Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian các DTTS đến năm 2030

Thứ Hai 27/02/2023 | 14:20 GMT+7

VHO- Bộ VHTTDL vừa có Quyết định số 3875/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030”. 

Ảnh minh họa

Theo đó, Đề án hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn, phát huy các tác phẩm văn học dân gian; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học dân gian trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đưa các tác phẩm văn học dân gian vào các sinh hoạt thường xuyên tại các thiết chế văn hóa nhằm định hướng cho người dân ý thức giữ gìn, bảo tồn văn học dân gian của dân tộc mình. Thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch bảo tồn, phát huy tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. 

Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số phải gắn kết, kết nối chặt chẽ với việc bảo tồn, phát huy các thành tố văn hóa khác như phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, trang phục, dân ca, dân vũ, dân nhạc… đồng thời phải kết hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực khác có liên quan như: giáo dục, an ninh, thông tin và truyền thông. Tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, trọng tâm là công nghệ số để nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy, tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học dân gian tiểu biểu của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các tác phẩm,thể loại có nguy cơ mai một cao. 

Trong quá trình bảo tồn giá trị văn học dân gian cần có sự tiếp thu, phát triển, đồng thời phải đảm bảo gìn giữ được những nội dung cơ bản, cốt lõi mang bản sắc dân tộc trong kho tàng văn học dân gian của các dân tộc thiểu số. Phát huy hiệu quả vai trò của các nghệ nhân và những người trực tiếp nắm giữ, thực hành văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số,đóng vai trò quan trọng trongviệc bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng các dân tộc thiểu số. 

Cụ thể trong giai đoạn 2023 - 2026, Đề án tập trung sưu tầm, nghiên cứu và tổ chức thực hiện công tác kiểm kê hàng năm để lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về văn học dân gian các dân tộc thiểu số. Phấn đấu sưu tầm, số hóa, xuất bản 40% tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số, xây dựng cơ sở dữ liệu số về văn học dân gian các dân tộc thiểu số để lưu trữ, nghiên cứu, tổ chức xuất bản, phát huy, truyền dạy;  40% các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một được áp dụng các biện pháp bảo tồn, tư liệu hóa; 50% tác giả, nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung và văn học dân gian của các dân tộc thiểu số nói riêng được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; 50% các công chức, viên chức văn hóa, nghệ nhân, tác giả dân gian, già làng, trưởng bản, người có uy tín... được tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian các dân tộc thiểu số; 40% trường dân tộc nội trú và các cấp trường tại địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số đưa thể loại văn học dân gian vào hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan cho học sinh. Hình thành được 3-5 CLB, đội văn nghệdân gian/01 xã vùng dân tộc thiểu số để thực hành, biểu diễn và trao truyền các thể loại văn học dân gian; Đồng thời, tiến hành tổ chức từ 1 đến 2 cuộc thi, cuộc phát động sưu tầm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên phạm vi khu vực hoặc toàn quốc; tổ chức 1 đến 2 hội thảo khoa học về công tác sưu tầm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số cấp khu vực và toàn quốc.

Trong giai đoạn 2027 - 2030 tiếp theo, phấn đấu hoàn thành công tác kiểm kê, đánh giá, phân loại và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể các thể loại văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên quy mô cả nước; Phấn đấu sưu tầm, số hóa, xuất bản 80% các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số, xây dựng cơ sở dữ liệu số về văn học dân gian các dân tộc thiểu số để lưu trữ, nghiên cứu, tổ chức xuất bản, phát huy, truyền dạy; 80% các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một được áp dụng các biện pháp bảo tồn, tư liệu hóa; 80% tác giả, nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung và văn học dân gian của các dân tộc thiểu số nói riêng được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; 80% các công chức, viên chức văn hóa, nghệ nhân, tác giả dân gian, già làng, trưởng bản, người có uy tín... được tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian các dân tộc thiểu số; 80% trường dân tộc nội trú và các cấp trường tại địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số đưa thể loại văn học dân gian vào hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức ngày hội, giao lưu cho học sinh; Phấn đấu hình thành được 8-10 CLB, đội văn nghệ dân gian/01 xã vùng dân tộc thiểu số để thực hành, biểu diễn và trao truyền các thể loại văn học dân gian. Tổ chức 1 đến 2 cuộc thi, cuộc phát động sưu tầm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên phạm vi khu vực hoặc toàn quốc; tổ chức 01 đến 02 hội thảo khoa học về công tác sưu tầm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số cấp khu vực và toàn quốc.

Để thực hiện hiệu quả Đề án cần xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách cho các tác giả, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền để bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các hội về văn học nghệ thuật, khoa học và công nghệ, thư viện, bảo tàng tham gia các hoạt động sưu tầm, thống kê, phân loại, dịch thuật, bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian các dân tộc thiểu số, cũng như khuyến khích việc xã hội hóa trong hoạt động này; Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật dân gian hiện có như câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian; hỗ trợ kinh phí để bổ sung (bao gồm số hóa) tài nguyên thông tin của hệ thống thư viện công cộng và đưa ra phục vụ người dân; duy trì các lớp truyền dạy văn học dân gian cho thanh, thiếu niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nghiên cứu, đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số những tác phẩm văn học dân gian phù hợp;

Đặc biệt, cần có chính sách tôn vinh, đãi ngộ, động viên đối với các nghệ nhân dân gian, tác giả, nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có ngữ văn, văn học dân gian; hỗ trợ kinh phí cho những người tự nguyện sưu tầm và lưu giữ truyện, thơ cổ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số; hỗ trợ kinh phí cho các đoàn nghệ thuật, các văn nghệ sĩ sáng tác mới các vở kịch, múa, hát… theo hình thức diễn xướng sân khấu hóa dựa trên nội dung các tác phẩm văn học dân gian các dân tộc thiểu số hiện có. 

Tiếp tục thực hiện kiểm kê về di sản văn hóa phi vật thể, trong đó chú trọng rà soát, nghiên cứu về loại hình di sản văn hóa phi vật thể là các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc;triển khai chương trình tổng kiểm kê văn học dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số tại các địa phương trong cả nước để phân loại, lập danh mục thể loại văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đã và đang bị mai một nhằm định hướng để phục dựng, bảo tồn tại chỗ và tư liệu hóa;

Tổ chức xây dựng chương trình truyền dạy, bồi dưỡng, tập huấn về văn học dân gian của các dân tộc thiểu, xây dựng chương trình truyền dạy kỹ năng, đào tạo cho lực lượng kế thừa, đặc biệt đối với các nghệ nhân, các tác giả, nhà văn, nhà thơ trẻ; Tổ chức biên soạn sách, giáo trình, học liệu giúp ích cho việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa các vùng, miền cũng như tham khảo hoặc giảng dạy về văn học địa phương, nhất là văn học dân gian các dân tộc thiểu số; Thực hiện các chương trình, hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các nghệ nhân, người nắm giữ tri thức dân gian hướng dẫn, trao truyền cho đội ngũ kế cận; tổ chức các trại sáng tác, cuộc thi, hội thảo chủ đề về văn học dân gian các dân tộc; Mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhà nghiên cứu làm công tác kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian các dân tộc thiểu số trong các lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa, liên hoan văn nghệ quần chúng và các không gian diễn xướng, thực hành phù hợp. Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu văn hóa nghệ thuật quần chúng gắn với việc khai thác, chuyển thể các tác phẩm văn học dân gian trở thành các tiết mục văn hóa, văn nghệ được công diễn trong các dịp Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam... tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và trong hoạt động lễ hội truyền thống tại các địa phương.

Đưa các tác phẩm văn học dân gian vào sinh hoạt thường xuyên tại các thiết chế văn hóa;triển khai thực hiện các đề tài, dự án bảo tồn và phát huy các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số; tạo điều kiện hỗ trợ các không gian diễn xướng, thực hành các di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số; Hỗ trợ cộng đồng các dân tộc phát huy vai trò của quy ước, hương ước trong bảo tồn các giá trị văn hóa. Tổ chức hội nghị già làng, trưởng bản, người uy tín các dân tộc để tôn vinh và phát huy vai trò của chủ thể văn hóa. Ưu tiên bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viếtcủa các dân tộc thiểu số có có nguy cơ mai một.

Chú trọng lựa chọn các tác phẩm văn học dân gian tiêu biểu của các dân tộc thiểu số đưa vào hoạt động giảng dạy và giáo dục ngoại khóa tại trường học. Qua đó, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số cho các đối tượng học sinh, sinh viên, thanh niên. Nghiên cứu đưa một số tác phẩm tiêu biểu của các dân tộc thiểu số đã được dịch thuật vào chương trình giáo dục các cấp học phù hợp với điều kiện thực tế, đặc tính dân tộc, vùng, miền, địa phương;

Hỗ trợ các nghệ nhân người dân tộc thiểu số truyền dạy văn học dân gian cho thanh, thiếu niên vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Gắn việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các ngôn ngữ có nguy cơ mai một;

Phát huy có hiệu quả các thiết chế nhà văn hóa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số để thu hút đồng bào đến giao lưu, học hỏi, sáng tạo, cùng tham gia biểu diễn những tác phẩm văn học dân gian, tạo không khí sinh hoạt vui tươi, lành mạnh gắn với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, học tập, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Xây dựng nội dung bài giảng giáo dục về nguồn gốc, giá trị và vai trò của một số thể loại văn học dân gian các dân tộc thiểu số trong trường học và tích hợp các hoạt động thực hành/thực tập trình diễn vào sinh hoạt tại câu lạc bộ trong các nhà trường với các hình thức phong phú, sáng tạo, phù hợp.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực tham gia công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức trưng bày, giới thiệu các hiện vật, tài liệu, sách, ấn phẩm….liên quan đến văn học dân gian các dân tộc thiểu số, trưng bày chuyên đề về di sản văn hóa các dân tộc tại hệ thống bảo tàng, thư viện các cấp hoặc thông qua hoạt động phục vụ lưu động của các thiết chế văn hóa; Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về các giá trị di sản văn hóa các dân tộc nói chung và đối với các tác phẩm văn học dân gian nói riêng dưới nhiều hình thức; phát huy vai trò của báo chí, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là môi trường mạng Internet;

Ưu tiên đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu giá trị của các tác phẩm văn học dân gian. Đồng thời, tuyên truyền giới thiệu văn học dân gian thông qua các hội thi, hội diễn, lễ hội quy mô vùng, miền và toàn quốc.

Ứng dụng khoa học, công nghệ, trọng tâm là công nghệ số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số. Phổ biến, lưu trữ các tác phẩm văn học dân gian thông qua công nghệ số; tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị của văn học dân gian thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch cộng đồng.

Tiếp tục ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số; số hóa, lưu trữ sách cổ của các dân tộc thiểu số phục vụ bạn đọc tại thư viện các cấp. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các thể loại văn học dân gian các dân tộc thiểu số nhằm phát huy hiệu quả công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa của quốc gia nói chung và của các địa phương nói riêng, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin số hóa thành nội dung hoạt động thường xuyên có tính chuyên nghiệp cao, nhằm bảo quản các hồ sơ, tư liệu về văn học dân gian nói chung và văn học dân gian các dân tộc thiểu số nói riêng. Khai thác, phát huy hiệu quả tài nguyên số về văn học dân gian các dân tộc thiểu số trên các nền tảng công nghệ thông tin và mạng xã hội.

Định kỳ tổ chức tôn vinh, khen thưởng (vào dịp sơ kết và tổng kết Đề án) đối với tác giả có tác phẩm về đề tài dân tộc thiểu số đạt giá trị nghệ thuật, nhân văn cao. Tôn vinh các nghệ nhân có công sưu tầm, truyền dạy, phổ biến văn hóa, nghệ thuật truyền thống; động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao, có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số.

Tăng cường, nâng cao hiệu quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các bộ, ban, ngành, địa phương, các đoàn thể, các tổ chức, cá nhân đối với công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa kết hợp chặt chẽ với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong hoạt động triển khai thực hiện các chính sách dân tộc nói chung và bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số nói riêng được đồng bộ và hiệu quả.

Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách, chế độ đặc thù đối với những nghệ nhân lớn tuổi, những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa truyền thống ở cơ sở; đặc biệt là chính sách đặc thù cho các nghệ nhân trao truyền các tác phẩm văn học dân gian trong cộng đồngcác dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, phát huy giá trị tác phẩm văn học dân gian các dân tộc thiểu số; tạo điều kiện, tạo môi trường văn hóa, không gian văn hóa phù hợp để đồng bào các dân tộc thường xuyên được giao lưu, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình trong các ngày hội, giao lưu, liên hoan trong từng cộng đồng hoặc giữa các cộng đồng dân tộc với nhau.

Thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và của nhân dân về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng phù hợp với đối tượng, địa bàn, loại hình của văn học dân gian các dân tộc thiểu số.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác văn hóa; đặc biệt là cán bộ ở cơ sở, thôn, bản, phục vụ công tác quản lý, phát huy di sản tại cộng đồng, địa phương. Củng cố và phát triển các chi hội văn nghệ dân gian, chi hội văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số tại địa phương, các ban quản lý khu du lịch, các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian ở địa phương... nhằm tập hợp lực lượng, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến văn học dân gian các dân tộc. Hỗ trợ các nghệ nhân người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận.

Bố trí nguồn ngân sách trung ương, địa phương nhằm bảo đảm các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian các dân tộc thiểu số, ưu tiên với các dân tộc thiểu số rất ít người, có nguy cơ mai một; lồng ghép kinh phí với các chương trình, đề án, dự án của trung ương, địa phương thực hiện tại vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Đặc biệt cần đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nguồn lực để bảo tồn và quảng bá, giới thiệu các giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số.

QUỲNH VY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top