Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Chấn hưng văn hóa với tư duy đổi mới, hành động đổi mới, dựa trên thực tiễn đổi mới

Thứ Tư 01/03/2023 | 09:56 GMT+7

VHO- Trong Phiên thảo luận bàn tròn của Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” diễn ra sáng 27.2, các diễn giả, đại biểu đã một lần nữa khẳng định những giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa trong chiều dài lịch sử dân tộc, trong quá trình phát triển đất nước và hình thành nhân cách con người Việt Nam. Đồng thời, thảo luận sâu về sức mạnh mềm văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa và những thể chế để khơi thông nguồn lực văn hóa.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông: Có ba vấn đề phải quan tâm nhiều hơn để phát triển văn hóa…

 Giá trị thực tiễn lớn lao của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam

Chia sẻ những câu chuyện, những kỷ niệm về ông nội mình, TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cháu nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh cho biết, trong suốt cuộc đời của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, văn hóa và truyền thống luôn thấm đẫm trong ông, gia đình cũng luôn đậm chất văn hóa. Điều đó thể hiện rất rõ trong con người đời thường, con người cách mạng và nhân cách sống của cố Tổng Bí thư.

“Những tính cách rất đặc trưng của cố Tổng Bí thư Trường Chinh - ông nội tôi là sự nghiêm cẩn, là sự thận trọng, là nguyên tắc trong công việc. Những tính cách này trở nên nổi tiếng và đã trở thành giai thoại, trở thành bí danh của cố Tổng Bí thư thời kỳ ông còn công tác. Trong cuộc sống gia đình, sự nghiêm cẩn, sự nguyên tắc cũng rất rõ. Cả 3 người con trai của Tổng Bí thư đều trải qua quân ngũ. Gia đình nhiều người làm công tác nghiên cứu khoa học. Cho dù hoạt động trong lĩnh vực Triết học, Văn học hay Vật lý học thì niềm say mê, sự cống hiến đều xuất phát từ truyền thống gia đình”.

Chất văn hóa thấm đẫm trong gia đình ông qua việc mỗi người trong nhà có tủ sách riêng, ông nội đọc thơ tình cho bà nội khi cả 2 đã về già hay những câu chuyện thời cuộc được nói trong mỗi bữa ăn gia đình... là yếu tố rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách, lối sống, phát triển sự nghiệp của các thành viên trong gia đình. “Chính môi trường gia đình, chính sự yêu thương và cũng chính từ những sự nghiêm túc, nghiêm cẩn, nguyên tắc sống của ông nội tôi đã ảnh hưởng rất nhiều đến con cháu sau này, ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp của họ, trong đó có tôi”, TS Đặng Xuân Thanh chia sẻ.

 TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cháu nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh phát biểu

Tại Phiên thảo luận bàn tròn, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết đã đứng rất lâu trước tấm chân dung vua Duy Tân trong nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh. “Có thể thấy, năm 1943, cố Tổng Bí thư Trường Chinh còn rất trẻ, là người khởi xướng Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943. Đề cương được coi là cương lĩnh đầu tiên về văn hóa. Năm 1986, cố Tổng Bí thư Trường Chinh tuổi đã cao vẫn khởi xướng cho công cuộc đổi mới của Việt Nam. Trong suốt chiều dài phát triển, Tổng Bí thư Trường Chinh cũng khởi xướng, đi đầu cho các cuộc duy tân của đất nước. Khi nhìn vào câu chuyện này có thể thấy, nguồn mạch yêu nước là nguồn mạch rất sâu trong mỗi con người Việt Nam. Tư tưởng đổi mới cũng có trong mỗi con người chúng ta. Vì thế chúng ta mới có những khát vọng xây dựng nền văn hóa mới, nền văn hóa tân dân chủ. Suốt trong hành trình đó, Tổng Bí thư Trường Chinh luôn có tư duy đổi mới, hành động đổi mới, dựa trên thực tiễn đổi mới”, bà Nguyễn Thị Thu Phương nói.

Những tư tưởng đó của cố Tổng Bí thư Trường Chinh và giá trị khởi nguồn, tạo động lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.

Con người và phát triển văn hóa là hai mục tiêu gắn kết, không tách rời nhau

Trong công cuộc chấn hưng văn hóa đất nước, các văn nghệ sĩ, quần tụ dưới lá cờ cách mạng của Đảng và sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng vai trò rất quan trọng, góp phần hình thành khối đại đoàn kết. Trong đó có các NSND Trung Kiên, NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền, NSND Thanh Hoa... Trả lời câu hỏi của TS Bùi Nguyên Bảo - người điều phối chương trình thảo luận bàn tròn về việc các thế hệ văn nghệ sĩ, đặc biệt là văn nghệ sĩ trong lực lượng công an nhân dân sẽ phát huy thế nào giá trị khởi nguồn và tạo động lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong những năm qua và thời gian tới, NS Nguyễn Thị Thúy Hiền, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an cho biết: Hiện nay, nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển văn hóa, văn nghệ trong lực lượng công an nhân dân, Đảng ủy công an trung ương đã chỉ đạo nâng cao chất lượng về văn hóa văn nghệ.

Cùng với đó, Đảng ủy công an trung ương chỉ đạo các đơn vị, công an các địa phương thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hiền cũng cho biết: “Nhận thức sâu sắc về vị trí vai trò của văn hóa trong phát triển đất nước và nâng cao nhận thức, lối sống con người Việt Nam, thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền chỉ đạo của Đảng đối với việc phát triển văn hóa, văn nghệ, gắn bó mật thiết với việc xây dựng lực lượng công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ. Đồng thời, tiếp tục quán triệt giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam; thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần được quán triệt trong toàn lực lượng Công an nhân dân”.

Thấm nhuần tinh thần dân tộc, phụng sự Tổ quốc là trên hết và những giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trên mặt trận văn hóa, các nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên chiến trường của chúng ta đã không ngại gian khổ, lăn xả vào cuộc chiến đấu để mang về những hình ảnh chân thực nhất, xúc động nhất, có giá trị lịch sử vô giá. Bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho biết: “Những nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên chiến trường đó thực sự là những nghệ sĩ, chiến sĩ trên các mặt trận của mình. Sắp tới, ngày 2.3, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cũng tổ chức hội thảo với chủ đề: “Đề cương về văn hóa Việt Nam đối với sự phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam” nói về các đóng góp của các phóng viên ảnh, nhà nhiếp ảnh trong chiến tranh cho sự nghiệp phát triển văn hóa và bảo vệ Tổ quốc”.

Khơi thông các nguồn lực để phát triển văn hóa Việt Nam

Đặt câu hỏi với PGS.TS, Thứ trưởng Tạ Quang Đông về việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa tinh thần “xây và chống” trong Đề cương về văn hóa Việt Nam, TS Bùi Nguyên Bảo nói: “Từ góc độ quản lý nhà nước về văn hóa và trực tiếp tham gia tổ chức các hoạt động, sự kiện kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương, Thứ trưởng có thể cho biết chúng ta phát huy thế nào tinh thần tiên quyết giữa “xây và chống” nhưng cũng linh hoạt để tạo nên sự sáng tạo cho văn học nghệ thuật?”.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: “Trong bối cảnh lịch sử lúc đó, nước ta chưa giành độc lập, khi bản Đề cương ra đời đã chỉ ra được chiến lược, cương lĩnh về văn hóa, khẳng định tính dân tộc, khoa học và đại chúng. Có thể thấy, Đề cương đã thể hiện rất rõ tinh thần “xây và chống”. Tinh thần này cũng là quan điểm của Đảng xuyên suốt trong nhiều thời kỳ, luôn luôn gắn chặt với nhau. Với đường lối của Đảng, sự phối hợp của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL nêu cao tinh thần đó bằng nhiều hành động khác nhau. Chúng ta đã chuẩn bị những gì tốt đẹp nhất của văn hóa Việt Nam xây dựng con người Việt Nam toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, có ba vấn đề phải quan tâm nhiều hơn để phát triển văn hóa, đó là nâng cao ý thức, nhận thức và hành động của toàn xã hội về xây dựng nền văn hóa mới trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó tiếp tục kiên quyết, đấu tranh với những biểu hiện sai trái. Tạo điều kiện về thể chế khơi thông nguồn lực con người và vật chất, từ nguồn đầu tư của nhà nước và xã hội hóa cho văn hóa. Hoàn thiện môi trường về pháp lý, hệ thống lý luận về quản lý văn hóa. Tiếp tục gắn bó chặt chẽ với các địa phương cũng như các bộ, ban, ngành để thực hiện tốt Nghị quyết, quan điểm của Đảng và kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Cũng với câu chuyện thể chế để phát triển văn hóa và sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định: Cần phải khơi thông các nguồn lực để chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa phong phú của Việt Nam, khơi thông được sức sống của con người Việt Nam. Khi khơi thông được nguồn lực, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ sẽ trả lời được câu chuyện tại sao Việt Nam được các nhà phân tích quốc tế đánh giá là một quốc gia có sức mạnh mềm văn hóa vô cùng phong phú nhưng cho đến nay chúng ta chưa lọt vào danh sách 30 quốc gia là các cường quốc về văn hóa.

“Điều này cũng đã khiến cho chúng tôi theo đuổi câu chuyện về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam hàng chục năm nay. Theo chúng tôi, làm gì thì cũng phải có điểm tựa. Điểm tựa ở đây là Đề cương về văn hóa Việt Nam. Chúng ta có thể soi chiếu hai nội hàm. Nội hàm về sức mạnh mềm văn hóa và nội hàm tân dân chủ. Sức mạnh mềm văn hóa xác định phải làm thế nào để gia tăng được sức hấp dẫn, sức lôi cuốn và sự thuyết phục của một nền văn hóa trong quan hệ quốc tế. Có nghĩa là phải tạo được sức hút, sức lôi cuốn, sức thuyết phục trong chính dân tộc của chúng ta và sẽ lan tỏa được điều đó thông qua các mối quan hệ quốc tế. Việc này phụ thuộc vào nhiều vấn đề và tạo ra mối liên kết của các bên như: Ngoại giao văn hóa, truyền thông”, bà Phương lý giải.

Để làm được điều này, liên quan đến rất nhiều vấn đề và rõ ràng câu chuyện này không còn là câu chuyện của ngành Văn hóa của Bộ VHTTDL mà là câu chuyện của toàn bộ hệ thống chính trị xã hội của chúng ta. Nếu như chúng ta đặt mình vào 80 năm về trước, khi mà Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, với mục tiêu xây dựng một nền văn hóa tân dân chủ có tính dân tộc, khoa học và đại chúng, chúng ta mới thấy tầm nhìn của Đề cương đó về sức mạnh mềm văn hóa.

“Những vấn đề được đặt ra ở Đại hội XIII về văn hóa cũng cho thấy sự tương đồng với Đề cương về văn hóa Việt Nam. Vậy thì tại sao chúng ta không dựa vào đề cương này và huy động sự vào cuộc của toàn xã hội trong phát triển văn hóa. Chúng tôi rất mong muốn tạo ra được mô hình ba nhà: Nhà nước, nhà đầu tư và nhà sáng tạo để tạo ra một sự chuyển động. Chúng ta sẽ chỉ làm được điều này khi coi văn hóa là một ngành được đầu tư như một “mặt trận” và “mặt trận” này cần phải được đầu tư như chúng ta đã đầu tư cho y tế, giáo dục, giao thông”, bà Phương nêu.

 PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu

Bên cạnh đó, cần phải khẳng định văn hóa có tính đặc thù. Không phải lúc nào cũng đưa tính thị trường của văn hóa lên trên nhưng văn hóa cũng có tính thị trường nên chúng ta phải phân tích và áp dụng một cách uyển chuyển, linh hoạt với thực tế. Có những lĩnh vực Văn hóa mang tính đặc thù như các ngành nghệ thuật: Cải lương, tuồng, chèo... phải có một cơ chế đặc thù để phát triển chứ không thể tự chủ hoàn toàn được. Mặt khác, nếu chúng ta tư duy văn hóa như một ngành Công nghiệp Văn hóa, nó có thể trở thành mũi nhọn, mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt được 7% GDP.

Hiện nay, thống kê gần nhất đến năm 2018 ngành Công nghiệp Văn hóa đạt 3,61% GDP, đóng góp cho công ăn việc làm là 6%. “Điều này cho thấy chúng ta chưa phát hiện phát huy được tiềm năng và lợi thế điểm nghẽn để văn hóa có thể phát triển. Cụ thể là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP chưa đặt văn hóa như một ngành ưu tiên, hợp tác công - tư còn nhiều điểm nghẽn. Ngành Văn hóa rất mong muốn khơi thông, giải quyết câu chuyện này triệt để hơn nữa. Chúng ta có một nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng dồi dào, việc quan trọng là làm sao nguồn tài nguyên đó được lan tỏa một cách sâu rộng nhất và công tác chuyển đổi số di sản được thực hiện nhanh nhất, tạo cơ chế mạnh mẽ cho văn hóa phát triển”, bà Phương chia sẻ.

Ông Nguyễn Việt Nam, đại diện doanh nghiệp sáng tạo TiredCity ở góc nhìn của một người trẻ cho biết: “Cần một cái nhìn xuyên suốt trong phát triển văn hóa. Ở đó, có sự kết hợp tài nguyên vô hạn và sự sáng tạo nhiệt huyết của người trẻ. Xây dựng cầu nối văn hóa gắn với giới trẻ để người trẻ không vùi đầu vào tháp ngà. Các bạn trẻ xứng đáng với nhiều hơn nữa những thử thách để cùng trân trọng giá trị Việt, khơi gợi trí tưởng tượng, sáng tạo. Từ đó, tiếp tục khơi gợi, lan truyền sức mạnh của trí tưởng tượng và sự trân trọng những giá trị Việt Nam”.

Cần có nhận thức đúng, đầy đủ, phù hợp về bản chất của phát triển văn hóa trong điều kiện mới

PGS.TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu: Trong Đề cương về văn hóa 1943 đã đưa ra một luận điểm rất quan trọng: “Nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội”. Đó cũng chính là cơ sở để xây dựng thể chế phát triển văn hóa. Nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa cũng dựa trên luận điểm này.

PGS.TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu

Ngày nay trên thế giới, cả về lý luận và thực tiễn đều có sự thống nhất cao là thể chế đóng góp vai trò quyết định đối với sự phát triển của một quốc gia nói chung và trong từng lĩnh vực. Thể chế phù hợp sẽ tạo động lực phát triển, thể chế không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển, thậm chí làm biến dạng sự phát triển. Vấn đề đặt ra là phải nhận thức đúng và xây dựng được một thể chế phù hợp, hiệu quả.

Ông Trần Quốc Toản đánh giá: “Hiện nay, có những nhận thức khác nhau về bản chất và cấu trúc của thể chế phát triển nhưng có sự thống nhất khá cao rằng: Thể chế phát triển là một cấu trúc đồng bộ bởi ba thành tố chính. Các chủ thể tham gia gọi là “người chơi”, khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách để các chủ thể hoạt động gọi là “luật chơi”, nội dung và môi trường, lĩnh vực mà các chủ thể hoạt động gọi là “sân chơi”. Điều này đòi hỏi sự đồng bộ giữa ba thành tố trên bình diện chung và phải cụ thể trong từng lĩnh vực”.

Ở nước ta, về mặt chính thức, trước Đại hội XIII của Đảng mới chỉ đề cập đến thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến Đại hội XIII, lần đầu tiên đề cập đến xây dựng thể chế phát triển tổng hợp đồng bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường sinh thái đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh bền vững. Đồng thời đặt ra yêu cầu phải xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển trong từng lĩnh vực cụ thể, trong đó có văn hóa, phù hợp với điều kiện của đất nước; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Thể chế phát triển văn hóa có những đặc trưng chung của thể chế phát triển nhưng có những đặc trưng riêng thể hiện bản chất, tính chất, hình thức phát triển văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong đó, cốt lõi là sự chi phối của các giá trị văn hóa không hoàn toàn giống như các giá trị kinh tế mà nó còn mang giá trị con người, chính trị, văn hóa, xã hội, đạo đức...

Mặc dù trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế phải phát triển thị trường văn hóa, dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa... nhưng không phải tất cả các lĩnh vực, các sản phẩm văn hóa đều là hàng hóa, đều bị chi phối đầy đủ các quy luật của thị trường. Có không ít những lĩnh vực văn hóa không thể phó mặc cho cơ chế thị trường, lại có những lĩnh vực cần vận dụng cơ chế thị trường phù hợp, hiệu quả.

Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần có nhận thức đúng, đầy đủ, phù hợp về bản chất của phát triển văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Từ đó, nhận thức đúng về xây dựng thể chế, phát triển văn hóa trên bình diện chung cũng như trong từng lĩnh vực văn hóa. Điều quan trọng là thể chế phát triển văn hóa phải gắn liền với sự phát triển của tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để văn hóa trở thành nhân tố bên trong, nội dung bản chất và sức mạnh nội sinh của mỗi chủ thể trong mỗi lĩnh vực phát triển của đất nước, nhất là trong điều kiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Ông Trần Quốc Toản nhấn mạnh việc phải nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn để xây dựng đồng bộ ba thành tố của thể chế gồm văn hóa với “người chơi”, “luật chơi” và “sân chơi” trên bình diện chung cũng như đối với từng lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt, trong đó phải chế định rõ vai trò trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ, lợi ích, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình của tất cả các chủ thể liên quan, nhất là chủ thể nhà nước và các chủ thể hoạt động văn hóa và nhân dân trên cơ sở đó xây dựng các cơ chế chính sách phát triển văn hóa phù hợp hiệu quả. 

Nhóm PHÓNG VIÊN VĂN HÓA; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top