Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Đắk Lắk đặt nhiều kỳ vọng vào Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8

Thứ Sáu 10/02/2023 | 17:21 GMT+7

VHO- Ngày 10.2, tại Hà Nội, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp báo thông tin về Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới".

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2023

Điểm đến của cà phê thế giới

Dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến ngày 14.3 tại TP Buôn Ma Thuột và một số địa phương ở tỉnh Đắk Lắk, Lễ hội nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk Thái Hồng Hà cho biết: “Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 sẽ được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước tới nay theo xu hướng hội nhập quốc tế, với phong cách hiện đại, chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới". Đây là thông điệp thể hiện tinh thần sáng tạo, đổi mới để khẳng định và nâng tầm vị thế của cà phê Buôn Ma Thuột; lan toả, giới thiệu văn hoá cà phê Buôn Ma Thuột đến bạn bè quốc tế”.

Lễ khai mạc dự kiến diễn ra vào lúc 20h00, ngày 10.3, truyền hình trực tiếp trên VTV1, VTV5; Lễ bế mạc dự kiến diễn ra lúc 20h00 ngày 14.3 tại Quảng trường 10.3, thành phố Buôn Ma Thuột. Bên cạnh các sự kiện chính như Lễ khai mạc, bế mạc, lễ hội đường phố…., một loạt các hoạt động mới trong Lễ hội lần này là: cuộc thi video clip giới thiệu về cà phê Buôn Ma Thuột với chủ đề “Chuyện kể về cà phê Buôn Ma Thuột”; biểu diễn vở ca kịch “Khát vọng Đam Săn”; lễ hội ánh sáng; triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Văn hóa cà phê Việt Nam - Hành trình kiến tạo văn hóa thế giới” và “Lịch sử cà phê thế giới”, hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê; hội thi nhà nông đua tài với chủ đề “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”…

Qua 7 lần tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành sự kiện nổi bật của ngành cà phê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân trong nước và quốc tế. Lễ hội lần này gồm 6 nhóm nội dung, có 18 hoạt động chính thức và một số hoạt động hưởng ứng của các địa phương như: Các hoạt động triển lãm, hội thảo; các hoạt động quảng bá, tôn vinh; hành trình du lịch.

Bên cạnh đó, Hội voi Buôn Đôn diễn ra ngày 12.3 tại huyện Buôn Đôn và Hội đua thuyền độc mộc huyện Lắk ngày 12.3 được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của người dân 2 địa phương, hứa hẹn sẽ thu hút nhiều du khách đến tham dự.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức 2 năm 1 lần nhằm quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam; từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế; tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê.

Lễ hội cũng là dịp để Đắk Lắk giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh; xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.

Họp báo Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 tại Hà Nội thu hút đông đảo đại diện cơ quan báo chí

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết: “Đắk Lắk đặt nhiều kỳ vọng vào Lễ hội này. Năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 4 tỉ USD 2022. Tôi mong rằng, thông qua Lễ hội sẽ quảng bá, lan toả hình ảnh của cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và Việt Nam nói chung. Qua đó, có thể xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng kinh tế, công nghệ cao; bao gồm cả giá trị trí tuệ, văn hoá; góp phần gia tăng giá trị kinh tế của cà phê, nâng cao đời sống của người dân”.

Một điểm nhấn khác của lễ hội là cuộc thi pha chế cà phê đặc sản nhằm phát hiện, tôn vinh, quảng bá hình ảnh các tài năng xuất sắc trong pha chế cà phê; tạo không gian kết nối có sức thu hút đối với cộng đồng cà phê. Giới thiệu, quảng bá, phát triển ngành cà phê đặc sản Việt Nam, văn hóa cà phê Việt Nam.

Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê diễn ra từ ngày 10-14.3 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh có khoảng 400 gian hàng tiêu chuẩn (giảm 50% so với kỳ Lễ hội lần thứ 7 vì lý do mặt bằng nhỏ hơn) với sự tham gia của 150 doanh nghiệp trong đó có 10 doanh nghiệp cà phê của nước ngoài và có yếu tố nước ngoài tham gia.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và Ban tổ chức trả lời nhiều câu hỏi của báo chí liên quan tới Lễ hội lần thứ 8

Đưa Buôn Ma Thuột trở thành thành phố cà phê của thế giới

Cà phê là loại nông sản đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, đem lại nguồn sinh kế cho người dân, nhất là người dân vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “Thủ phủ Cà phê của Việt Nam”, có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc. Cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Ban tổ chức, đến nay, công tác chuẩn bị cho sự kiện đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng bước vào kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Tại Lễ hội lần này, Ban tổ chức tiếp tục mời Hoa hậu H'Hen Niê làm đại sứ truyền thông và đặc biệt mời mời đội ngũ những người làm truyền thông, sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội tham gia truyền thông trên Internet của Lễ hội. Qua đó, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc Tây Nguyên của Đắk Lắk - nơi được mệnh danh là "Thủ phủ cà phê" của Việt Nam đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.

Trả lời các câu hỏi của các nhà báo tại họp báo, Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk Thái Hồng Hà cho biết: "Lễ hội năm nay dự kiến đón khoảng 50.000 lượt người tham dự. Hiện nay, UBND tỉnh đã sẵn sàng cho công tác đón tiếp du khách, đảm bảo cơ sở lưu trú cho người dân với 97 khách sạn từ 1 - 5 sao, có thể cùng lúc đón 12.000 lượt khách".

Phó chủ tịch Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh: “Đắk Lắk đang tập trung nguồn lực để thực hiện Kết luận 67-KL/TW ngày 16.12.2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 9.7.2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, xác định và chỉ ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu “Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên nhiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng tam giác Lào - Việt Nam - Campuchia…”. Đồng thời, phát triển Buôn Ma Thuột thành trung tâm công nghiệp chế biến các loại nông sản thế mạnh và đặc hữu của tỉnh Đắk Lắk và Tây Nguyên… Xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột thành trung tâm dịch vụ hàng đầu của Tây Nguyên, đủ điều kiện để phát triển mạnh thương mại, logistics, thu hút khách du lịch cao cấp và tổ chức các sự kiện cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, nhất là các lĩnh vực dịch vụ liên quan đến cà phê; xây dựng hình ảnh “Thành phố cà phê của thế giới”. Nâng cao và phát huy chương trình phát triển thương hiệu cà phê đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ…

Ngày 6.10.2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phấn đấu đến năm 2030, Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hoá dân tộc; là điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế… Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, có thương hiệu quốc tế, gắn với các trung tâm chế biến. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển….

Tỉnh Đắk Lắk cũng đã giao UBND thành phố Buôn Ma Thuột lấy ý kiến các đơn vị liên quan xây dựng, ban hành Đề án “Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành thành phố cà phê của thế giới; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia” nhằm đưa thành phố Buôn Ma Thuột phát triển có định hướng cụ thể.

THUÝ HÀ; ảnh: HOÀNG QUYÊN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top