Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Để văn hoá là sức mạnh trường tồn của dân tộc

Thứ Hai 27/02/2023 | 14:05 GMT+7

VHO- Tiếp tục các nội dung tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943 – 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển, trong phần nội dung thứ 2, nhiều đại biểu khẳng định dưới sự soi sáng của bản Đề cương, văn hoá, con người Việt Nam đã trở thành nền tảng tinh thần, động lực quan trọng trong phát triển đất nước.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thực hiện chủ trương, quan điểm của Đề cương về văn hoá Việt Nam, văn hoá dân tộc đang có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số. Với tinh thần đại chúng hoá, Việt Nam đang nỗ lực đưa văn hoá phát triển trên đa nền tảng, đến được với mọi tầng lớp nhân dân.

 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo

“Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội đại chúng hoá văn hoá; thu hẹp khoảng cách tiếp cận, hưởng thụ văn hoá như hiện nay. Chỉ riêng với sách, trong thời kỳ chuyển đổi số, một cuốn sách ra đời được phát hành trên nhiều nền tảng mạng xã hội với đủ phiên bản như tóm tắt, phiên bản phát hành riêng cho di động, âm thanh… Sách được phát hành dưới vô vàn hình tướng là cách để sách đến được với đông đảo bạn đọc. Một cuốn sách trọn vẹn có thể tiếp cận được chỉ hàng trăm nghìn người nhưng một cuốn sách ở dạng tóm tắt, phát hành đa nền tảng có thể đến được với hàng triệu người. Giá trị của một cuốn sách vì thế tăng lên, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Bộ TT&TT, một trong những xu hướng tiếp cận văn hoá phổ biến hiện nay là hỏi – đáp. Tức là cần thông tin gì sẽ đặt câu hỏi. Vì lẽ đó, chúng ta cần xây dựng được công cụ trợ lý ảo, chẳng hạn như ChatGPT chuyên về văn hoá Việt Nam. Từ đó, mọi công dân Việt Nam, thậm chí là bạn bè quốc tế có cơ hội được vào đối thoại, học hỏi, mở mang hiểu biết mọi lúc, mọi nơi. Đây là cách thức truyền bá văn hoá Việt Nam nhanh, hiệu quả.  

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, văn hoá muốn phát triển thì cần một ngành công nghiệp, thị trường văn hoá đủ mạnh. Công nghiệp văn hoá Việt Nam sẽ phát triển hơn khi có càng nhiều người tham gia sáng tạo văn hoá. Điều này là khả thi khi Việt Nam đang cung cấp nhiều công cụ sáng tạo số để người dân tham gia, có cơ hội sáng tạo văn hoá. Ngoài các nền tảng sẵn có, Việt Nam có thể nghiên cứu, cho ra đời thêm một sàn thương mại điện tử chuyên cung cấp các sản phẩm văn hoá; giúp phát triển các ngành công nghiệp, thị trường văn hoá. Những yếu tố này đều góp phần thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021 rằng xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế, xã hội và không gian số sẽ giúp văn hoá thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

PGS.TS Lê Thị Bích Hồng (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương) khẳng định Đề cương về văn hoá Việt Nam là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của văn hoá

Nhấn mạnh tầm quan trọng của bản Đề cương trong phát triển văn hoá, con người Việt Nam, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, dù trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, Đảng ta vẫn bình tĩnh, sáng suốt ban hành Đề cương với mục đích chống lại chính sách văn hóa phản động của thực dân Pháp, phát xít Nhật và tay sai của chúng, chống lại trào lưu lãng mạn có khuynh hướng cải lương, bi quan, bế tắc; định hướng cho phát triển văn hoá Việt Nam sau này..

“Kể từ khi ra đời cho đến nay, tinh thần bản Đề cương về văn hóa vẫn nguyên giá trị, giữ tính nhất quán về đường hướng phát triển, nguyên tắc chỉ đạo; có sức lan tỏa, định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nền văn hóa Việt Nam. Đề cương văn hóa đã mở đường cho đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; là nền tảng phát triển những văn kiện của Đảng; là cương lĩnh về văn hóa đầu tiên của Đảng. Bản Đề cương là ánh sáng soi đường, đảm nhận sứ mệnh lịch sử quan trọng đối với việc xây dựng, sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đề cương càng có ý nghĩa hơn trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đề cương chính là cuốn cẩm nang có tác dụng soi đường, giúp văn hóa Việt Nam vượt qua thời kỳ đen tối, hướng tới một tương lai rạng rỡ. Nhờ Đề cương, văn hóa, văn nghệ được đặt vào đúng quỹ đạo và từ đó đến nay; là ngọn đuốc soi sáng mãi cho những người làm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn mới của cách mạng”, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng nhận định.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: S.THUỲ

Từ điểm cầu Thừa Thiên - Huế, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, dưới ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam và đường lối văn hóa của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những nỗ lực cao nhất và những lợi thế sẵn có của mình, đặc biệt là trong bối cảnh toàn tỉnh đang nỗ lực triển khai Nghị quyết số 54-TW/NQ của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế đã và đang hành động để phát triển nhanh và bền vững theo hướng tiếp nối, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững, giữa truyền thống và hiện đại…; nỗ lực phát huy các giá trị văn hóa Huế, góp phần phục hưng các giá trị,bản sắc văn hóa Việt Nam, chuẩn mực con người Việt Nam..

“Thừa Thiên - Huế là địa phương xác định luôn đề cao văn hóa dân tộc. Trong quá trình hội nhập của đất nước, giống như nhiều địa phương khác, Thừa Thiên - Huế đang đứng trước nhiều vấn đề do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường. Với mong muốn phát huy sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc, Thừa Thiên - Huế đã tập trung nhiều biện pháp đồng bộ, kịp thời để bảo vệ, gìn giữ và phát huy  truyền thống  văn hóa tốt đẹp. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, lan tỏa những đức tính tốt đẹp của con người Huế, văn hóa Huế . Không ngừng làm giàu truyền thống và bản sắc văn hóa của vùng đất cùng bằng nhiều biện pháp kiên quyết ngăn chặn sự xâm nhập lối sống, hành vi lệch chuẩn, phản cảm trái với thuần phong, mỹ tục truyền thống, trào lưu văn hóa độc hại ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tốt đẹp của nhân dân”, ông Phan Ngọc Thọ thông tin.

Các đại biểu tham dự Hội thảo sáng 27.2

Ở điểm cầu TP.HCM, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê nêu rõ, nhờ Đề cương về văn hóa, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, ban hành nhiều quyết sách quan trọng về văn hóa như Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII và đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII năm 1998 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tiếp đó là Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; làm rõ đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; nhấn mạnh trọng tâm của việc xây dựng văn hóa là xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp...

Dẫn chứng cụ thể, thực hiện theo quan điểm chỉ đạo của Đảng về văn hoá và nguyên tắc vận động của bản Đề cương về hoá, TP.HCM đã đạt nhiều kết quả trong giữ gìn và phát huy bản sắc nền văn hóa dân tộc. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có nhiều mô hình mới, cách làm hay được nhân rộng. Các thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư. Hoạt động văn học, nghệ thuật, hoạt động có bước phát triển; định hướng sáng tác tác phẩm mang tính hiện thực, nhân văn, phản ánh các thành tựu phát triển văn hoá của thành phố và đất nước, hướng đến các yếu tố chân - thiện - mỹ…

ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top