Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

“Choáng” với văn hóa tham gia giao thông (Bài 2): Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông

Thứ Hai 06/03/2023 | 10:14 GMT+7

VHO-  Đến khi nào văn hóa tham gia giao thông ở nước ta sẽ được lan tỏa, tạo nên hình ảnh văn minh, lịch sự trong con mắt người nước ngoài, vẫn là câu hỏi đầy trăn trở đối với nhiều người.

 Để xây dựng văn hóa tham gia giao thông cần có sự thay đổi nhận thức của cả người dân

Tiến hành cuộc phỏng vấn bỏ túi, nhiều ý kiến kiến nghị, để lập lại trật tự an toàn giao thông, lan tỏa hình ảnh đẹp khi tham gia giao thông thì chỉ còn cách là xử phạt thật nghiêm, bất kỳ đó là hành vi nào. Nói cách khác là thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông.

Đề cập vấn đề này, một chuyên gia giao thông dẫn ví dụ, khi chúng ta đưa ra quy định mà bắt đầu khởi động tuyên truyền đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, nhiều ý kiến cho rằng sẽ khó thực hiện vì tâm lý nói chung là không ưa thích đội mũ. Nhưng khi chúng ta ra quân làm quyết liệt, kiên trì, thường xuyên thì việc đội mũ đã tạo thành nếp, cứ ra đường đi xe máy là phải đội mũ bảo hiểm. “Vì thế, để xây dựng được văn hóa khi tham gia giao thông, bên cạnh tăng cường tuyên truyền dưới nhiều dạng thức với mật độ dày đặc hơn, thì cần một cuộc ra quân rầm rộ để lập lại trật tự an toàn giao thông, bằng cách xử phạt thật nghiêm, đề cao khẩu hiệu thượng tôn pháp luật. Việc này cần được làm thường xuyên, kiên trì, không được “bắt cóc bỏ đĩa”. Có như vậy, ý thức tham gia giao thông sẽ tăng dần”, vị chuyên gia này đề nghị.

Có thể nói rằng Luật Giao thông đường bộ là bị vi phạm nhiều nhất. Tại sao lại có hiện tượng này, luật sư Nguyễn Văn Dương (Văn phòng luật Dương Gia, Hà Nội) cho biết, “việc Luật Giao thông có tỷ lệ người dân vi phạm nhiều nhất, theo tôi chủ yếu đến từ việc quan hệ pháp luật mà pháp luật giao thông điều chỉnh diễn ra phổ biến hằng ngày, hằng giờ. Trên thực tế, gần như ai cũng sẽ tham gia giao thông ít nhất một lần/ngày. Tiếp đến là việc tuân thủ pháp luật và thực thi pháp luật giao thông ở Việt Nam chưa tốt. Việc tuân thủ pháp luật giao thông của người dân chưa tốt đến từ việc văn hóa giao thông kém, nghĩ rằng không bị xử phạt do lực lượng thực thi pháp luật giao thông mỏng, phép vua thua lệ làng… Đồng quan điểm, một số chuyên gia cho rằng, Nghị định 100 với những mức xử phạt mang tính răn đe cao. Trong thời gian qua, nhiều trường hợp bị xử phạt hàng chục triệu đồng và tước giấy phép lái xe. Có những vụ việc chuyển cơ quan chức năng để điều tra và khởi tố. Từ cuối năm ngoái, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay, cơ quan chức năng tăng cường xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Người dân ra đường đã có ý thức hơn trong việc sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, vẫn có không ít trường hợp điều khiển xe khi đã uống rượu bia và chống đối lực lượng chức năng. Cùng với đó là hàng trăm, hàng ngàn vụ vi phạm luật giao thông ở khắp nơi trên cả nước. Còn việc tham gia giao thông lộn xộn, vượt đèn đỏ, lấn làn là chuyện như cơm bữa trên đường phố Hà Nội, TP.HCM… Thậm chí khi có sự hiện diện của CSGT thì những việc trên vẫn không giảm. Lực lượng chức năng mỏng, ý thức tham gia giao thông kém, việc “nhờn luật” của một số bộ phận không nhỏ người dân khiến việc xây dựng văn hóa giao thông trở nên khó khăn hơn.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, “văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông”. Văn hóa giao thông được thể hiện trên ba tiêu chí, một là về nhận thức và hành động, hiểu biết đầy đủ và tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; hai là có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác; ba là, có thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông và tinh thần thượng tôn pháp luật.

Theo luật sư Nguyễn Văn Dương, văn hóa được hình thành dựa trên chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực đạo đức. Chính vì thế, văn hóa giao thông phải được xây dựng và phát triển trên cơ sở thượng tôn pháp luật. Làm gì để nâng cao ý thức của người dân cũng như xây dựng văn hóa giao thông, luật sư Dương cho rằng “văn hóa giao thông ở Việt Nam được bàn đến từ rất lâu, nhưng mới chỉ được thực sự chú trọng xây dựng và phát triển trong 5-7 năm gần đây. Vì vậy, theo tôi phải 5-10 năm nữa văn hóa giao thông Việt Nam mới qua “lứa tuổi mầm non” và thực sự mới thấy có tác dụng”. Năm 2023, Ủy ban An toàn giao quốc gia xây dựng Kế hoạch Năm an toàn giao thông 2023 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, gắn với 3 mục tiêu: Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2022; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị lớn và không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã nêu 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp.

Văn hóa giao thông không ở đâu xa mà tồn tại trong ý thức, cách nghĩ, việc làm của mỗi người, kể cả những người thực thi pháp luật cho đến mỗi người dân. Chính vì thế, xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trách nhiệm của người thực thi công vụ về giao thông thì việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông của người dân là một trong các nội dung quan trọng nhất, có tính quyết định. 

 HOÀNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top