Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

“Ông đồ trẻ” gìn giữ văn hóa Việt

Thứ Bảy 21/01/2023 | 09:00 GMT+7

VHO- Nhắc đến thư pháp, nhiều người thường nghĩ đến những “ông đồ già” ngồi cho chữ mỗi dịp Tết đến, Xuân về như trong tác phẩm Ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên. Nhưng ngày nay, thư pháp đã và đang được nhiều bạn trẻ yêu thích, tự mày mò học hỏi để tạo những bức tranh thư pháp ấn tượng, sống động. Chàng trai Võ Tuấn Xuân Thành (24 tuổi, TP.HCM) là một trong số đó.

 “Ông đồ trẻ” Xuân Thành

Năm 2007, cậu bé Xuân Thành lúc ấy mới lên 8 tuổi, được gia đình dẫn đi tham quan, vui chơi ở Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM. Chuyến đi đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong tâm trí cậu học trò lớp 3. Khi mà bạn bè đồng lứa luôn chọn những bộ môn năng khiếu mới mẻ, sôi động thì Thành lại bị hút hồn bởi nghệ thuật thư pháp có phần quá sức và già trước tuổi. “Em đến với thư pháp như một mối duyên tiền định vậy. Ở thời điểm đó, thấy các anh chị mặc áo dài, khăn đóng rồi viết thư pháp để phục vụ khách tham quan, em thích lắm. Đó cũng là lần đầu em thấy chữ quốc ngữ của mình có thể bay lượn như rồng bay phượng múa”, Thành tâm sự.

Từ phố Ông đồ trở về, Thành bắt đầu tập tành với những nét thư pháp đầu tiên. Không có thầy hướng dẫn, cũng không có tiền để mua bút lông, mực tàu loại tốt, nhưng Thành quyết không từ bỏ đam mê, em tự tập viết bằng những vật dụng có sẵn. “Bộ đồ nghề” đầu tiên là mực bút máy, giấy tập vở, cọ màu mỹ thuật, cứ thế những nét bút thô sơ đầu tiên được Thành đồ lại theo nét chữ trên những cuốn lịch cũ ở nhà. Không phải là con “nhà nòi” nhưng niềm đam mê thư pháp trong Thành ngày càng lớn. Thành thú nhận mình “già” trước tuổi, mê nghệ thuật truyền thống từ nhỏ và tự cảm thấy mình khác biệt về sở thích với bạn bè đồng lứa. “Thư pháp là một trong những bộ môn đòi hỏi sự kiên nhẫn, không phải bạn trẻ nào cũng có thể yêu thích. Thư pháp về cơ bản là hình thức chữ viết trắng đen, nhưng với em, điều này lại thật đặc biệt và em luôn bị cuốn hút bởi những đường nét ấy”, Thành say sưa kể lại.

Một số tác phẩm của Xuân Thành

Sau những tháng ngày mày mò học hỏi và tham gia các hoạt động thư pháp ở trường học, đoàn, hội, đội…, năm 2014, khi 15 tuổi, Thành đã chính thức trở thành một “ông đồ nhí” bày mực tàu, giấy đỏ ở phố Ông đồ trước sự hoài nghi chen lẫn thích thú của nhiều người. “Từ trước tới nay, số đông vẫn mặc định thư pháp chỉ dành riêng cho thế hệ trung niên, lão niên có vốn sống và am tường văn chương, chữ nghĩa. Giữa một ông đồ già và một ông đồ trẻ, mọi người sẽ có xu hướng chọn ông đồ già, đó là lý do em gặp đôi chút trở ngại khi đến với bộ môn thư pháp”, Thành nhớ lại những ngày đầu mạnh dạn ngồi ở phố ông đồ với các “bậc tiền bối”. Thế nhưng, bằng niềm đam mê bất tận, Thành đã chứng minh được khả năng của mình. Và minh chứng đậm nét nhất là việc Xuân Thành đã miệt mài ở phố Ông đồ xuyên suốt 9 năm qua. Không dừng lại ở đó, đến nay Thành đã tổ chức thành công 7 triển lãm cá nhân, và mới đây nhất là triển lãm Minh tâm nghiệp thành trưng bày 100 tác phẩm thư pháp tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, thu hút đông đảo công chúng đến tham quan, thưởng lãm. Bên cạnh đó, Xuân Thành cũng được mời tham gia nhiều triển lãm lớn, nhỏ khắp cả nước; vinh dự có tác phẩm trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; từng lọt top 10 cuộc thi Tài năng sinh viên TP.HCM năm 2018; nghệ sĩ trẻ truyền cảm hứng Bloomer Award 2018… Ngoài ra, Thành còn là cố vấn CLB Thư họa Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM và là người sáng lập, cố vấn CLB Mỹ thuật Trường THPT Võ Thị Sáu…

Khi được hỏi về những khó khăn trong hành trình xuyên suốt 16 năm theo đuổi bộ môn nghệ thuật độc đáo này, ánh mắt chàng trai trẻ trở nên xa xăm. “Khó khăn nhiều thật đấy, nhưng sau ngần ấy năm, có lẽ điều mà Thành luôn trăn trở là câu hỏi: “Sứ mệnh của một người gìn giữ nghệ thuật truyền thống là gì?”. Nếu như mình chỉ viết chữ, chỉ sáng tác tác phẩm, sau đó cất giữ khư khư cho bản thân thì liệu tác phẩm ấy có “sống” được hay không? Hay nếu như mình cứ chạy theo thị trường, chỉ sáng tác tranh để làm thương mại thì vô hình trung sẽ khiến tác phẩm của mình trở thành một sản phẩm phục vụ nhu cầu thị chúng. Đó cũng là lý do mà Thành luôn cố gắng để mỗi năm có được một triển lãm cá nhân, để mang thư pháp đến gần với công chúng nhất. Và đây cũng là cách để mình cân bằng được các tác phẩm nghệ thuật cùng tác phẩm thương mại, mà không đánh mất đi giá trị hiện hữu của từng tác phẩm”, Xuân Thành chia sẻ.

“Xa hơn, có lẽ là mong thư pháp Việt hệ chữ quốc ngữ sẽ sớm được công nhận là một phân môn nghệ thuật chính thống, có lý luận, có tổ chức nghiêm túc, có trường học hoặc trung tâm đào tạo chính quy dành riêng cho bộ môn này. Còn với cá nhân, mình mong muốn sẽ vẫn luôn bản lĩnh, giữ vững cá tính nghệ thuật riêng để được cống hiến nhiều hơn nữa cho nền thư pháp Việt”, Xuân Thành bày tỏ về những ước muốn trong tương lai.

HỒNG HẠNH

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top