Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

“Chín ép”... để làm thơ

Thứ Tư 15/02/2023 | 10:17 GMT+7

VHO- Trăn trở của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã khiến nhiều người trong giới và công chúng yêu thơ có cùng suy nghĩ, khi thực trạng đang có không ít cây bút cố “chín ép” để làm thơ. Thi nhân xuất hiện lên tới con số hàng chục nghìn, nhưng thơ hay lại chẳng bao nhiêu, khiến không ít người lo lắng về sự phát triển của thi ca Việt trong tương lai.

 Tác phẩm thơ “Bài hát về cố hương” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, xuất bản tại Colombia

“Lạm phát” thơ ca

Theo nhà thơ Trần Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng Thơ (Hội Nhà văn Việt Nam), thi đàn của chúng ta nhiều năm nay đã có sức sống và diện mạo mới; đa diện, đa thanh, sinh động với vô vàn các quan niệm nghệ thuật, khuynh hướng, phong cách sáng tác. Thơ đã có mỹ cảm mới, chức năng mới. Về nội dung, nhiều nhà thơ đi sâu khám phá bản thân nhưng vẫn không rời bỏ ý thức trách nhiệm xã hội.

Tuy nhiên, ngoài mặt tích cực, nhà thơ Trần Anh Thái cũng bày tỏ lo lắng khi thơ chất lượng thấp tràn lan, cái non yếu chiếm lĩnh, cái đích thực bị khuất lấp, chìm vào im lặng. “Số lượng nhà thơ hiện nay không tính bằng con số nghìn mà có lẽ đã lên tới hàng chục nghìn. Nơi nào có người là có nhà thơ, có nhà thơ là có thơ. Thơ được in ra rất nhiều, đồng nghĩa thơ kém chất lượng tràn lan. Nội dung vô thưởng vô phạt, không đem lại thông điệp gì cho bạn đọc và cộng đồng”, nhà thơ Trần Anh Thái trăn trở.

Đồng quan điểm, nhà thơ Vũ Quần Phương thẳng thắn chỉ ra nghịch lý của thơ hiện nay. Trong khi số lượng người làm thơ tăng, CLB thơ “mọc như nấm”, số tập thơ phát hành hằng năm tăng gấp 30-40 lần các giai đoạn trước, thì lượng người đọc thơ lại giảm đi rất nhiều. Công tác biên tập thơ dễ dãi, để những tập thơ non yếu, không có nhiều giá trị về tư tưởng và nghệ thuật ra đời, lấn át những tập thơ chất lượng. Sau quãng thời gian đọc phải không ít bài thơ kém chất lượng, một bộ phận bạn đọc không còn mặn mà với thi ca. Thậm chí, người ta còn trêu vui với nhau rằng: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ!”.

Nhà thơ Nguyễn Hiếu lại cho rằng: “Thơ đương đại bị thờ ơ vì chưa biết cách gắn đề tài lớn lao gần hơn với đời sống bạn đọc. Chẳng hạn, chủ đề yêu đất nước rất hay nhưng khi làm thơ thì câu từ sáo rỗng, khô cứng không khác gì... khẩu hiệu. Thơ cũng mang tính thời sự, phải đa chiều mới hấp dẫn được bạn đọc”.

Nghiêm trọng hơn, nhà thơ Nguyễn Thành Tâm chia sẻ, văn hóa thơ đang bị suy thoái, bị xem thường. Sự suy thoái ở đây xuất hiện từ việc nhiều nhà thơ chạy theo sự dễ dãi, dễ đăng, chiều chuộng những gu thẩm mỹ tầm thường, không có được sự suy tư, kiếm tìm đích thực của sáng tạo.

Đừng quên “đạo đức” làm thơ

Trước những vấn đề của thơ đương đại, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương nêu rõ: “Làm thơ phải đặt sự tôn trọng bạn đọc lên hàng đầu bằng cách đem đến những tác phẩm giá trị, phải để thơ ca được cả chất và lượng chứ không thể được mùa nhưng “mất chất”. Chúng ta cũng cần nhận thức rõ một điều là thơ có giá trị lớn lao chứ không phải hàng hoá sản xuất hàng loạt. Thơ ca chất lượng sẽ tác động đến tâm tư, tình cảm, nhân cách con người nhanh hơn và có sức thẩm thấu mạnh mẽ hơn. Các tác phẩm thơ hay nếu được các nhạc sĩ chấp bút thì còn có thể vươn xa hơn, lan tỏa rộng khắp hơn”.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đặc biệt nhấn mạnh: Đã đến lúc các nhà thơ phải thay đổi tư duy để nâng cao chất lượng thơ ca Việt Nam. “Thơ không chỉ làm cho vui. Thơ ca phải đánh thức được tính công dân của người làm thơ, trách nhiệm của người làm thơ với độc giả và vận mệnh của đất nước; hướng con người đến chân, thiện, mỹ và tạo hiệu ứng lan tỏa. Làm thơ cũng phải có “đạo đức”, không phải cứ cố “nghiến răng” làm thơ để chứng minh mình có tác phẩm. Làm thơ không phải là để ru ngủ, tự chiều chuộng mình mà là để tô đẹp cho cuộc đời”.

Liên quan đến công tác quản lý, nhà thơ Nguyễn Thành Tâm đề xuất Bộ VHTTDL cần thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước trong cấp phép cho các CLB thơ, các giải thưởng thơ, để những giá trị của thơ không bị lẫn lộn. Ví dụ như không được tùy tiện dùng chữ “Việt Nam” cho các CLB. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc tra cứu quốc tế và diện mạo chung của thơ ca nước nhà. Hơn nữa, cần có quy định, hướng dẫn để các tác giả nếu chưa cống hiến được cho sự phát triển của thơ ca thì cũng biết cách bảo vệ cho giá trị của thơ.

Ngoài đội ngũ nhà làm thơ, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm còn đề cập đến vấn đề đội ngũ biên tập thơ cần phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, có tính “kỷ luật” hơn. “Biên tập viên phải tự khó tính với chính bản thân mình, nhạy cảm, tăng cường hiểu biết về nghệ thuật và các vấn đề văn hóa - xã hội. Có được phông kiến thức, người biên tập mới cải thiện được khả năng thẩm định, đánh giá và sẵn sàng loại bỏ các sản phẩm thơ kém chất lượng. Đội ngũ biên tập chính là những người “gác cổng”, góp phần thanh lọc thơ ca Việt Nam”. 

 Làm thơ phải đặt sự tôn trọng bạn đọc lên hàng đầu bằng cách đem đến những tác phẩm giá trị, phải để thơ ca được cả chất và lượng chứ không thể được mùa nhưng “mất chất”. Chúng ta cũng cần nhận thức rõ một điều là thơ có giá trị lớn lao chứ không phải hàng hóa sản xuất hàng loạt. Thơ ca chất lượng sẽ tác động đến tâm tư, tình cảm, nhân cách con người nhanh hơn và có sức thẩm thấu mạnh mẽ. Các tác phẩm thơ hay nếu được các nhạc sĩ chấp bút thì còn có thể vươn xa hơn, lan tỏa rộng khắp hơn.

(PGS.TS NGUYỄN THẾ KỶ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương)

ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top