Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Tây Nguyên: Làng, phố…

Thứ Ba 24/01/2023 | 10:00 GMT+7

VHO- Tây Nguyên đang phát triển, thậm chí là phát triển... nóng, phố xá mọc lên, rừng lùi dần, tiện nghi lên ngôi cũng đồng nghĩa là những gì bản sắc sẽ mai một. Người ta có thể đốt những bếp lửa suốt ngày đêm trong nhà sàn tranh tre nứa lá, nhưng giờ nhà xây, điều ấy là không thể.

 Chiêng Ia Grai

Không thể giữ bếp trên nền nhà gạch, nhà gạch men bóng loáng, nhà hộp kín mít, huống gì bây giờ mấy gia đình còn nấu củi, chí ít giờ cũng đã sử dụng bếp ga, bếp điện. Với nữa, rừng cũng hết rồi, còn củi đâu nữa mà dám phừng phừng suốt đêm ngày như thế.

Cồng chiêng cũng thế. Đã đành thì làng nào ở Tây Nguyên giờ cũng còn chiêng, và chiêng phải gắn với làng. Nhưng chiêng mới chỉ là một thành tố, cái quan trọng là không gian của chiêng, là thứ mà phải có nó chiêng mới có thể tồn tại. Nó gồm chiêng, người chơi chiêng và chỉnh chiêng, người xoang (múa), và cái không gian làng Tây Nguyên độc đáo để chiêng phơi bày, cái mà UNESCO công nhận là “Không gian văn hóa cồng chiêng” chứ không chỉ là công nhận chiêng.

Làng Tây Nguyên đa phần ở biệt lập nhưng lại gắn kết chặt chẽ với rừng, là một phần của rừng, có mối quan hệ tương hỗ khắng khít với rừng. Ban đầu, có thể chiêng mang chức năng thông tin giữa nhà này với nhà kia, làng này với làng kia, nên trường ca Đăm San tả “làng dài như một tiếng chiêng” là thế. Một ngôi làng Tây Nguyên bao gồm làng, với nhà sàn, nhà rông, cư dân trong làng, giọt nước, khu nhà mồ và rẫy, ngoài rẫy là rừng nữa dù rẫy cũng ở trong rừng, nhưng là rừng gần, còn rừng bao la, rừng thăm thẳm, rừng mênh mông, nó thuộc phần bí ẩn của Tây Nguyên nhưng cũng là một phần đời sống  của người Tây Nguyên.

Chiêng tham gia vào mọi hoạt động của đời sống dân làng, từ khi con người sinh ra tới khi mất đi, và sau mất đi, tức là tới khi bỏ mả. Cái lễ bỏ mả ấy chiêng tham gia nhiều nhất. Nhiều đội chiêng, nhiều ngày...

Nhưng lạ là, chiêng lại không phải do người Tây Nguyên làm ra. Họ đi đổi, sau này là mua, từ người Kinh, mà nhiều nhất là ở Quảng Nam và Bình Định. Rồi của người Lào, người Mã Lai, v.v...

Tóm lại là, chiêng gắn với làng, làng Tây Nguyên cụ thể, nó là một phần của làng, của đời người, của văn hóa truyền thống Tây Nguyên.

Nhưng giờ, làng chả khác phố bao nhiêu. Thói quen thay đổi, phong tục loãng dần, con người văn minh hiện đại lên, đời sống cũng gấp gáp... người ta còn bận bao thứ.

Và phố còn hơn thế?

Nhưng mang danh phố Cao nguyên chả lẽ lại giống phố đồng bằng?

Tôi được chơi với một nhóm các bạn yêu Tây Nguyên, yêu văn hóa truyền thống Tây Nguyên, nên các bạn ấy nghĩ ra nhiều cách để bảo vệ, bảo tồn món chiêng này trong những điều kiện khả dĩ nhất.

Và nhóm các bạn này suy nghĩ rồi tìm cách mang... làng lên phố.

 Đua thuyền độc mộc Ia Grai

Nhưng phải thật tự nhiên, để nó không kệch cỡm, không phô phang, không lệch chuẩn. Chẳng đã từng có những “liên hoan”, thi thố mang chiêng lên phố đánh. Hoặc trên sân khấu vuông xanh đỏ tím vàng, hoặc diễu hành giữa phố... nó như kiểu người mặc bà ba đội mũ lưỡi trai, chưa kể còn ban tổ chức, ban giám khảo giương mục kỉnh chấm các cái. Mà cái món lễ hội dân gian ấy, nó là cuộc chơi chứ làm sao mà thi thố được, tất cả là chủ thể, tất cả hòa làm một, không khoảng cách, không xa lạ, mỗi người là một thế giới... nên quả là rất khó cho những người được giao làm nhiệm vụ “cầm cân nảy mực”?

Nói là Tây Nguyên gắn với rừng và nương rẫy nhưng thực ra lại có khá nhiều sông, chính xác nó là đầu nguồn của các con sông, và bà con ở ven các con sông ấy biết làm thuyền độc mộc để sinh hoạt và kiếm sống bằng nghề sông nước. Không tính toán khoa học, không đo đạc chi li, không bản vẽ kỹ thuật, không dụng cụ hiện đại, chỉ có rìu và rựa, bà con vào rừng chặt nguyên cây gỗ mình chọn, rồi... đẽo đi những chỗ thừa cho nó thành con thuyền. Nó giỏi ở chỗ, thuyền không bị lật, không bị chìm, nhẹ để di chuyển rất nhanh trên nước và dễ điều khiển.

Ia Grai là quê ông trung úy thủy quân anh hùng Puih San, người “được coi như là” A Sanh trong bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Cầm Phong và nhà thơ Đào Mai Trang Người lái đò trên sông Pô Kô. Trên sông Pô Kô có rất nhiều bến đò (thời chiến tranh gọi là phà), tới Ia Grai này đã là phà 10. Ông A Sanh một thời là người trực tiếp lái thuyền độc mộc đưa bộ đội và thương binh qua sông ở đoạn này.

Nhờ nó... ở xa thành phố nên người Jrai ở đây còn giữ được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống, trong đó có làm, sử dụng thuyền độc mộc và cồng chiêng.

Nói cho công bằng, giờ cũng chả còn gỗ nguyên cây như ngày xưa để bà con làm thuyền nữa, nên đa phần thuyền hiện có là có từ... lâu lắm rồi. Nên ngay cái cuộc thi bơi thuyền độc mộc mà huyện Ia Grai vừa tổ chức kia cũng chỉ huy động được có 6 cái thuyền độc mộc đủ tiêu chuẩn, vận động viên phải chia ra nhiều kíp để thi.

Nhưng mà cái cuộc thi đua thuyền kết hợp với cồng chiêng ấy thì rất nhiều khách tới xem, dù từ thành phố Pleiku xuống tới đấy là sáu mươi kilomet, khách ở xa tới phải nghỉ tại Pleiku rồi tiếp tục xuống xã biên giới Ia O để dự xem, khá nhiêu khê.

Đấy chính là những nỗ lực làm văn hóa, du lịch của những người yêu Tây Nguyên, tâm huyết với văn hóa Tây Nguyên, và quan trọng là hiểu biết và tôn trọng văn hóa Tây Nguyên. Phải nói điều này bởi rất nhiều người, nhiều cơ quan, nhiều tiền đã đổ vào để “giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” nhưng rồi nó cứ lọt thỏm đi đâu. Té ra nhiều khi người ta làm bằng ý chí, bằng quyết tâm chứ sự hiểu biết thì có hạn, vậy nên nó thành như là sự áp đặt, khiến nhiều khi chính người Tây Nguyên lại rất mơ hồ khi được giới thiệu, đây là họ.

Khi tôi viết bài này thì một huyện khác của tỉnh Gia Lai, huyện Chư Păh cũng đang chuẩn bị tổ chức lễ hội hoa dã quỳ. Cũng một cách để lưu giữ văn hóa và làm du lịch. Còn sớm để nói về hiệu quả, nhưng rõ ràng đã có một ý thức để gắn kết văn hóa với du lịch, dù có thời, người ta rất sợ cái này sẽ phá cái kia, chính vì thế mà rất cần người có tâm và cả tầm để văn hóa du lịch có thể song hành...

VĂN CÔNG HÙNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top