Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Lễ hội khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình

Chủ Nhật 29/01/2023 | 19:30 GMT+7

VHO - Ngày 29.1 (tức mùng 8 tháng Giêng), tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã diễn ra Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2023. Đây là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến, xuân về của người Mường Hòa Bình.

Các đại biểu dự Lễ khai mạc

Dự khai mạc lễ hội có Uỷ viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Hầu A Lềnh; Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; lãnh đạo tỉnh Hoà Bình; lãnh đạo đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương. 

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm nay được tổ chức quy mô lớn với những nghi lễ công phu và nhiều chương trình đặc biệt như: Dấng chiêng (diễn xướng gọi hồn chiêng) của các nghệ nhân; Hòa tấu chiêng Mường với hơn 500 diễn viên và nghệ nhân chiêng Mường; Nghi thức xuống đồng đi cày đầu xuân…

Bên cạnh đó, còn có hàng trăm gian hàng trưng bày các sản vật địa phương, ẩm thực, đồ dùng đan lát thủ công truyền thống, nhạc cụ dân tộc cùng các trò chơi dân gian, hội Báo Xuân, chợ đêm…

Hòa tấu chiêng Mường với hơn 500 diễn viên và nghệ nhân chiêng Mường

Đây cũng là dịp để đồng bào Mường giao lưu, gặp gỡ, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Lễ hội còn thu hút du khách muôn phương về vui hội và tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Mường ở Hòa Bình.

Đọc diễn văn tại Lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình Bùi Văn Khánh khẳng định: Lễ hội Khai Hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình hay còn gọi là Lễ xuống đồng, Lễ mở cửa rừng, là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình. Lễ hội gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của Văn minh Việt cổ. Đây là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở bốn vùng mường lớn: Bi, Vang, Thàng, Động. Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc…  

Chủ tịch UBND  tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh trao trao quyết định công nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh cho các địa phương trong tỉnh

Trải qua những thăng trầm, biến thiên của lịch sử, lễ hội Khai hạ đã đi sâu vào tâm thức của cộng đồng người Mường. Lễ hội Khai hạ ở mỗi vùng Mường của Hòa Bình được tổ chức vào thời gian và địa điểm khác nhau. Lễ hội Khai Hạ dân tộc Mường được tổ chức thường niên sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, qua đó tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hóa, nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; quảng bá sản phẩm du lịch của Hoà Bình đến với du khách trong nước và quốc tế… 

Lễ hội Khai hạ của người Mường tỉnh Hoà Bình là Di sản thứ tư của tỉnh Hòa Bình được Bộ VHTTDL trao bằng công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, của người dân 4 Mường: Bi, Vang, Thàng, Động; góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Hòa Bình.

Với những giá trị độc đáo, Lễ hội Khai hạ đã góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí, khát vọng vươn lên, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào Mường.

Nghi thức xuống đồng đi cày đầu xuân

Lễ hội gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ cùng ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập Mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, bản Mường.

Tại lễ khai mạc lễ hội, các đại biểu và nhân dân được thưởng thức chương trình nghệ thuật chào mừng đặc sắc của hơn 500 nghệ nhân, diễn viên đến từ huyện Tân Lạc, Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Sơn biểu diễn với chủ đề Mường Bi – Bản sắc – Hội nhập và Phát triển. Chương trình nghệ thuật gồm 3 phần: Màn trình tấu chiêng Mường "Thanh âm Mường Bi”; "Bản sắc” và "Hội nhập và phát triển”.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND  tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh đã trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Khai hạ của người Mường Hòa Bình cho các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong và Kim Bôi.

VĂN HÙNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top