Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nhiều bài toán cần giải của ngành In

Thứ Sáu 03/03/2023 | 10:55 GMT+7

VHO- Nguồn cung nguyên liệu hiếm, nguồn cung vật tư tăng giá cùng những hạn chế nhất định đã làm cho ngành công nghiệp in chưa thể phục hồi như thời điểm trước dịch Covid-19. Đáng chú ý, nguồn nhân lực ngành in vẫn đang thiếu và chưa được đào tạo chuyên sâu là những khó khăn kéo dài nhiều năm nay của ngành công nghiệp này.

 Lao động ngành in luôn trong tình trạng thiếu hụt

 Theo đánh giá, nhu cầu nguồn nhân lực đào tạo của ngành in vào khoảng 2.200-2.500 người/ năm, tuy nhiên, tổng quy mô đào tạo hiện khoảng 1.200 học viên, chỉ đạt khoảng 50% nhu cầu.

Quy mô nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT), năm 2022, doanh thu toàn ngành đạt trên 93.000 tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2021 nhưng giảm 4% so với năm 2019); lợi nhuận (sau thuế) đạt trên 4.000 tỷ đồng (tăng 6% so với năm 2021, giảm 10% so với năm 2019); Nộp ngân sách đạt 3.240 tỷ đồng (tăng 8% so với năm 2021, giảm 7% so với năm 2019).

Có thể nói, ngành công nghiệp in là một ngành có tốc độ tăng trưởng khá, đi đầu trong ứng dụng công nghệ, có ảnh hưởng đến các ngành khác. Tuy nhiên, ngành công nghiệp in cũng còn tồn tại những hạn chế nhất định làm cho ngành in đứng trước những khó khăn. Đến hết tháng 2 năm nay, cả nước có trên 2.400 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động, số lượng cơ sở in năm 2022 tăng 3,2% so với năm 2021, tăng 15,87% so với trước năm 2019. Tuy số lượng doanh nghiệp in tăng nhanh trong những năm qua, nhưng lại tập trung vào công nghệ có giá trị đầu tư thấp khiến công suất ở một số khu vực dư thừa, đặc biệt là khu vực in xuất bản phẩm, báo chí, tạp chí. Đại bộ phận là các doanh nghiệp in có quy mô nhỏ ngoại trừ một số ít các doanh nghiệp FDI có quy mô vừa và lớn. Các cơ sở in nằm phân tán, xen lẫn các khu dân cư đông người, đặc biệt là tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Long An, Hải Phòng, Bắc Ninh.

So sánh trong khu vực cho thấy, quy mô ngành công nghiệp in Việt Nam tuy có bước phát triển nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện chỉ có khoảng 2.400 doanh nghiệp với tổng doanh thu vào khoảng 4 tỉ USD, đứng thứ 4 sau Indonesia, Malaysia, Thái Lan. So sánh với Thái Lan, con số doanh nghiệp in khoảng 5.000 và tổng giá trị sản phẩm in là 10 tỉ USD.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp này còn hạn chế trong quản trị doanh nghiệp in như: Quản lý các công đoạn sản xuất, kiểm soát máy móc thiết bị, quản lý và kiểm soát kỳ hạn và giá trị đơn hàng, quản lý thông tin khách hàng, thông tin nhân sự, quản lý vật tư, nguyên vật liệu, đặc biệt không có phần mềm quản lý in ấn là nguyên nhân khó khăn trong quản lý doanh thu.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp chưa đầu tư, quan tâm đến xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế để tham gia chuỗi sản xuất hàng hóa cung ứng toàn cầu, thiếu công nghệ quản lý, công nghiệp 4.0 chưa tập trung vào việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm thông qua ứng dụng số hóa. Các doanh nghiệp nhỏ hạn chế nguồn lực, không có năng lực tái đầu tư, công nghệ còn lạc hậu, không đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu; không bảo đảm yêu cầu về môi trường. Ngoài ra, thiết bị in cũ nhập khẩu chiếm tỷ lệ nhiều hơn, cho thấy doanh nghiệp chưa đủ tiềm lực để cập nhật công nghệ mới. Việc chuyển đổi công nghệ trước, trong và sau in tuy đã có những thay đổi nhất định nhưng chưa đồng đều. Phần lớn doanh nghiệp in Việt Nam chậm đổi mới dây chuyền công nghệ dẫn đến sản phẩm in còn đơn điệu, giá trị mang lại thấp.

Nỗi lo thiếu hụt lao động

Các địa phương cho hay, nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp in hiện nay đang là vấn đề nan giải đối với nhiều cơ sở, nó không chỉ là vấn đề ảnh hưởng xấu tới sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn mà còn có thể dẫn tới nguy cơ tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Vấn đề thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề, hoặc đã qua đào tạo trong ngành in không phải là mới mà đã có rất nhiều ý kiến trên các diễn đàn Hội nghị ngành in, trong Hiệp hội in Việt Nam và các Hội in địa phương trên toàn quốc nhưng vẫn chưa có giải pháp thiết thực.

“Trong 2 năm trở lại đây, vấn đề lao động trực tiếp đứng máy của các doanh nghiệp in đặc biệt báo động. Sự biến đổi nhân lực xảy ra ở hầu hết các cơ sở in gồm doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. Sự diễn biến lao động này theo một chiều ra nhiều hơn vào làm cho các doanh nghiệp thiếu hụt nguồn lao động, nhất là trong những thời điểm mang tính mùa vụ của các doanh nghiệp in. Điều này làm cho ngành in đã rất khó khăn trong lúc đang suy giảm kinh tế công việc ít, giá vật tư, dịch vụ tăng cao, nhưng giá công in không tăng lại càng khó khăn thêm”, một cán bộ trong ngành tâm tư.

Theo thống kê, số lượng lao động năm 2022 là hơn 61.000 người (tăng 4,1% so với năm 2021, tăng 2,3% so với năm 2019); trong đó số lao động nam chiếm hơn 59%. Số lao động được đào tạo dưới mọi hình thức (từ ngắn hạn, sơ cấp đến trung cấp, cao đẳng, đại học) dưới 60%. Số lao động được đào tạo trên đại học chưa tới 1%, trình độ đại học và cao đẳng chiếm khoảng 20%, trung cấp khoảng 10%, còn lại là Sơ cấp nghề hoặc chưa qua đào tạo. Theo đánh giá, nhu cầu nguồn nhân lực đào tạo của ngành in vào khoảng 2.200-2.500 người/năm. Hiện nay, cả nước còn 4 cơ sở đào tạo với tổng quy mô đào tạo mỗi năm khoảng 1.200 học viên, chỉ đạt khoảng 50% nhu cầu.

TS Nguyễn Long Giang, Khoa In và Truyền thông, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chia sẻ, nếu như tổng học viên được đào tạo ở tất cả các bậc đào tạo năm 2019 của trường khoảng 1.360 học viên thì năm 2020 còn khoảng 1.260, đến năm 2021 do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nên quy mô chỉ khoảng 470 học viên, năm 2022 quy mô đào tạo có phục hồi nhưng vẫn thấp hơn thời điểm năm 2019. “Việc sở hữu nguồn nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp không phải là việc dễ dàng đối với các doanh nghiệp sản xuất in và đây cũng là mục tiêu khó khăn mà nhiều cơ sở đào tạo in luôn muốn thực hiện trong nhiều năm qua”, TS Giang bày tỏ.

Số lượng đào tạo chưa thỏa mãn nhu cầu, chất lượng đào tạo cũng chưa bắt kịp với mức độ đổi mới về kỹ thuật, công nghệ đang diễn ra với tốc độ chóng mặt hiện nay. Thực tế, môi trường đào tạo trong nước thiếu cơ sở vật chất thiết bị, phương tiện thực hành. Vì vậy, sau khi ra trường các kỹ sư, công nhân in tiếp cận với doanh nghiệp còn khó khăn. Rõ ràng, nếu hệ thống đào tạo của ta không được tiếp sức có hiệu quả của toàn ngành thì khoảng cách tụt hậu ngày càng xa. 

T.TRANG - H.HẠNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top