Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Ngăn chặn mê tín dị đoan và vấn nạn cuồng tín (Bài 3): Khi con nhang, đệ tử bị "thao túng tâm lý"?

Thứ Sáu 17/03/2023 | 10:09 GMT+7

VHO- Chỉ bằng một vài kỹ năng khai thác thông tin, phán đoán, ám thị... các thầy bói nhanh chóng “thao túng” được các con nhang, đệ tử. Khi họ hoàn toàn tin tưởng hay đã sập bẫy cũng chính là lúc các chiêu trò đặt lễ cúng bái, hầu thánh, hầu đồng... được các “thầy” tung ra để trục lợi bất chính.

 Lấy cớ “vong nhập”, cô đồng tát gia chủ, gia chủ liền tát lại và quát “mày dám tát tao à…”. Ảnh cắt từ clip

 “Thao túng tâm lý” đang là cụm từ “hot trend” để nói về phương pháp của một người nào đó sử dụng nhằm làm cho người khác mất đi khả năng tự chủ và sẵn sàng làm theo những chỉ dẫn của họ.

“Thao túng” hay “thao túng tâm lý”

Áp dụng với tình huống xem bói, tại sao có người chỉ coi đó là chuyện vui, tham khảo; nhưng cũng có người lại thần thánh hóa thầy bói, ngưỡng mộ như một thế lực siêu nhiên, sẵn sàng phục tùng, bỏ hàng trăm triệu đồng để thực hiện theo điều thầy bói chỉ dẫn. Tất cả có thể được giải thích bằng cú lừa mang tên “thao túng tâm lý”.

PGS.TS Trần Thu Hương, Trưởng bộ môn Tâm lý học lâm sàng, Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, trong chuyên ngành tâm lý học, cụm từ “thao túng tâm lý” được hiểu là người sử dụng uy tín của mình như sự nổi tiếng hay khía cạnh nào đó được thể hiện ở bên ngoài như hành vi, cử chỉ, nét mặt, điệu bộ, lời nói để điều khiển đối phương. Trong tiếng Anh, gốc của từ này là “manipulator” tức là người điều khiển, người chi phối. “Hiện nay, từ “thao túng tâm lý” đang được sử dụng một cách tràn lan. Bất cứ người nào bị mất đi nhận thức, mất ý thức và làm theo chỉ dẫn của người khác một cách vô thức đều được gọi là bị thao túng tâm lý”, bà Hương cho biết.

Trở lại với hành vi suy luận, phán đoán, ám thị… của các thầy bói đã được nêu ở các bài trước, chẳng hạn “thầy” L (ở Đông Dư, Gia Lâm, Hà Nội), các con nhang, đệ tử dễ dàng bị “thao túng tâm lý” bởi những lời đồn đại được thổi phồng, những câu chuyện ma mị tự kể mang tính dọa nạt, nhưng lại được thu hút bởi cách thức nói chuyện, lúc khích lệ, lúc lại khiến họ lo lắng tột độ. Trái ngược hẳn, “cậu” V (phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội) “thao túng tâm lý” khách xem ngay từ khi bước chân vào “điện” của “cậu”, và bằng giọng điệu mạnh mẽ, gay cấn, liên tiếp đưa ra những thông tin xấu, tiêu cực, gắn liền với tiền tài, sức khỏe để từ đó thúc ép các con nhang, đệ tử phải làm lễ giải trừ.

Hầu hết người đi xem bói đều trong trạng thái lo lắng, bất an, nghi ngờ vấn đề gì đó như việc học hành của con cái, công việc làm ăn, sức khỏe của bố mẹ già, quan hệ vợ chồng… khi nghe được thầy bói nhắm trúng cái mà họ mong muốn, họ cảm thấy được giải tỏa, coi thầy bói là “phao cứu sinh”, là “bến bờ an toàn” cho mình. Điều đó khiến họ u mê, không nhận ra rằng mình đang bị nhấn chìm vào “bẫy” mà các thầy bói giăng sẵn để nhằm mục đích “móc túi” họ. “Ở đây có sự “thao túng” chứ không hẳn là “thao túng tâm lý” trong bộ môn tâm lý học. Thầy bói quan sát trạng thái vui buồn, lo âu… của cá nhân đó kết hợp với những thông tin mà chính họ nói ra giúp thầy suy đoán, khẳng định về vấn đề của họ. Còn người xem bói lại gật gù thừa nhận “À đúng rồi, tốt quá” mà thực tế nếu bình tĩnh, để tâm hơn một chút sẽ dễ dàng nhận thấy là chính mình nói ra, chứ không phải thầy bói là thần thánh, siêu nhiên gì”, PGS.TS Trần Thu Hương nhấn mạnh.

Cũng theo Trưởng bộ môn Tâm lý học lâm sàng, một số người đi xem bói chỉ là để chiêm nghiệm, nhưng một số người lại có niềm tin mù quáng, thậm chí là cuồng tín khiến họ dễ bị dẫn dắt, không có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình. Họ không đủ lý trí để nhận thức được đúng hay sai, nên hay không nên, mà để cho cảm xúc cuốn theo sự chi phối, điều khiển của đối phương. Do vậy, nhiều người tiền mất tật mang, bị lừa... bởi các thầy bói. Sự thao túng chỉ diễn ra với người yếu thần kinh, không tin vào bản thân, luôn lo lắng và bất an, còn người đủ tự tin, biết ứng phó tốt với những khó khăn thì họ không bị tác động bởi những chiêu trò của thầy bói.

Lý giải hiện tượng “vong nhập”

Có thể thừa nhận rằng, ở góc độ nào đó thầy bói là nhà tâm lý có kinh nghiệm khi quan sát bề ngoài, trang phục, dáng vẻ, lời ăn tiếng nói và dựa vào lời của con nhang, đệ tử mà thầy có thể chấn an tâm lý, giải tỏa căng thẳng. Tiếp theo, khi đã thu phục bằng sự tin tưởng thầy sẽ gia tăng cấp độ, nhiều người đi xem bói hằng tuần, hằng tháng, bất cứ có việc gì là chạy đến để nhờ thầy phán. Và tất nhiên thầy cũng không quên ám thị họ bằng sự hiện diện của vong linh, tà ma, mất mộ, hay bà cô chết trẻ… cần phải cúng lễ, hầu đồng.

Trước hiện tượng này, TS.BS cao cấp Nguyễn Hữu Chiến, Trưởng khoa Sức khỏe tâm thần Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, nếu xem bói chỉ để giải tỏa căng thẳng thì cũng là một biện pháp trị liệu tâm lý và nếu hành nghề chân chính thầy bói cũng giúp ích cho xã hội. Tuy nhiên, một số thầy bói lại lạm dụng lòng tin của người xem để trục lợi cá nhân, chẳng hạn, mỗi lần đến thầy nói một chút khiến họ càng thêm lo âu, dần dần áp lực mình có vấn đề rồi, cần phải cúng giải hạn. Khi đó, người xem bói trở thành lệ thuộc vào thầy bói, họ không tự tin vào bản thân, không tự quyết định được vấn đề của mình. “Một số người có nhân cách dễ bị ám thị, dễ bị thao túng, thôi miên. Lúc đó ý chí của họ trở nên vô thức, đi theo sự dẫn dắt, ý muốn của người khác. Khi trở lại trạng thái bình thường, có khi họ không nhớ gì về sự vô thức đó”, bác sĩ Chiến cho hay.

Trong quá trình làm việc, bác sĩ đã điều trị cho một số bệnh nhân bị hoang tưởng, ảo giác về việc mình bị vong linh ai đó “nhập” vào người, nói những câu mà cho rằng “vong” nói, người nhà phải đưa vào nhập viện. Bác sĩ cho biết đây hầu như là trạng thái cấp tính, bệnh nhân được kê đơn thuốc an thần, chống ảo giác kết hợp với trị liệu tâm lý, chỉ cần điều trị 1-2 tuần các biểu hiện sẽ hết và được ra viện, kê đơn thuốc uống tại nhà. Trưởng khoa Sức khỏe tâm thần Bệnh viện E lý giải, trong chuyên ngành sức khỏe tâm thần đó là trạng thái rối loạn phân ly. Nguyên nhân có thể do sang chấn tâm lý sau biến cố gia đình, chẳng hạn người thân mất đột ngột hoặc nghĩ đến ai nhiều quá làm ảnh hưởng đến cảm xúc, hành vi của họ. “Để giải quyết vấn đề không thuận lợi, một số người bỏ ra hàng trăm triệu đồng để được thầy bói, thầy cúng làm lễ giải hạn, lên đồng, gọi hồn… Nếu người nào đó bị coi là “vong nhập” thực chất là trạng thái vô thức, ý thức bị suy giảm, không đủ kiểm soát bản thân nên hành động theo dẫn dụ của các “thầy”, “cô”, “cậu”. Hiện tượng “vong nhập” này hoàn toàn phụ thuộc vào nhân cách yếu đuối của đối phương; vào khả năng ám thị, thao túng của thầy bói, vì thế không phải thầy cứ “gọi hồn”, lên đồng là “vong linh” người chết cũng xuất hiện, hoặc “nhập” vào ai đó”, bác sĩ Nguyễn Hữu Chiến nói.

Điều này giải thích tại sao không ít buổi hầu thánh, hầu đồng, dễ dàng nhận ra những vai diễn đã được lên “kịch bản” từ trước, “vong” không “nhập” vào gia đình người đã khuất mà nhập vào chính “thầy” hay đám tuỳ tùng của thầy nhằm truyền đạt những điều ma mị hoặc tiếp nối những dàn cúng lễ đến u mê. Thậm chí, với danh nghĩa “vong nhập”, thầy còn có những hành động thiếu văn hóa như sàm sỡ, hoặc tát người nhà. Có người phản ứng lại, đánh lại “thầy” nhưng cũng có người mù quáng đến mức, bị tát chảy máu mồm vẫn chắp tay xì xụp vái lạy, vì: “Hôm nay thầy tát con chảy máu mồm, càng chảy máu nhiều thì con về càng có nhiều lộc”???

Bài 4: Để niềm tin không bị mù quáng, trục lợi

QUỲNH HOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top