Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Người trẻ làm hài độc thoại: “Duyên” phải đi đôi với đạo đức nghề nghiệp

Thứ Hai 20/02/2023 | 09:50 GMT+7

VHO -Nhiều nền tảng phát video trực tuyến hiện đang xuất hiện các clip hài độc thoại của nhóm bạn trẻ có tên Saigon Tếu. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như một số sản phẩm của nhóm bị đánh giá là hài nhảm, khai thác yếu tố dung tục để chọc cười khán giả.

 Saigon Tếu đang bị khán giả phản ứng vì một số clip hài chưa phù hợp với thuần phong, mỹ tục Ảnh: SAIGON TẾU

 PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, đây là vấn đề rất đáng lo ngại bởi hài “nhảm”, hài “bẩn” đang tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của công chúng. Đáng buồn hơn cả, điều này lại gây ra bởi một bộ phận giới trẻ, thể hiện tư duy lệch lạc trong sáng tạo nghệ thuật.

Dung tục được tung hô?

Hài độc thoại (Stand-up comedy) là thể loại hài kịch, nghệ sĩ sẽ đứng biểu diễn trực tiếp trên sân khấu và “quăng miếng” khiến khán giả bật cười. Đó có thể là kể chuyện cười, pha trò, chơi chữ, tranh luận... mà không cần sự hỗ trợ của trang phục hay đạo cụ. Hài độc thoại hấp dẫn vì dám bước vào nhiều “vùng cấm”, thể hiện những vấn đề nhạy cảm thông qua lăng kính hài hước. Tuy nhiên, đây cũng là con dao chạm vào “điểm nóng”, một tiết mục hài độc thoại có thể trở thành “thảm họa”, khiến khán giả khó chịu vì sự tục tĩu, phản cảm.

Điển hình là video hài Saigon Tếu với tiêu đề 18+ uncut Cà khịa show #3 - Saigon Tếu roast battle. Trong video, các thành viên của nhóm liên tục sử dụng những từ ngữ mô tả chuyện 18+ một cách lộ liễu nhằm công kích đối phương. Video dù hiện đã bị gỡ bỏ nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi: Liệu nhóm này có ý thức hết được tác hại khi cho đăng tải những clip hài dung tục như vậy, hay cứ theo “công thức” sai thì xóa?

Đây không phải lần đầu tiên Saigon Tếu vấp phải phản ứng từ khán giả. Trước đó, với chủ đề Ngày đầu tiên đi học của bạn, bạn trẻ có nghệ danh Tùng BT đã trình chiếu trên nền tảng TikTok clip dài hơn 2 phút có nội dung châm biếm môn võ Vovinam, môn võ có nguồn gốc từ võ dân tộc, khiến nhiều người trong giới võ thuật nước nhà bức xúc. Ông Nguyễn Bình Định, Phó Tổng thư ký, Chánh Văn phòng Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) cho biết: “Chúng đã xem clip của một Tiktoker tên Tùng BT - kênh Saigon Tếu, trong đó có nói về Vovinam với những phát biểu, nhận định thiếu hiểu biết, xuyên tạc, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh Vovinam. Được sự chỉ đạo của Chủ tịch VVF, Văn phòng và Ban Truyền thông VVF sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý thông tin trên theo thẩm quyền phù hợp với các quy định pháp luật về sử dụng mạng xã hội”.

Chơi dao có ngày đứt tay

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, tình trạng hài nhảm, hài tục diễn ra liên tục làm cho những người làm về văn hóa rất buồn. Trong khi chúng ta đang thiếu các tác phẩm hay, có giá trị định hướng thẩm mỹ thì một bộ phận giới trẻ lại tiếp tay cho hài nhảm khiến vấn đề này ngày càng trở nên nghiêm trọng.

“Hài có nhiều loại hài. Tiếng cười cũng có nhiều loại tiếng cười. Nếu cái hài và tiếng cười được dùng để phê phán thói hư, tật xấu thì nó sẽ góp phần làm cho xã hội tốt hơn. Nhưng ngược lại, nếu là hài nhảm, tục tĩu thì chỉ khiến cái xấu lan xa. Chúng ta phải luôn hướng con người đến với những giá trị chân, thiện, mỹ. Nghệ thuật chân chính mang nhiều giá trị giáo dục, giúp tạo dựng môi trường để con người có lối sống tốt đẹp hơn. Còn nếu xa rời mục đích đó, nghệ thuật sẽ làm méo mó sự phát triển nhân cách của con người. Hài nhảm như một thứ virus, đi ngược lại với trào lưu chính, nếu chúng ta không cẩn thận, nó sẽ gieo giắc “mầm bệnh” cho nhiều người, đặc biệt giới trẻ”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn thể hiện sự lo ngại.

Ông Sơn nói thêm, văn hóa được coi là sản phẩm hàng hóa nhưng có tính đặc thù. Không thể lấy lý do đã là sản phẩm hàng hóa thì phải đáp ứng nhu cầu của thị trường để bào chữa cho việc sản xuất ra các sản phẩm dung tục, đi ngược lại các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Văn hóa - nghệ thuật có liên quan đến hệ thống các giá trị, tư tưởng, lối sống của một cộng đồng hay cả dân tộc. Xóa sổ hài nhảm, hài tục cũng là cách thanh lọc môi trường văn hóa - nghệ thuật; tạo điều kiện cho phát triển các giá trị, lối sống lành mạnh.

Để hài tục, hài nhảm không còn đất sống, PGS.TS Bùi Hoài Sơn hy vọng nghệ sĩ, công chúng, nhất là những nhóm hài trẻ hãy tự khó tính với chính bản thân mình trong gu thẩm mỹ: “Đừng lấy lý do mình là người trẻ, phải táo bạo, dám làm những gì người khác không thể. Nên nhớ tự do sáng tạo nhưng phải trong khuôn khổ cho phép; phải đi theo hệ giá trị chuẩn mực và thuần phong, mỹtục nước nhà. Khi chúng ta cónhiều tác phẩm hài hay, có ý nghĩa giáo dục, thu hút sự quan tâm của khán giả thì khán giả sẽ quay lưng lại với hài nhảm”.

Không chỉ các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, nhiều giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn đều khẳng định: Không chỉ hài độc thoại mà tất cả những thể loại hài khác đều sử dụng lối tư duy, nghệ thuật ngôn từ để chọc cười khán giả. Những vấn đề nhạy cảm của xã hội qua câu chữ, lối thể hiện hài hước được tái hiện lại để người xem cất lên tiếng cười sảng khoái. Và ẩn sau tiếng cười chính là những chiêm nghiệm về cuộc sống của riêng cá nhân. 

 ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top