Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Đắk Lắk chấm dứt cưỡi voi ở khu du lịch Cầu treo Buôn Đôn

Thứ Tư 15/02/2023 | 10:35 GMT+7

VHO_ Liên quan đến việc báo chí phản ánh về tình trạng du lịch “cưỡi voi” vẫn diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán 2023, Chi nhánh du lịch và khách sạn Biệt Điện (trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vừa ra thông báo, đơn vị chính thức ngừng hoạt động trải nghiệm cưỡi voi tại khu du lịch Cầu treo Buôn Đôn ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, từ ngày 10.2.2023.

Khu du lịch Cầu treo Buôn Đôn (Đắk Lắk) đã chấm dứt du lịch cưỡi voi từ ngày 10.2

 Theo đó, hoạt động cưỡi voi sẽ được thay thế bằng bộ sản phẩm du lịch mới đậm nét văn hóa địa phương gắn với các hoạt động du lịch thân thiện với voi như cho voi dạo chơi, vui đùa cùng du khách. Động thái này nhằm thực hiện chủ trương của tỉnh Đắk Lắk về lộ trình dừng du lịch cưỡi voi trong hoạt động kinh doanh du lịch để bảo tồn đàn voi nhà của tỉnh, chuyển dần sang mô hình du lịch voi thân thiện.

“Chi nhánh du lịch và khách sạn Biệt Điện giao lãnh đạo, quản lý Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn thực hiện nghiêm túc, triệt để, tư vấn cho khách tham quan chuyển sang sử dụng sản phẩm du lịch thân thiện với voi và các sản phẩm khác…”, thông báo của Chi nhánh du lịch và khách sạn Biệt Điện nêu rõ. Cũng theo thông báo này, Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn hiện có hai con voi và hợp đồng với người dân 4 con voi. Dịp Tết Quý Mão 2023, giá vé cưỡi voi là 500.000 đồng/voi/2 khách. Giá vé xem voi, chụp hình với voi là 100.000 đồng/du khách. Ngoài ra, du khách còn tương tác, cho voi ăn với giá 30.000 đồng/bó mía. Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc chi nhánh, phụ trách Trung tâm du lịch Cầu treo Buôn Đôn cho biết, sau khi chấm dứt dịch vụ du lịch cưỡi voi, số lượng khách du lịch đã giảm mạnh. Nhiều người vào trung tâm vì để trải nghiệm cưỡi voi nhưng khi đến nơi không được cưỡi nữa nên khá thất vọng. Tuy nhiên, đơn vị đã linh động chuyển đổi bằng cách cho khách thuê trang phục đồng DTTS rồi cho voi ăn, chơi, rồi tắm cho voi.

“Thực tế, việc chuyển đổi này chỉ mới được ít ngày nên không ít du khách cảm thấy mới mẻ, chưa đón nhận nhiều. Nhân viên phục vụ, nài voi vẫn chưa thành thạo trong việc chuyển đổi dịch vụ mới. Để thay đổi thói quen, sở thích của du khách không thể ngày một ngày hai, cần phải có lộ trình, làm bài bản. Để cải thiện tình hình, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức huấn luyện voi để du khách có những trải nghiệm tốt nhất”, ông Đức nói và cho biết thêm. Trung tâm sẽ tổ chức các chuyến đi tour đi trekking xa hơn. Du khách còn được chèo thuyền trên dòng sông Sêrêpốk hoặc đạp xe xuôi về các buôn làng, cắm trại đốt lửa. Dù việc chấm dứt dịch vụ cưỡi voi ảnh hưởng lớn đến doanh thu nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận. Bởi, trước sau gì cũng phải chuyển đổi, thà làm sớm còn hơn.

Ở diễn biến liên quan, tại chương trình Hội voi Buôn Đôn, một trong các hoạt động chính của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 diễn ra vào tháng 3 tới tại Đắk Lắk cũng sẽ không có các hoạt động như thi voi chạy, thi voi bơi, thi voi đá bóng, không thi voi kéo co với người. Thay vào đó sẽ có một số nội dung như cúng sức khỏe cho voi, cho voi dự tiệc buffet, thi trang điểm cho voi, thi voi chào khán giả, cho voi tương tác và chụp hình với khán giả và du khách… Ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng VHTT huyện Buôn Đôn cho hay, vấn đề này cũng là thực hiện sự cam kết của UBND tỉnh với Tổ chức Động vật Châu Á. “Đây là một chủ trương rất tốt nên chúng tôi cũng rất mong đợi. Bởi bây giờ để có được những con voi hằng ngày đi lại thì cũng là một tài nguyên phục vụ cho du lịch rồi. Nên trong điều kiện đó, cũng không riêng gì người chủ voi mà ngay cả chúng tôi cũng mong muốn rằng chúng ta phải bảo tồn thật kỹ, làm thật tốt nội dung này. Cũng rất mong từ phía du khách, đến với Buôn Đôn xem voi thôi, không nên cưỡi voi nữa, để rồi chúng ta giữ gìn được những con voi còn lại càng lâu càng tốt”, ông Thoại chia sẻ..

 Sẽ không còn dịch vụ cưỡi voi ở Khu du lịch Cầu Treo Buôn Đôn Ảnh: NGỌC HÒA

Theo Sở VHTTDL Đắk Lắk, để thực hiện cam kết với Tổ chức động vật châu Á, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện Lắk, Buôn Đôn... chủ voi nghiên cứu việc tổ chức hoạt động có sử dụng voi nhà trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, năm 2023. Trường hợp có sử dụng voi cần nghiên cứu không gây ảnh hưởng đến phúc lợi của voi và xây dựng các phương án phù hợp hơn như vận chuyển voi bằng phương tiện giao thông đến nơi tập kết. Các bên liên quan chỉ sử dụng hình ảnh voi trong hoạt động khai mạc, bế mạc hoặc hoạt động tương tác thân thiện với voi, mang tính chất giáo dục môi trường. Hoạt động voi diễu hành cần có phương án thay thế như sử dụng phương tiện để vận chuyển voi diễu hành cùng các đoàn. Các trò chơi tương tác phải nghiên cứu, có ít sự tác động đến tinh thần, tâm sinh lý của voi, không gây ức chế hoặc đau đớn cho loài vật này.

Trước đó, tháng 11.2022 UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt Dự án hỗ trợ kỹ thuật việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh, do Tổ chức động vật châu Á tài trợ. Tổng giá trị khoản viện trợ là 55 tỉ 452 triệu đồng (tương đương 2,43 triệu USD), trong đó vốn viện trợ không hoàn lại là 50 tỉ 888 triệu đồng, vốn đối ứng từ nguồn ngân sách sự nghiệp được bố trí cho Trung tâm Bảo tồn voi, cứu trợ động vật và quản lý bảo vệ rừng hằng năm là 4 tỉ 564 triệu đồng. Mục tiêu của dự án nhằm triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi và nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà và duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Năm 2018, Tổ chức Động vật châu Á cũng đã tài trợ 65.000 USD trong vòng 5 năm để Vườn Quốc gia Yok Đôn chuyển đổi mô hình từ cưỡi voi sang du lịch thân thiện đối với 3 con voi.

Theo số liệu của Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng Đắk Lắk, hiện nay toàn tỉnh còn 37 cá thể voi nhà, trong đó có 22 cá thể ở huyện Buôn Đôn, 14 cá thể ở huyện Lắk và 1 cá thể ở huyện Krông Ana. Con số này đã giảm mạnh so với đầu những năm 1980 với 502 cá thể voi nhà. 

 Để bảo tồn đàn voi nhà, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều về chính sách bảo tồn voi. Cụ thể, hỗ trợ 500.000 đồng/chủ voi cái/ngày và 600.000 đồng/ chủ voi đực/ngày trong thời gian 30 ngày chúng gặp gỡ, giao phối. Trong thời gian voi mang thai và sinh sản, hỗ trợ 300.000 đồng/ ngày trong 10 tháng đầu thai kỳ; 600.000 đồng/ngày từ tháng 11 thai kỳ đến tháng thứ 6 sau khi chúng sinh con.

Ngoài ra, nài chăm sóc voi trong thời gian chúng giao phối, sinh sản, nuôi con được hỗ trợ 200.000 đồng/ngày trong 29 tháng đối với nài voi cái và 30 ngày đối với nài voi đực… Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, đàn voi nhà trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có voi cái nào sinh nở thành công.

NGỌC HÒA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top