết cành như một số loài cây khác. Để mai có giá, nông dân phải nghiên cứu đến điều kiện thời tiết, độ ẩm, để giúp mai ra hoa đúng vào dịp đầu năm mới, thì mới bán được giá cao. Gia đình hiện có khoảng 600 gốc mai và sẽ đưa ra thị trường khoảng 450 gốc mai vàng đủ loại, kích cỡ. Đến thời điểm này, mai phát triển rất tốt, giá tăng khoảng 15% so với năm trước. Nếu thuận lợi, vụ mai này tôi lãi khoảng 150 triệu đồng”.

Đầu tháng Chạp, khi những cánh hoa cúc mâm xôi, cúc Hà Lan chuẩn bị hé nở cũng là lúc thương lái bắt đầu tìm về Cái Mơn chọn mua để cung ứng cho thị trường khắp cả nước. Hoa nở đã tạo nên nét đặc trưng của làng hoa kiểng Cái Mơn mỗi khi xuân về tết đến. Để chuẩn bị cho thị trường Tết Quý Mão năm 2023, không khí phấn khởi đang hiện diện trong vườn hoa của chị Phạm Thị Thủy, ở ấp Hòa An, xã Long Thới, huyện Chợ Lách cùng các thành viên trong gia đình chăm sóc hơn 3.000m2 hoa kiểng, với hơn 10 chủng loại hoa, dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường từ 2.200 - 2.500 chậu hoa các loại.

Theo chị Thủy, để có những chậu hoa chất lượng, đẹp mắt, người trồng hoa cần rất nhiều công chăm sóc như tỉa cành, bấm ngọn, tạo dáng, tưới nước, bón phân. Hiện tại, thời tiết diễn biến bất thường làm ảnh hưởng đến việc sản xuất hoa. Do đó, để chăm sóc hoa nở đúng dịp Tết, tôi phải thường xuyên theo dõi thời tiết cũng như sức khỏe của chúng để kịp thời có hướng xử lý nâng cao sức đề kháng. Năm nay, do nguyên vật liệu đầu vào có tăng nhẹ so với năm rồi nên giá bán cao hơn nhưng không nhiều như cúc mâm xôi giá bán 160.000 đồng/cặp, cao hơn năm trước 25.000 đồng/cặp, còn cúc Hà Lan giá 140.000 đồng/ cặp. “Năm nay, tôi trồng thêm các loại hoa, như cánh bướm, hướng dương, cúc Nhật, cát tường, cẩm thạch, mào gà, hoa giấy... Ngoài ra, gia đình còn xây dựng khu trưng bày, cổng vào vườn hoa, khu vực trồng hoa riêng, nhà mát phục vụ du khách tham quan và chụp ảnh lưu niệm cho trong dịp Tết. Đây là cầu nối để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của vườn hoa tới khách hàng gần xa, từ đó mở rộng thêm thị trường tiêu thụ”, chị Thủy chia sẻ.

Mỗi khi Tết đến, những chậu hoa nở sẽ tô điểm cho không gian sống của mỗi gia đình thêm rực rỡ. Người trồng hoa nở ở làng hoa Cái Mơn vừa có thêm thu nhập, vừa góp sắc xuân cho năm mới. 

 PHƯƠNG MINH

Ý kiến bạn đọc