Hãy trả lại sự hồn nhiên cho trẻ!

VHO- Để tránh việc gameshow truyền hình bị một màu do đa phần chỉ dành cho người lớn, nhà đài và nhiều đơn vị sản xuất đã cho ra lò hàng loạt phiên bản “thu nhỏ” cho thiếu nhi. Tuy nhiên, cùng với sự nhân lên của các gameshow nhí thì sự lo lắng của dư luận cũng tăng theo khi nhiều chương trình đặt nặng tính thương mại, lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của các em để trục lợi.

Hãy trả lại sự hồn nhiên cho trẻ! - Anh 1

 Gameshow nhí chỉ thật sự bổ ích khi đề cao tính giáo dục, nói không với drama Ảnh: Gương mặt thân quen

 Chương trình “mẹ” đẻ chương trình “con”

Kể từ gameshow nhí đầu tiên là Đồ Rê Mí xuất hiện trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam năm 2007 và có rating “khủng”, cùng với đó là tận dụng được sức hút từ format gốc của nhiều chương trình dành cho người lớn, một xu hướng gameshow cho trẻ em trên truyền hình Việt được mở ra. Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí, Nhanh như chớp nhí... hàng loạt chữ “nhí” đính kèm sau tên các chương trình đã cho thấy sự nở rộ của gameshow dành cho trẻ em.

Trong bối cảnh trẻ đang thiếu không gian vui chơi, giải trí, việc cho ra đời các gameshow nghệ thuật dành cho lứa tuổi này được coi là hướng đi đúng đắn, cần được đầu tư bài bản. “Dốc ruột” bỏ tiền để sản xuất các gameshow nhí, nhà đài và đơn vị sản xuất coi đây là mảnh đất màu mỡ để đem lại doanh thu cũng như danh tiếng. Cũng chính vì mải mê đuổi theo mục đích này, nhiều ê kíp sản xuất đã làm méo mó ý nghĩa vốn có của gameshow nhí; khiến đây không còn là sân chơi để các em được đào tạo, thể hiện tài năng. Chẳng ngại ngần đưa drama vào để câu “rating”, không ít chương trình khiến khán giả “nổi giận” vì lấy tâm hồn trẻ thơ ra làm phương tiện kinh doanh. Thể lệ bình chọn, cách biên tập, dàn dựng của nhiều show cũng gây không ít tranh cãi mà tâm điểm lại chính là thí sinh nhí.

Còn nhớ ở mùa Giọng hát Việt nhí 2013, dù gây được tiếng vang khi nhấn mạnh vào yếu tố chuyên môn, huấn luyện thanh nhạc cho các bé, nhưng cũng chính chương trình đã tạo ra điều tiếng khiến thí sinh nhí phải hứng chịu chỉ trích không đáng có. Trường hợp của thí sinh Quang Anh là điển hình khi dù là Quán quân nhưng em vẫn là nạn nhân của chỉ trích vì thể lệ bình chọn và cách biên tập của tổ sản xuất. Khán giả đã hiểu nhầm em và gia đình, thậm chí cả địa phương đặt nặng vấn đề ăn thua; đỉnh điểm là việc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa làm hẳn công văn để vận động bình chọn cho em. Ngoài ra, Quang Anh cũng phải nhận không ít lời bàn tán từ cư dân mạng về chuyện liệu có phải bố mẹ em và nhà đài cố tình đưa các tình tiết, công khai hoàn cảnh khó khăn để tranh thủ tình thương của công chúng.

Tương tự, Model Kid Vietnam - gameshow tìm kiếm người mẫu nhí tại Việt Nam cũng khiến khán giả choáng váng khi sa đà vào drama. Trước mỗi màn cãi nhau đến toát mồ hôi của HLV, gương mặt thí sinh lộ rõ vẻ hoang mang, sợ hãi, thậm chí hoảng loạn. Khán giả rất lo lắng và cho rằng những hành vi tiêu cực như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, nhân cách của trẻ.

Một chương trình khác cũng khiến nhiều người trăn trở là Gương mặt thân quen. Ở mùa đang phát sóng và cả những mùa trước đó, người xem nhận thấy không ít lần thí sinh nhí phải hóa thân vào những nghệ sĩ nổi tiếng, hát những ca khúc có phần quá sức bằng tiếng nước ngoài. Dù chương trình có tính chất hóa thân, có nghệ sĩ tiền bối kèm cặp nhưng dư luận vẫn cho rằng, không nên đề cao việc các em phải thể hiện quá giống ai đó, mà điều quan trọng là phải bộc lộ được cá tính, tài năng riêng cho các em, như vậy chương trình mới mang màu sắc mới lạ và đảm bảo sự hồn nhiên vốn có của tuổi thơ.

Bảo vệ con trên sóng truyền hình

Qua mỗi mùa phát động, gameshow nhí nhận được hàng nghìn hồ sơ đăng ký tham dự của thí sinh đến từ khắp mọi miền đất nước. Chưa bàn đến những xáo trộn về lịch học, thói quen sinh hoạt, bởi đây là điều bố mẹ đã phải lường trước khi cho các em tham gia gameshow; nhưng có điều chắc chắn các bậc phụ huynh sẽ không thể tính hết được là những tác động xấu mà con trẻ có thể hứng chịu. Đồng ý với quan điểm gameshow sẽ là bệ phóng, nguồn đào tạo tài năng trẻ cho nước nhà, nhưng nếu không có các giải pháp bảo vệ, trẻ thơ sẽ trở thành nạn nhân “bất đắc dĩ” của những chiêu trò gây sốc. Thực tế không ít lần, tìm kiếm tài năng, đào tạo chuyên môn chỉ là cái cớ để một số nhà sản xuất vận hành guồng máy kiếm tiền khổng lồ, và dĩ nhiên, trẻ em đã bị biến thành công cụ để thực hiện ý đồ của người lớn.

Một hệ lụy khác của việc không có “hàng rào” bảo vệ trẻ khi tham gia gameshow là các em sẽ trở thành sản phẩm “nhào nặn” cứng nhắc của người lớn. Ở không ít các chương trình, khán giả từng cười chua chát khi những đứa trẻ chỉ mới lên 6 có câu trả lời như... văn mẫu trên sóng truyền hình. Những câu nói như “ông/bà cụ non” khiến các em già trước và điều này chắc chắn sẽ gây nhiều hệ lụy tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ.

Cũng có thể thông cảm cho đơn vị sản xuất khi trong thời buổi kinh tế thị trường, họ phải tìm mọi cách để từ văn hóa - giải trí “hái” ra tiền, nhưng với riêng đối tượng trẻ em, ở mỗi gameshow cần phải ưu tiên yếu tố giáo dục và giải trí lành mạnh. Ngoài ra, sở dĩ một số nhà sản xuất thực hiện được mục đích riêng một phần nhờ sự tiếp tay dễ dãi từ chính cha mẹ các em. Nhiều phụ huynh luôn có suy nghĩ gameshow càng nổi sẽ càng có nhiều nhãn hàng sẽ tìm đến ký kết hợp đồng quảng cáo với các em. Trên thực tế, sáng học văn hóa, tối đi diễn chưa chắc đã là cách tốt nhất để phát triển toàn diện con người.

Vấn đề khác nữa là trong công tác chuyên môn, giám khảo và ê kíp sản xuất nên thống nhất cách nhận xét, lồng ghép thông điệp giáo dục để góp phần giúp các em hoàn thiện nhân cách. Điều này càng đúng trong những chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí, vì khi ở độ tuổi dưới 13, việc định hình giọng hát chưa thể chính xác, nhất là với thí sinh nam bởi các em còn trải qua quá trình vỡ giọng. Mọi cách nhận xét thái quá của giám khảo đều dễ khiến trẻ nhận định sai về định hướng của bản thân, thậm chí là mắc bệnh ngôi sao từ rất sớm.

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc