Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Du lịch đã thực sự phục hồi? (Bài 2): Phải trung thực với những con số

Thứ Tư 15/02/2023 | 10:31 GMT+7

VHO- Các địa phương, ngành Du lịch cần nhìn thẳng vào những sự thật để có đáp số chính xác cho bài toán phát triển du lịch của mình.

 Cần phân định rõ khách du lịch có lưu trú và khách tham quan trong ngày

Đừng ru ngủ nhau bằng những con số “đẹp”

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours cho rằng, đã đến lúc, các địa phương cần nhìn thẳng vào sự thật và hành động để có sự đột phá trong phát triển du lịch. Đừng ru ngủ nhau bằng các con số như hiện nay.

Sự hồi phục du lịch trên cả nước thời gian qua là rất đáng mừng, nhưng không phải là không có sự nói “vống” lên của một số địa phương. Ông Mỹ lấy ví dụ dịp lễ 30.4 - 1.5.2022, chỉ 4 ngày nghỉ, 3 điểm đến lớn nhất Việt Nam đã đón hơn 2 triệu lượt khách, thu 4.000 tỉ đồng. Doanh thu du lịch của nhiều địa phương tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ các năm trước.

Ông Mỹ cho rằng, số liệu du lịch có sự “nhảy múa” là vì phương pháp thống kê không thống nhất, mỗi nơi báo cáo một kiểu. Số liệu về lượng khách và cả doanh thu không thể tròn, các đơn vị thường “ước khoảng”, “ước đạt”, “khoảng chừng”, “hơn”, “gần”… là hợp lý. Trong khi đó, ngoài số liệu về tổng lượng khách, doanh thu chung chung, rất cần có thêm số khách lưu trú, phân định rõ khách quốc tế và khách nội địa, chi tiêu của khách quốc tế và khách nội địa, so sánh với cùng kỳ năm trước... Con số càng chi tiết, càng có giá trị.

Theo Tổng cục Du lịch, tháng 1.2023 cả nước đón 13 triệu khách nội địa và 870.000 lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 46.000 tỉ đồng (không có thống kê thu từ khách quốc tế bao nhiêu, thu từ khách nội địa bao nhiêu). Tức là trung bình mỗi khách (cả quốc tế và nội địa) chi tiêu khoảng 3,3 triệu đồng. Năm 2022, Việt Nam đón 3,66 triệu lượt khách quốc tế, 103 triệu lượt khách nội địa; tổng thu du lịch ước đạt 495.000 tỉ đồng; trung bình mỗi khách chi tiêu 4,7 triệu đồng. Trong khi đó, năm 2019, cả nước đón 85 triệu lượt khách nội địa, 18 triệu khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 755.000 tỉ đồng. Trung bình, mỗi du khách chi tiêu khoảng 7,3 triệu đồng.

Nhìn những con số trên cũng có thể thấy, lượng khách có thể tăng cao hơn khi chưa có dịch Covid-19 nhưng doanh thu lại giảm đi quá nửa. Như vậy có nghĩa, du lịch Việt Nam chưa thực sự phục hồi. Bà N.T.H, Giám đốc một công ty du lịch tại Hà Nội cho biết: “Việc thống kê lượng khách sai thực tế có thể sẽ tạo ra sự “quá tải ảo”, du khách sẽ ngại chọn những điểm đến vì lo ngại cho sức khỏe, sự an toàn khi đi du lịch”.

Cần có sự thống nhất

Đã đến lúc phải thay đổi trong thống kê du lịch và thống nhất bộ chỉ tiêu thống kê gồm: Khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu của các chỉ tiêu.

Số liệu du lịch cần tách bạch rõ khách lưu trú và khách tham quan trong ngày, khách quốc tế và khách nội địa, tổng thu của khách quốc tế và khách nội địa, chi tiêu của mỗi du khách, thời gian lưu trú của khách, khách nhập cảnh, khách sử dụng dịch vụ... Không ghép khách dự các lễ hội, sự kiện miễn phí, đi lễ chùa và nhà thờ vào lượng khách du lịch có lưu trú để có “thành tích ảo”. Điều quan trọng nhất của kinh doanh du lịch là doanh thu theo đầu người và lợi nhuận. Không như vậy sẽ không có kinh tế du lịch.

“Lâu nay, việc báo cáo số liệu ở Việt Nam thường vênh nhau giữa địa phương với Trung ương, giữa các địa phương với nhau và rất khó kiểm chứng. Trong kinh tế du lịch, số liệu cần chính xác, cụ thể. Tăng hay giảm đột biến cần có lý giải minh bạch, thuyết phục. Những địa phương cố tình lập lờ, phóng đại cần chấn chỉnh. Báo cáo sai sẽ làm “nhiễu” thông tin, dẫn đến việc đánh giá, dự báo và lập kế hoạch thiếu thực tế", ông Nguyễn Văn Mỹ nói.

Khẳng định nhiều địa phương hiện nay thống kê du lịch chưa có sự đồng nhất, mỗi nơi dựa vào bộ tiêu chí khác nhau, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, việc số liệu sai, không sát với thực tế sẽ gây ra khó khăn cho việc hoạch định chính sách, cho các doanh nghiệp trong dự báo thị trường và xây dựng kế hoạch. “Năm 2022, cả nước đón 3,66 triệu lượt khách quốc tế, nhưng riêng TP.HCM đã đón 3,4-3,5 triệu. Con số này thể hiện sự không trùng khớp về tiêu chí”, ông Mỹ nêu quan điểm.

Doanh nghiệp hiện nay có nhiều nguồn khác nhau để lấy làm căn cứ xây dựng kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, số liệu thống kê chính thống từ cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp cho doanh nghiệp rất nhiều trong việc nhận định, đánh giá thị trường. Các địa phương, ngành Du lịch cần tránh chạy theo con số đẹp mà đưa ra những con số quá cao vì việc này sẽ tạo tâm lý điểm đến đã quá tải, đông đúc khiến khách không đến trong khi dịch vụ thì vẫn còn nhiều, chưa chạy hết công suất. Bên cạnh đó, việc này cũng tạo ra sự so sánh giữa các địa phương, thi nhau đưa ra con số không có thật, gây ra áp lực cho cơ quan quản lý, dẫn tới điều chỉnh nguồn lực không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Ông Dũng đề xuất về chỉ tiêu, về phương pháp tính phải rõ ràng, chính xác và đồng bộ trong cả nước. Như vậy sẽ giúp ích cho điểm đến quốc gia và hệ thống doanh nghiệp.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đầu vào của du lịch là đầu ra của các ngành khác nên cần phải có sự thống kê chính xác và thực hiện tính toán theo tài khoản vệ tinh. Tài khoản Vệ tinh Du lịch (TSA) là một công cụ giúp các nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia cung cấp tư liệu cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trực tiếp và sự đóng góp của ngành Du lịch cho các ngành kinh tế quốc gia. TSA được phát triển bởi Cơ quan thống kê của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Hội đồng châu Âu, Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế (OECD). Phương pháp thống kê TSA sử dụng hệ thống tài khoản còn gọi là tài khoản “vệ tinh” nhằm thống kê mọi hoạt động kinh tế có liên quan đến du lịch trong nền kinh tế và được tổng hợp lại trong hệ thống tài khoản quốc gia. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa thực hiện được việc áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch nên rất khó khăn trong việc mở rộng khả năng quản lý doanh thu từ du lịch. Hiện nay, số liệu khách quốc tế vẫn do tính toán của Tổng cục Thống kê, khách nội địa do Tổng cục Du lịch ước tính từ báo cáo của các địa phương.

Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư, những người làm du lịch chuyên nghiệp rất mong chính phủ sớm chỉ đạo thực hiện áp dụng TSA vào hoạt động thống kê du lịch quốc gia nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng kinh doanh; giúp cho các nhà hoạch định có cái nhìn tổng thể, các viễn cảnh phát triển du lịch để có chiến lược và chính sách hợp lý trong giai đoạn mới. 

 Phương pháp thống kê TSA sử dụng hệ thống tài khoản còn gọi là tài khoản “vệ tinh” nhằm thống kê mọi hoạt động kinh tế có liên quan đến du lịch trong nền kinh tế và được tổng hợp lại trong hệ thống tài khoản quốc gia.

Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa thực hiện được việc áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch nên rất khó khăn trong việc mở rộng khả năng quản lý doanh thu từ du lịch. Hiện nay, số liệu khách quốc tế vẫn do tính toán của Tổng cục Thống kê, khách nội địa do Tổng cục Du lịch ước tính từ báo cáo của các địa phương.

THÚY HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top