Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

101 tuổi, mệ vẫn miệt mài may gối cung đình

Thứ Tư 18/01/2023 | 09:30 GMT+7

VHO- Bước qua tuổi 101, mệ Trí Huệ vẫn miệt mài với từng đường kim, mũi chỉ để giữ nghề may gối trái dựa cung đình. Câu chuyện của mệ được lan tỏa, nhiều bạn trẻ đã chủ động kết nối để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủ công độc đáo này.

 Dù đã 101 tuổi, mệ Trí Huệ vẫn miệt mài từng đường kim, mũi chỉ để may gối

Mệ Trí Huệ, tên đầy đủ là Công Tôn Nữ Trí Huệ, là cháu nội của Hoàng tử Miên Lâm (một trong những người con của vua Minh Mạng). Chính vì thế, từ nhỏ mệ đã được giáo dục và rèn luyện những kỹ năng về may vá, thêu thùa.

Miệt mài với nghề

Con đường nhỏ lởm chởm đất đá của xóm 8, thôn Giáp Đông, làng Hương Cần (thuộc xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà) nhiều năm nay đã trở thành lối đi quen thuộc của nhiều hướng dẫn viên lẫn khách du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ yêu nghề truyền thống. Đó là con đường dẫn đến ngôi nhà của mệ Trí Huệ, người duy nhất hiện còn giữ “bí kíp” may gối trái dựa cung đình triều Nguyễn xưa, hay còn gọi là gối tựa.

Gối trái dựa cung đình gồm nhiều nếp gấp, có thể gập mở tùy ý, dùng để gối đầu, dựa lưng, tựa cánh tay trong lúc ngồi đọc sách…

Bắt đầu câu chuyện về nghề độc đáo này, mệ Trí Huệ nhớ lại, sau khi triều Nguyễn cáo chung, mệ về làng Hương Cần sinh sống. Lúc đó, mệ vừa làm nông vừa may vá thêm để hỗ trợ gia đình. Cứ như thế, đến năm 1955, mệ Huệ mới có dịp gặp Đức Từ Cung (tức Hoàng Thái hậu Từ Cung) và được nhận vào làm việc, sửa chữa, thêu may quần áo, may lại các chiếc gối trái dựa đã hư hại, cũ kỹ trong các khu thờ lăng tẩm Vua triều Nguyễn. Niềm đam mê làm gối trái dựa cung đình trỗi dậy trong lòng mệ, nhưng sản phẩm này lúc đó chỉ chủ yếu phục vụ cho việc thờ cúng, không được mấy ai biết đến.

“Cứ tưởng không có cơ duyên với nghề làm gối trái dựa cung đình nữa, nhưng đến khoảng năm 2002, nhà nghiên cứu Trịnh Bách lúc đó nghiên cứu phục dựng trang phục triều Nguyễn xưa, đã tìm đến tận nhà tui để tìm hiểu về cách làm gối rồi đặt tui làm 2 cặp gối. Nhờ sự động viên của ông ấy, tui đã may lại gối. Gối trái dựa cũng bước đầu được giới thiệu đến cộng đồng, trở thành động lực để tui trở lại với nghề”, mệ Trí Huệ kể lại.

Dù đã 101 tuổi nhưng mỗi ngày mệ Trí Huệ vẫn cần mẫn với các công đoạn làm gối trái dựa, từ cắt vải, làm ruột gối, may vỏ gối… Một sản phẩm gối trái dựa gồm 5 lá gối hình chữ nhật, được gấp chồng lên nhau và nối liền nhau bằng lớp vải với hoa văn tinh tế. Điều khó nhất khi làm gối trái dựa là các lá gối phải cứng, không bị xìu khi tựa tay lên; các lá gối phải tạo thành một khối thẳng đứng, chồng khít nhau, không một chút xê dịch. Chính vì thế, đòi hỏi người làm gối phải tỉ mỉ từng công đoạn, nhất là khâu nhồi ép bông làm ruột gối, cho đến khi khâu viền quanh gối.

 Bàn tay đầy vết thời gian của mệ Trí Huệ không ngừng nghỉ với nghề

Vải bọc gối thường là vải gấm với nhiều màu sắc để lựa chọn, nhưng được ưa chuộng và bắt mắt nhất vẫn là màu vàng có họa tiết rồng, phụng, chữ thọ… Khi mới quay trở lại với nghề, gần như các công đoạn về may vá đều được mệ Trí Huệ cẩn thận làm bằng tay. Riêng công đoạn khâu may lớp vải bọc gối, vài năm trở lại đây đã được thay thế bằng máy may.

Ít ai biết, mệ Trí Huệ ăn chay trường suốt 60 năm qua (kể từ năm 1963), cùng lối sống giản dị nên duy trì được sức khỏe. Đầu năm 2022, mệ đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thiệp mừng thọ 100 tuổi.

Mệ nói rằng, còn sức là còn làm gối trái dựa, còn giữ nghề độc đáo của đời xưa. Bây giờ, con dâu, con gái, các cháu cũng đã học được cách làm gối mà mệ Trí Huệ truyền dạy lại. Sau này, gia đình sẽ có người tiếp bước với nghề và sẽ tiếp tục gìn giữ, lưu truyền đến các đời sau.

Mong muốn được trao truyền

Kể lại câu chuyện “học nghề” từ mệ Trí Huệ, bà Lê Thị Liền (68 tuổi), con dâu của mệ nói rằng: “Nghe làm gối tựa người khác cứ nghĩ dễ lắm, học nhanh lắm nhưng khi bước vào học thì mới biết độ khó. Khó ở đây không phải gian nan, vất vả gì nhiều mà bởi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn. Những bạn trẻ càng khó kiên nhẫn ngồi suốt ngày một chỗ để làm các công đoạn thủ công trong làm gối”.

Hiện mệ Trí Huệ đã truyền dạy lại cách làm gối cho bà Liền cùng con dâu và con gái bà. Phải mất rất nhiều năm, bà Lê Thị Liền mới có thể thành thạo. “Sau năm 2002, khi có nhà nghiên cứu tìm đến nhà đặt gối mệ làm, tôi cũng bắt đầu tập tành theo mẹ học nghề. Lúc đó, gia đình làm nông nghiệp nên cứ tranh thủ những thời điểm rảnh rỗi mùa màng hoặc những đêm về, tôi lại nhờ mẹ chỉ bày để làm gối. Phải đến năm 2010, bản thân tôi mới có thể hoàn thiện được các công đoạn cho ra được một chiếc gối trái dựa”, bà Lê Thị Liền kể.

Để hoàn thiện một sản phẩm gối, 3 người trong gia đình bà Liền phải cùng nhau làm trong suốt 3 ngày. Sản phẩm trung bình có giá khoảng 1,8 triệu đồng, tùy theo nhu cầu du khách chọn loại vải bọc gối cao cấp thì mức giá sẽ cao hơn. Làm gối trái dựa phải tỉ mỉ, mất nhiều thời gian nên gần như nguồn thu nhập của gia đình là lấy công làm lãi.

Những chiếc gối trái dựa cung đình đầy màu sắc, hoa văn tinh tế, là sản phẩm của mệ Trí Huệ và con dâu Lê Thị Liền

Sau bà Liền, con gái và con dâu (tức là cháu gái và cháu dâu của mệ Trí Huệ) cũng theo học, vừa giữ nghề vừa có việc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, con gái của mệ là bà Bùi Thị Ngọc Điểm cũng được mẹ truyền nghề và đang từng bước xây dựng thương hiệu “Gối tựa mệ Trí Huệ”. Mệ kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện giữ nghề và truyền nghề cho con, cháu trong niềm hạnh phúc.

Cách đây 3 năm, với mong muốn và cũng là di nguyện của mẹ, bà Bùi Thị Ngọc Điểm đã chia sẻ “bức tâm thư” về việc mẹ muốn trao truyền nghề làm gối trái dựa cho những người quan tâm, muốn học nghề. Tuy nhiên, không có người nào tìm đến mệ Trí Huệ để học nghề. Làm gối trái dựa hiện vẫn được lưu truyền trong gia đình của mệ.

Sản phẩm gối trái dựa hiện nay chủ yếu để sử dụng ở các nơi thờ cúng, chùa chiền…, hoặc dành làm quà tặng cho những người có tuổi. Bà Lê Thị Liền cho biết, những năm qua, nhiều bạn hướng dẫn viên đã kết nối các đoàn khách, hoặc cũng có những du khách trong nước và quốc tế tự tìm hiểu rồi đến tận nhà để đặt mua gối trái dựa về làm quà. Gần đây, có thêm các bạn trẻ ở Huế đã quảng bá, kết nối với các nhóm bạn trẻ đam mê sản phẩm văn hóa truyền thống ở Hà Nội và TP.HCM để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho mệ. Gối trái dựa rất kén chọn thị trường, đặc biệt ở Huế. Đó có lẽ cũng là một trong những lý do mà người ta không muốn theo học nghề này.

“Nếu có ai muốn học, muốn tìm hiểu về gối cung đình để giữ gìn và phát huy nghề, gia đình chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ”, con gái mệ Trí Huệ chia sẻ.

SƠN THÙY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top