Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Mỹ thuật trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Cần điểm nhấn với đặc trưng của thành phố mang tên Bác

Thứ Tư 22/02/2023 | 10:48 GMT+7

VHO- Tại Hội thảo khoa học “Mỹ thuật trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức vào sáng qua 21.2, các chuyên gia mong muốn không gian văn hóa cần có tính đặc trưng riêng của TP.HCM với điểm nhấn mang đậm tư tưởng và văn hóa cốt lõi.

Tại Hội thảo, các chuyên gia mong muốn Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần có tính đặc trưng riêng của thành phố mang tên Bác

 Quan trọng nhất, đây phải là không gian sống để mọi người dân đều được tiếp cận, được tương tác và thụ hưởng, trong đó vai trò của yếu tố mỹ thuật là vô cùng quan trọng.

Còn nặng về tính tuyên truyền chính trị

Nhấn mạnh về giá trị mỹ thuật trong việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, NGND.GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM nhấn mạnh, mỹ thuật ngoài trời là thành tố không thể thiếu trong không gian văn hóa công cộng và nó cũng là một điểm nhấn quan trọng trong tổng thể chung của việc “Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra.

Mỹ thuật trong không gian văn hóa đô thị không chỉ đóng vai trò làm đẹp hay những điểm nhấn cần thiết để tô điểm cho đô thị mà còn thể hiện trình độ dân trí, trình độ phát triển và văn minh của đô thị. Theo GS Tiên: “Hiện nay mỹ thuật TP.HCM phát triển chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế, vẫn chưa có những tác phẩm đỉnh cao, do đó thời gian tới, Hội Mỹ thuật TP cũng như các hội viên, họa sĩ, nhà điêu khắc, mỹ thuật… cần hoạt động tích cực hơn nữa. Mỹ thuật không chỉ nằm trong phòng triển lãm mà cần mở rộng ra không gian đô thị, lan tỏa đến mọi người để phát huy vai trò định hướng nghệ thuật”.

Chuyên gia nhận định, thực tế cho thấy, nghệ thuật công cộng tại TP.HCM chưa phát triển toàn diện, về mặt nào đó mới chỉ được coi như hình thức làm đầy chỗ trống, chấp nhận tất cả những gì mà người thiết kế đưa vào miễn là thấy được. Cạnh đó, tuy có nhiều cơ quan quản lý về các lĩnh vực nhưng thực ra về nghệ thuật công cộng thì chưa hẳn một cơ quan nào chịu trách nhiệm. Đây chính là nguyên nhân của những bất cập trong quản lý nghệ thuật công cộng trong không gian đô thị.

Theo NGND, họa sĩ Uyên Huy (nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM), nhiều năm qua, có người nghĩ đơn giản rằng nơi nào có tượng hay ảnh chân dung Bác Hồ thì nơi đấy là Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, cho nên đã vô tình hình thành quan niệm hời hợt, duy hình thức, nặng về tuyên truyền chính trị mà bỏ quên “cái hồn” và biến công trình trở nên khô cứng, chưa tạo thành một di sản văn hóa đúng nghĩa trọn tình.

 Người dân vui chơi tại khu vực công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM

Phối hợp đồng bộ giữa mỹ thuật - kiến trúc - quy hoạch

Tại Hội thảo, các chuyên gia mong muốn Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần có tính đặc trưng riêng của thành phố mang tên Bác. Theo TS Nguyễn Thái Giao Thủy, Khoa Văn hóa và Du lịch (Trường ĐH Sài Gòn): “Hiện nay tại TP.HCM, các công trình chủ yếu là tượng đài nhưng rất ít công trình có chất lượng. Hầu hết được xây dựng ở những nơi di tích lịch sử thuộc quận, huyện ngoại thành hay trong khuôn viên các bảo tàng, công sở, trường học và chủ yếu là các sự kiện hay nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Dù có rất nhiều công trình hoành tráng nhưng vẫn thiếu điểm nhấn mang đậm tư tưởng và văn hóa cốt lõi cho Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.

Khẳng định vai trò của mỹ thuật công cộng trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Thị Hồng Tươi, Phó Trưởng khoa Kiến trúc (Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng) cho rằng, TP.HCM nên tích hợp bối cảnh lịch sử và các đặc trưng với xã hội hiện đại. Nghệ thuật công cộng có thể giúp người dân địa phương nhận ra được giá trị của họ và đó là phương tiện tốt nhất để định hình hình ảnh TP.HCM. “Hiện nay, việc quy hoạch thương mại và xây dựng đô thị đang bùng nổ, theo đuổi cái đẹp trên cơ sở xây dựng kinh tế dần dần làm mất đặc điểm và tính năng. Do đó, việc nghiên cứu kỹ mối quan hệ giữa nghệ thuật công cộng và hình ảnh TP trở thành một trong những vấn đề nóng mà mọi người đang chú ý”, chuyên gia này bày tỏ.

Theo các đại biểu, để phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với yếu tố mỹ thuật, cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý, hoàn thiện bản đồ quy hoạch tổng thể các công trình, tác phẩm mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng TP; xây dựng chính sách pháp lý để tạo sự phối hợp đồng bộ giữa mỹ thuật - kiến trúc - quy hoạch và các ngành có liên quan; đặc biệt là cơ chế trích 1-5% tổng kinh phí thực hiện các công trình kiến trúc công cộng, cho công việc làm đẹp của mỹ thuật.

“Để chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước vào năm 2025, đề nghị lãnh đạo TP cho khai triển lại đề án xây dựng tượng đài Thống nhất tại Công viên Hoàng Văn Thụ (cửa ngõ từ sân bay Tân Sơn Nhất đi vào TP). Đây là một công trình tâm huyết không chỉ của các cấp lãnh đạo TP nhiều nhiệm kỳ mà còn là món nợ của giới chuyên môn với người dân trong rất nhiều năm qua. Nếu thực hiện được tốt công trình này thì đây cũng là một món quà có ý nghĩa trong dịp lễ trọng đại, đồng thời cũng góp phần không nhỏ vào việc Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM Nguyễn Xuân Tiên tâm tư.

Theo GS Nguyễn Xuân Tiên, ngoài Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1), không gian trưng bày ảnh nghệ thuật ở đường Đồng Khởi (quận 1), TP.HCM cũng có thể chọn con đường Hàn Thuyên hay Alexandre de Rhodes làm con đường tranh, Công viên Tao Đàn làm thành công viên nghệ thuật, hay chọn đường Huyền Trân Công Chúa, nằm sau Hội trường Thống Nhất để xây dựng thành con đường nghệ thuật. Đưa những hoạt động biểu diễn mang tính cộng đồng, tổ chức biểu diễn, giới thiệu đến với công chúng. Hội Mỹ thuật TP.HCM cũng có thể kết hợp với Sở Du lịch TP thực hiện không gian văn hóa nghệ thuật từ Cột cờ Thủ Ngữ chạy dọc bến Bạch Đằng đến khu vực Ba Son, nối liền Bảo tàng Tôn Đức Thắng… tạo thành khung cảnh đẹp của đô thị và điểm đến của du khách.

Các đại biểu cũng bày tỏ, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thực sự thành công khi mà tạo ra được không gian văn hóa để mọi người dân đều có thể tiếp cận, tương tác, góp ý… “Chúng tôi mong muốn đó là không gian sống chứ không chỉ giá trị chiêm ngưỡng. Làm sao để các thế hệ sau coi như đây là không gian truyền thống, gắn với tuổi thơ, lưu giữ ký ức…, muốn thế, không gian này phải hội tụ tính thẩm mỹ, đa dạng, đại chúng, gắn kết để mọi người cùng thụ hưởng”, một chuyên gia chia sẻ. 

ANH HUY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top