Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bằng cách nào đưa cổ vật Việt Nam về nước? (Bài 3) Đi tìm những "khoảng trống"

Thứ Hai 13/03/2023 | 11:20 GMT+7

VHO- Có thể nói, đến thời điểm này hành lang pháp lý trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc đã tương đối đầy đủ, nhưng trong thực tiễn cuộc sống đã, đang đặt ra nhiều vấn đề mới phát sinh vì thế tạo ra những “khoảng trống” không nhỏ về cơ chế, chính sách. Ví như việc hồi hương cổ vật Việt Nam là một dẫn chứng.

 Bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi, sáng tác năm 1915, đấu giá năm 2011 tại Pháp. Phía Thừa Thiên Huế tham gia đấu giá nhưng thất bại

 Trò chuyện với chúng tôi xung quanh câu chuyện bằng cách nào đưa cổ vật Việt Nam về nước được thuận lợi, một nhà sưu tầm cổ vật có tiếng ở Hà Nội đặt ngược lại vấn đề, giả sử chúng ta không đàm phán thành công để kim ấn “Hoàng đế Chi Bảo” hồi hương vì một số lý do nào đó thì còn có cách nào khác không?

Lực bất tòng tâm

Cũng theo nhà sưu tầm cổ vật này, sở dĩ cần đặt ra tình huống như trên là để thấy rằng việc hồi hương cổ vật Việt Nam không hề đơn giản như ai đó từng phát biểu vì nó rất phức tạp nhìn trên nhiều phương diện. Nếu đàm phán không thành công thì chúng ta đã có đủ cơ chế, chính sách và nhất là nguồn lực tài chính để tiến hành đấu giá công khai không, hay phải chịu cảnh “trắng tay” như bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi cách đây mấy năm. Trong khi đó ở nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc, Campuchia… đã có hẳn một chiến lược hồi hương cổ vật có giá trị với những cơ chế, chính sách đủ mạnh, đó còn chưa kể họ đã tham gia vào các Công ước của UNESCO để tạo thuận lợi trong quá trình đám phán. Vì vậy việc hồi hương cổ vật Việt Nam được thuận lợi hay không phụ thuộc rất lớn vào cơ chế, chính sách và cả sự hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay cơ chế, chính sách và cả chiến lược cho việc hồi hương cổ vật Việt Nam vẫn đang là một “khoảng trống” không nhỏ, ngoại trừ chỉ có một… văn bản. Ngày 2.11.2015, Bộ Tài chính có văn bản số 16192/BTC-TCHQ về việc không thu thuế giá trị gia tăng các cổ vật có giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam bị lưu lạc ở nước ngoài nay được nhập khẩu trở lại, không vì mục đích thương mại, kinh doanh, chỉ để bảo tồn, gìn giữ giá trị lịch sử của dân tộc khi được Bộ VHTTDL xác nhận là cổ vật. Cũng chính chỉ mới có văn bản như vậy nên rất khó khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia một cách tích cực trong việc hồi hương cổ vật Việt Nam. Làm rõ hơn vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, một doanh nghiệp (xin giấu tên) đam mê sưu tầm cổ vật Việt Nam cho biết, cách đây mấy năm đã tiến hành đấu giá thành công một cổ vật rất có giá trị của thời Nguyễn để bổ sung cho bộ sưu tập của mình. Tuy nhiên phải năm lần bảy lượt gửi văn bản đến các cơ quan chức năng xin được ưu đãi miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với món cổ vật mới mua, nhưng mãi mới được chấp thuận. “Văn bản hướng dẫn là vậy còn thủ tục thì vẫn lòng vòng lắm”, doanh nghiệp trên nói.

Ở một phương diện khác, chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN, cho biết tất cả các bảo tàng công lập trong nước hiện đều chưa đủ điều kiện để đáp ứng hoặc tham gia các phiên đấu giá cổ vật quốc tế. Muốn mua một hiện vật cho bảo tàng, đơn vị phải thực hiện đủ các thủ tục để đảm bảo nguyên tắc khoa học, tài chính và

 các thủ tục này cần rất nhiều thời gian. Trong khi đó đấu giá là câu chuyện của từng phút, từng giây. Do vậy các bảo tàng công lập rất khó có thể tham gia đấu giá cổ vật. “Nói chung, các bảo tàng trong nước chưa thể đấu giá để đưa cổ vật hồi hương. Cho nên, vừa rồi ở Huế có doanh nghiệp đấu giá và đưa cổ vật về tặng lại cho Huế. Chúng ta chưa có cơ chế cho việc đó. Ngay các hiện vật ở Huế vừa rồi, giải quyết thủ tục hải quan mãi mới xong”, bà Hoan cho hay.

Bù lấp những “khoảng trống”

Trao đổi riêng với chúng tôi, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết hiện nay có nhiều vấn đề liên quan đến việc hồi hương cổ vật. Nhưng đầu tiên và chắc chắn vẫn là những vấn đề pháp lý.

“Trong Hội thảo văn hóa 2022 của Quốc hội về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, chúng ta đã thấy rất nhiều điểm “nghẽn” liên quan đến luật pháp về văn hóa và liên quan đến văn hóa đang cản trở sự phát triển của lĩnh vực này. Đó cũng là lý do chúng ta đang phải sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa. Nếu chưa có hành lang pháp lý phù hợp, chắc chắn không ai dám hồi hương cổ vật bằng cách lách luật hay “vận dụng sáng tạo” cả. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nhiều người chú trọng đến việc “làm đúng” hơn “làm tốt”. Trong lúc đó, cổ vật hay rất nhiều vấn đề khác không thể cứ chờ đợi việc sửa đổi luật, ban hành luật mới. Điều này cũng gây ra nhiều bức xúc đối với những người yêu văn hóa”, PGS Bùi Hoài Sơn nói. Cũng theo ông Sơn, không chỉ là các luật về văn hóa, những luật liên quan như luật về đối tác công tư, luật về tài sản công, luật thuế, luật xuất nhập cảnh, chưa có luật tài trợ và hiến tặng hay nhiều luật khác nữa cũng vô hình tạo ra những cản trở đối với sự phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, khi chúng ta chưa tham gia vào các Công ước của UNESCO như Công ước UNIDROIT năm 1995 về “Trả lại các di sản văn hóa vật thể bị đánh cắp hoặc buôn bán trái phép ra nước ngoài” thì cũng gây ra khó khăn cho chúng ta khi tham gia hồi hương cổ vật bằng luật pháp quốc tế. Đây là những vấn đề cần nhanh chóng giải quyết để tránh tình trạng bị động như việc hồi hương ấn “Hoàng đế Chi Bảo” vừa qua, và tạo điều kiện hồi hương nhiều hơn nữa các cổ vật Việt Nam hiện đang có rất nhiều ở nước ngoài.

“Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng, không chỉ liên quan đến vấn đề pháp lý. Những nguyên nhân quan trọng khác như nhận thức về tầm quan trọng của cổ vật, đặc biệt là các cổ vật Việt Nam đang ở nước ngoài, những chính sách cụ thể, nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản (từ con người, tài chính, cơ cở vật chất) cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc hồi hương cổ vật của chúng ta”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh. Đúng vậy, từ khi Luật Di sản văn hóa ra đời đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tuy nhiên hiện chưa có một điều luật hay một văn bản dưới luật quy định và hướng dẫn cụ thể việc đưa cổ vật của Việt Nam về nước. Vì thế, khi các tổ chức, cá nhân muốn đưa cổ vật Việt Nam hồi hương, phải đối diện với nhiều thủ tục hành chính, nhiều khi còn là sự quản lý chồng chéo của các ngành hải quan, thuế…

Từ hoạt động thực tế, có thể thấy cần khẩn trương nghiên cứu để thay đổi, bổ sung các quy định này vào Luật Di sản văn hóa hay các văn bản dưới luật. Đã đến lúc phải nghiên cứu, ban hành các chính sách phù hợp để các địa phương, bảo tàng có cơ sở mua lại các hiện vật này đưa về nước. Nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp lý theo hướng cho phép tổ chức và cá nhân trong nước được tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài hoặc thành lập thị trường đấu giá cổ vật chuyên nghiệp ở Việt Nam. Tạo hành lang pháp lý thông thoáng để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đưa cổ vật về nước. Trong thực tế, thủ tục, quy định mà một bảo tàng công lập phải tuân thủ khi mua cổ vật phải trải qua rất nhiều khâu, công đoạn như: Thành lập hội đồng xét duyệt, thẩm định giá trị, niên đại, lai lịch của hiện vật, đàm phán về mức giá… tạo nên sự chậm trễ, khó khăn trong quá trình sưu tầm, đấu giá để đưa các cổ vật về nước.

Tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 8, Luật Di sản văn hóa quy định: “Mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam, có xuất xứ ở trong nước hoặc từ nước ngoài, thuộc các hình thức sở hữu, đều được bảo vệ và phát huy giá trị; Di sản văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài được bảo hộ theo tập quán quốc tế và theo quy định của các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia”. Để cụ thể hóa nội dung này, Việt Nam cần tham gia ký kết các hiệp ước quốc tế nhằm tạo cơ sở về mặt pháp lý quốc tế. Đây được xem là các hành lang pháp lý quan trọng tạo chỗ dựa về mặt pháp lý quốc tế trong công cuộc hồi hương các cổ vật trở về quê hương. 

 Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng, không chỉ liên quan đến vấn đề pháp lý. Những nguyên nhân quan trọng khác như nhận thức về tầm quan trọng của cổ vật, đặc biệt là các cổ vật Việt Nam đang ở nước ngoài, những chính sách cụ thể, nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản (từ con người, tài chính, cơ cở vật chất) cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc hồi hương cổ vật của chúng ta.

(PGS.TS BÙI HOÀI SƠN)

Bài 4: Cần lắm những cái “bắt tay”

TS PHAN THANH HẢI - NGUYỄN HÒA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top