Độc đáo Lễ hội Cầu mùa của người Sán Chay ở Phú Lương

VHO- Vào dịp trước hoặc sau Tết nguyên đán, đồng bào Sán Chay tại xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên thường tổ chức Lễ hội Cầu mùa. Đây là một trong những lễ hội truyền thống, phản ánh đậm nét đời sống tín ngưỡng của người dân tộc Sán Chay từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả, thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.

Người Sán Chay ở Thái Nguyên có nhiều phong tục, tập quán mang đậm bản sắc dân gian thông qua các lễ hội truyền thống, tiêu biểu là phong tục Cầu mùa, một hoạt động dân gian lưu truyền từ ngàn xưa, được cộng đồng thừa nhận và bảo tồn qua nhiều thế hệ. Đây là lễ hội giàu tính nhân văn, thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên, mong ước cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, muôn loài được sinh sôi nảy nở, cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc.

Độc đáo Lễ hội Cầu mùa của người Sán Chay ở Phú Lương - Anh 1

Người dân, du khách cùng hào hứng trải nghiệm điệu múa sạp truyền thống 

Theo truyền thống, Lễ hội Cầu mùa người Sán Chay xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên được tổ chức vào ngày 2.2 âm lịch hàng năm. Trong ngày này, người Sán Chay lại cùng nhau sắp lễ cúng thần linh, thổ địa tại đình làng để cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, thóc ngô đầy bồ, chăn nuôi phát triển, dân làng được bình yên, no đủ… Việc duy trì tổ chức Lễ hội Cầu mùa người Sán Chay còn góp phần bảo tồn, phát huy những nét đẹp, giá trị văn hóa của dân tộc cũng như quảng bá tiềm năng, thế mạnh về các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của địa phương. Đây là một trong những lễ hội truyền thống mang nhiều giá trị độc đáo, năm 2018 đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Lễ hội Cầu mùa của đồng bào dân tộc Sán Chay diễn ra gồm có hai phần Lễ và Hội. Trong phần Lễ, các gia đình trong xóm tập trung tại đình làng để chuẩn bị lễ vật như xôi, gà, lợn, trầu cau để thực hiện nghi thức rước lễ lên đình và cúng tế.

Độc đáo Lễ hội Cầu mùa của người Sán Chay ở Phú Lương - Anh 2

Điệu múa Tắc xình tại Lễ hội Cầu mùa

Ở phần Hội, người dân, du khách được hòa mình trải nghiệm không khí lễ hội với điệu múa Tắc xình hay các làn điệu dân ca trong Lễ hội Cầu mùa là những giá trị văn hoá độc đáo, đáng trân trọng và có sức sống lâu bền bởi điệu múa thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động. Múa Tắc xình gồm các điệu thăm đường, lập làng, bắt quyết, mài dao, phát nương, tra mố, hái lượm, mừng mùa vụ hay chim câu tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi; đồng thời mô phỏng động tác lao động, sản xuất hằng ngày của đồng bào với mong muốn một cuộc sống bình yên, no đủ. 

Đến với Lễ hội Cầu mùa, người dân, du khách còn được thưởng thức những bài hát giao duyên Sình ca, hát Soọng Cô; tung còn, múa sạp và tham gia các trò chơi dân gian diễn ra trên khắp các khu vực của sân làng. Lễ hội Cầu mùa khép lại khi bà con Sán Chay mời khách cùng dự bữa cơm đoàn kết, ấm áp với những lời chúc cho một năm bình an, một mùa vụ mới thật no ấm.

Hiện nay, để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóm Đồng Tâm đã thành lập CLB Bảo tồn văn hóa Sán Chay gồm các nghệ nhân trong vùng tham gia, các nghệ nhân sưu tầm và dịch lại sách cổ để truyền dạy cho con cháu những phong tục, tập quán tốt đẹp cũng như những điệu múa, câu hát của dân tộc Sán Chay.

Q.VY

Ý kiến bạn đọc