Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Để di sản Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo

Thứ Bảy 18/02/2023 | 10:12 GMT+7

VHO - Sau khi Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước (Bình Định) được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, ngành Văn hóa tỉnh và cộng đồng dân cư này đang khẩn trương dồn lực cho việc bảo tồn cũng như nâng tầm quy mô lễ hội. Đặc biệt, lên một kế hoạch dài hơi để phát huy giá trị di sản, đưa lễ hội trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng trong hành trình du khách tìm về “miền đất Võ, xứ Văn chương” để khám phá.

Trở thành văn hóa tín ngưỡng độc đáo

Theo hồ sơ di sản, từ những năm 1610, khi Cảng thị Nước Mặn bước vào thời kỳ phồn vinh, cùng với người Việt, người Minh Hương và cộng đồng các sắc tộc cư trú từ một số vùng, miền di cư đến Nước Mặn mua bán đông đúc thì Chùa Bà được khởi dựng. Từ đó tên gọi “Chùa Bà” ra đời.

Lễ rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục với những hình tượng đặc sắc trong Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc có quy mô lớn và ra đời sớm ở Bình Định. Hằng năm, lễ hội được tổ chức vào cuối tháng Giêng, đầu tháng 2 (âm lịch); có thể ngày 29 hay ngày 30 tùy tháng thiếu hay đủ và có thể kéo dài thêm 2 hoặc 3 ngày của tháng 2 âm lịch. Đến nay, lễ hội đã có sự đổi mới về nội dung và hình thức cho phù hợp với tình hình mới. Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ, tín ngưỡng mang tính đặc trưng của vùng cảng thị xưa như: lễ tế các vị thần linh đã phù hộ cho người đi biển, buôn bán, che chở cho đời sống tinh thần, vật chất của người dân, bảo hộ cho việc sinh sản mẹ tròn con vuông; lễ rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục với những hình tượng đặc sắc, nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công lao khai sáng của cha ông đã biến vùng đầm lầy ven biển trở thành một đô thị thương cảng sầm uất. Ngoài ra, phần hội với nhiều trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết: Tên gọi Nước Mặn xuất hiện vào đầu thế kỷ XVII, là một địa chỉ nằm trên con đường tơ lụa trên biển giữa với một số trung tâm thương mại quốc tế. Bản đồ vẽ vào năm 1608 con đường tơ lụa trên biển có hai địa danh được thương nhân nước ngoài thường đến buôn bán là Thị Nại - Nước Mặn và Hải Phố - Hội An nằm trên đường hàng hải đến với Vuconva (tức bắc Philippines). Trong các thương cảng ở Đàng Trong lúc bấy giờ thì Thị Nại - Nước Mặn thuyền buôn các nước phương Tây, Malasia và một số nước khác đến buôn bán khá tấp nập.

“Lễ hội đã trở thành một hoạt động văn hóa tín ngưỡng quy mô lớn và ra đời sớm ở Bình Định. Vì lý do chiến tranh và nhiều vấn đề có liên quan, lễ hội được khôi phục trong vòng hơn 20 năm qua. Cho đến nay, lễ hội được tổ chức hàng năm nhưng đã có sự đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức cho phù hợp với sự đổi mới kinh tế - văn hóa - xã hội”, ông Ngọc cho hay.

Nâng tầm giá trị di sản

Trở lại di tích lịch sử Chùa Bà, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng Ban quản lý Khu Di tích lịch sử chùa Bà chia sẻ: Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cộng đồng chúng tôi vui lắm. Để di sản tiếp tục có sức sống mãnh liệt trong cộng, chúng tôi xin hứa sẽ nỗ lực phấn đấu, lao động sáng tạo hết mình để cống hiến công sức, trí tuệ và khả năng của bản thân gìn giữ di sản Nước Mặn, để lễ hội luôn có sức sống vững bền và ngày càng phát triển, lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng dân cư từ đô thị đến vùng biển, nông thôn các khu vực có di sản tương đồng. “Mong rằng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, các cấp tiếp tục quan tâm, ban hành các kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị, chính sách phù hợp để khuyến khích nghệ nhân, thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống này xứng tầm với một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, ông Chín bày tỏ.

Di tích lịch sử Chùa Bà góp phần minh chứng về một thời phồn vinh của vùng cảng thị Nước Mặn trong lịch sử

Trao đổi với Văn Hóa, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, việc Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đã góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa dân gian của loại hình di sản văn hóa phi vật thể này. Đặc biệt, khẳng định vai trò của lễ hội trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương, tôn trọng giá trị của di sản tại vùng đất Bình Định, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa trong tổng thể các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định nói chung, huyện Tuy Phước nói riêng. “Trong thời gian tới, bằng sự nỗ lực và trách nhiệm, huyện Tuy Phước cần phối hợp với Sở VHTT Bình Định, cộng đồng dân cư tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát huy di sản Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn”, ông Giang mong muốn.

Đề cập đến vấn đề nâng tầm giá trị di sản sau khi khi được công nhận, ông Lâm Hải Giang khẳng định: UBND tỉnh Bình Định sẽ có kế hoạch bài bản để phục dựng lại lễ hội ở tầm quy mô lớn hơn. Cùng đó, xây dựng các chương trình giáo dục, giới thiệu, quảng bá di sản gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, để Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn tiếp tục được bảo tồn và lan toả, tạo ấn tượng mạnh mẽ, mời gọi du khách đến với Tuy Phước hiền hoà, thắm đượm tình người - vùng đất giàu trầm tích văn hóa đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ cùng với tỉnh nhà và cả nước.

PHAN HIẾU

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top