Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đàm phán thành công để OCA, FINA hỗ trợ cho thể thao Việt Nam:Tận dụng ngoại lực để nâng cao thành tích

Thứ Tư 01/03/2023 | 10:39 GMT+7

VHO- Hôm qua niềm vui của các HLV, VĐV, nhất là đội tuyển Bơi quốc gia như được nhân lên khi biết tin Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng đàm phán thành công để Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và Liên đoàn Bơi thế giới (FINA) hỗ trợ cho Việt Nam. 

 Buổi đàm phán của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng với Tổng Giám đốc OCA đồng thời cũng là Chủ tịch FINA, Husain AHZ Almusallam đã đạt được nhiều kết quả Ảnh: TRẦN HUẤN 

 Đây là những kết quả quan trọng đạt được sau buổi đàm phán kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ giữa Bộ trưởng và phái đoàn cấp cao của OCA và FINA.
Góp phần giải bài toán thiếu thầy giỏi
Diễn ra trong không khí thẳng thắn, cởi mở, buổi tiếp và làm việc của Bộ trưởng - Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng với phái đoàn cấp cao của OCA, do Tổng Giám đốc OCA đồng thời cũng là Chủ tịch FINA - Husain AHZ Almusallam dẫn đầu, đã đề cập thẳng vào những vấn đề được xem là điểm nghẽn của thể thao Việt Nam hiện nay. 
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng cho biết ông rất cảm kích, phấn khởi trước mục đích chuyến thăm của phái đoàn nhằm “nắm lại” sự phát triển của phong trào Olympic Việt Nam để có những định hướng cụ thể giúp thể thao Việt Nam có thể đóng góp vào phong trào Olympic chung của châu Á. Vì thế Bộ trưởng mong muốn bằng kinh nghiệm và khả năng của mình, OCA và FINA có thể giúp thể thao Việt Nam tháo gỡ điểm nghẽn, cải thiện thành tích, đóng góp vào sự phát triển chung của thể thao châu lục và thế giới.
Đi thẳng vào những “điểm nghẽn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị để chuyến thăm không chỉ mang ý nghĩa lễ tân, ngoại giao, hai bên nên bàn thực chất, chúng ta phải làm gì để thể thao Việt Nam phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của phong trào Olympic thế giới cũng như châu Á. Tuy nhiên theo Bộ trưởng, đây là vấn đề lớn, không thể giải quyết ngay trong ngày một, ngày hai mà phải có bước đi và những lộ trình cụ thể. Từ đó Bộ trưởng phân tích và đưa ra những đề xuất cụ thể, nhất là với việc phát triển môn Bơi - môn mà Tổng giám đốc OCA đang đảm đương cương vị Chủ tịch Liên đoàn Bơi thế giới. 
Bộ trưởng phân tích, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển môn Bơi, từ bờ biển dài hơn 3.000 km, có nhiều sông, suối, ao, hồ, dù cơ sở vật chất dành cho việc tập luyện môn Bơi còn nhiều khó khăn nhưng người Việt Nam luôn sáng tạo, nhiều nơi ngăn suối để phổ cập bơi, nhất là cho trẻ em. Về phát triển thành tích cao của môn Bơi, Việt Nam cũng đã thuê HLV, nhưng có những thời điểm chưa thuê được HLV giỏi. Bộ trưởng cũng đưa ra những phân tích sâu để trả lời cho câu hỏi tại sao Việt Nam có lợi thế để phát triển môn Bơi nhưng lại chưa có thành tích cao tại các đấu trường châu lục và thế giới, là do 2 nguyên nhân cơ bản: Thiếu HLV giỏi và thiếu cơ sở vật chất về thể thao đạt tiêu chuẩn quốc tế để tổ chức và huấn luyện. 
Để khắc phục các “điểm nghẽn” này, Chính phủ đã giao cho Bộ VHTTDL phối hợp với các địa phương, đơn vị khơi thông nguồn lực, trong đó có những nguồn lực từ sự đầu tư của nhà nước và có những nguồn lực do tư nhân đầu tư. Đưa ra các dẫn chứng thuyết phục về mô hình sáng tạo từ nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng… Bộ trưởng mong muốn FINA sẽ hỗ trợ Việt Nam để phát triển các mô hình điểm, từ đó nhân rộng ra các địa phương khác nhằm phát triển môn Bơi. Như tại Hà Nội, hiện đã có cơ sở vật chất là Cung thể thao dưới nước, nếu được FINA hỗ trợ các trang thiết bị thì sẽ trở thành một Trung tâm đào tạo VĐV Bơi đạt chuẩn ở khu vực. Để khắc phục tình trạng thiếu HLV giỏi, Bộ trưởng đề nghị với vai trò là Chủ tịch FINA, ngài Husain AHZ Almusallam sẽ hỗ trợ Việt Nam các HLV giỏi cho công tác huấn luyện. “Người Việt Nam thường nói, muốn có trò giỏi, phải có thầy giỏi. Tôi mong muốn FINA hỗ trợ thể thao Việt Nam về việc này”. Những phân tích thuyết phục và đề nghị của Bộ trưởng đã được Chủ tịch FINA đáp lại: “Chắc chắn rồi, tôi đồng ý với ngài”. 

 Những VĐV bơi trọng điểm sẽ được FINA hỗ trợ toàn bộ kinh phí tập huấn tại các nước phát triển

Cơ hội quý để các VĐV Việt Nam được tập huấn tại môi trường đỉnh cao 
Sau khi đạt được thỏa thuận quan trọng này, Bộ trưởng tiếp tục đề nghị FINA hỗ trợ cho các VĐV giỏi của Việt Nam tập huấn quốc tế. Sau khi thương thảo, đại diện FINA đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng. Theo đó, 4 VĐV xuất sắc của Bơi Việt Nam sẽ được tuyển chọn và được FINA hỗ trợ toàn bộ kinh phí tập huấn tại các nước phát triển. Ngay sau khi đạt được các thỏa thuận quan trọng với FINA, Bộ trưởng giao Tổng cục TDTT nhanh chóng lên danh sách 4 VĐV xuất sắc bởi “chậm ngày nào sẽ thiệt thòi cho các VĐV ngày ấy”. Bộ trưởng cũng giao Tổng cục TDTT chuẩn bị sẵn các lớp tập huấn để khi chuyên gia của FINA sang giảng dạy, các HLV của Việt Nam có thể tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất. 
Theo đánh giá của giới chuyên môn, các thỏa thuận đạt được sau buổi đàm phán của Bộ trưởng có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện, nâng cao thành tích của môn Bơi. Việc được FINA hỗ trợ đưa các HLV giỏi sang đào tạo cho các HLV Việt Nam sẽ giúp chúng ta khắc phục được tình trạng thiếu thầy giỏi. Từ chỗ có được các thầy giỏi, chúng ta sẽ đào tạo thêm được nhiều VĐV giỏi, có thể vươn tới các đấu trường xa hơn tại châu lục và thế giới. Với thỏa thuận đạt được về việc FINA tài trợ cho 4 VĐV tập huấn tại các nước phát triển, các chuyên gia đánh giá điều này sẽ mở ra cơ hội cải thiện thành tích cho thể thao Việt Nam khi các VĐV được tập huấn trong một môi trường đỉnh cao. Việc được FINA tài trợ kinh phí tập huấn cũng sẽ giúp cho thể thao Việt Nam đỡ được một phần nỗi lo về kinh phí khi nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp.
Để đạt được những thỏa thuận quan trọng, tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã phân tích để các vị khách đến từ các tổ chức thể thao hàng đầu thế giới và châu Á thấy được những thành tựu cũng như những thách thức của thể thao Việt Nam trong mong muốn đóng góp cho sự phát triển chung của thể thao châu lục và thế giới. Theo Bộ trưởng, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nhưng Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến lĩnh vực VHTTDL. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển thể thao trong từng giai đoạn và có tổng kết sau từng thời kỳ. Sắp tới Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục ban hành Chiến lược để thể thao Việt Nam có định hướng đúng đắn nhằm phát triển bền vững.
“Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng con người với tư cách con người là chủ thể, là nhân tố quan trọng để phát triển đất nước. Nhờ những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước mà các chỉ số phát triển về con người (HDI) của Việt Nam luôn đứng trong tốp đầu, dù Việt Nam là một nước đang phát triển. Trong các chỉ số phát triển về con người, chỉ số về mặt sức khoẻ, thể chất luôn được quan tâm, cải thiện. Điều đó được minh chứng cụ thể bằng việc thể thao Việt Nam luôn phát triển theo 2 hướng. Trong đó hướng thứ nhất là gây dựng, phát triển phong trào thể thao cho mọi người, phục vụ mục tiêu nâng cao sức khoẻ, thể lực. Và hướng thứ hai là phát triển thể thao thành tích cao từ thể thao phong trào để vươn tới đấu trường quốc tế. Theo thống kê chưa đầy đủ, tỉ lệ người Việt Nam thường xuyên tập luyện TDTT là trên 60%. Nếu ngài có thời gian sáng mai, mời ngài đi dạo khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, ngài sẽ thấy nhiều thanh niên chạy bộ, cụ già tập dưỡng sinh, phụ nữ tập Yoga… Điều đó cho thấy bức tranh của thể thao Việt Nam rất tươi sáng và thể thao luôn được người dân Việt Nam yêu thích”, Bộ trưởng nói và khẳng định, những kết quả ấy có được cũng một phần là do sự hỗ trợ từ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và OCA. Đây được xem như nguồn ngoại lực giúp thể thao Việt Nam phát triển. Cũng trong buổi làm việc này, OCA đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của Bộ trưởng về việc tổ chức Liên hoan võ thuật quốc tế tại Bình Định vào năm sau. 
Có thể nói dù chỉ diễn ra trong hơn 1 tiếng đồng hồ nhưng buổi tiếp và làm việc của Bộ trưởng - Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng với phái đoàn cấp cao của OCA trong đó Tổng Giám đốc OCA hiện giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Bơi thế giới (FINA) đã “đơm hoa, kết trái” bằng những kết quả ngọt ngào. Những thỏa thuận này cũng mở ra cơ hội mới để từ đó chúng ta tận dụng được nguồn lực từ các tổ chức quốc tế cho sự phát triển nói chung của thể thao Việt Nam nhằm đóng góp vào sự phát triển chung của phong trào Olympic châu Á cũng như sự phát triển của thể thao thế giới. 

 THU SÂM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top