Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Bằng cách nào đưa cổ vật Việt Nam về nước? (Bài cuối): Kinh nghiệm quốc tế để hồi hương cổ vật

Thứ Sáu 17/03/2023 | 10:14 GMT+7

VHO- Cổ vật bị cướp bóc hay thất lạc là câu chuyện chung của nhiều quốc gia, đặc biệt là trong thời cận đại, khi chủ nghĩa tư bản phương Tây bành trướng ra khắp thế giới. Đội quân xâm lược của các nước châu Âu không chỉ tàn phá nhiều nền văn minh ở các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Đại Dương mà còn cướp bóc vô số các cổ vật quý giá của các quốc gia, dân tộc bị xâm lược và nô dịch.

Mặt nạ đầu hổ bằng đồng, một trong 12 con giáp ở Viên Minh Viên, Bắc Kinh bị cướp đoạt năm 1860 đã được hồi hương Nguồn: INTERNET

 Nhưng trong khoảng vài chục năm trở lại đây, một số nước đã khá thành công trong việc hồi hương cổ vật vốn được xem là báu vật hay biểu tượng về văn hóa, lịch sử của họ. Những kinh nghiệm phong phú của các quốc gia này là những bài học kinh nghiệm rất quý cho Việt Nam.

Vận dụng các chính sách linh hoạt và phương pháp tổng hợp…

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, Trung Quốc là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc hồi hương các báu vật, cổ vật từ nước ngoài nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng Hoa kiều, và đặc biệt là nhờ có những chính sách linh hoạt, phù hợp.

Theo Học viện Di tích Văn hóa Trung Quốc, tính từ mốc chiến tranh Nha phiến 1840 đến nay, có khoảng 10 triệu cổ vật Trung Quốc đã bị cướp bóc, bị chuyển ra nước ngoài bằng nhiều con đường khác nhau. Đây là một kho tàng di sản khổng lồ vốn của quốc gia đông dân nhất trên thế giới mà nhất thiết họ phải từng bước đòi lại bằng được. Chính phủ Trung Quốc đã xem việc hồi hương các cổ vật là một trong những vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu, từ đó họ có sự đầu tư xứng đáng để nghiên cứu, ban hành những chính sách phù hợp. Bộ Văn hóa, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an... là những Bộ, ngành quan trọng nhất đóng vai trò tham mưu, xây dựng các chính sách về vấn đề này. Tựu trung, các chính sách của Trung Quốc thể hiện nổi bật ở các khía cạnh sau.

Thứ nhất là tăng cường tham gia các điều ước, công ước quốc tế về vấn đề hồi hương, trao trả cổ vật, hạn chế ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép, đánh cắp cổ vật, tìm cách đưa thành viên tham gia trực tiếp vào các tổ chức quốc tế liên quan. Tác dụng và hiệu quả của chính sách này thể hiện rất rõ. Chỉ sau một thời gian ngắn, Trung Quốc đã có “chân”, thậm chí đã trở thành “những thế lực quan trọng” trong nhiều tổ chức quốc tế, nhất là Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO và một số tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc. Họ đã có tiếng nói mạnh mẽ trong các diễn đàn này, từ đó tham gia bổ sung, điều chỉnh các công ước, điều ước quốc tế theo hướng có lợi cho việc hoàn trả các cổ vật bị cướp bóc hay bị đánh cắp trong quá khứ. Đó cũng là căn cứ pháp lý quan trọng để họ tiến hành đàm phán ngoại giao, thậm chí khởi kiện xuyên quốc gia để đòi lại cổ vật khi cần thiết. Thứ hai, Trung Quốc tích cực tham gia ký kết các hiệp định song phương về bảo vệ và trao trả các di sản văn hóa với các nước để mở đường cho việc hồi hương các cổ vật. Đến nay Trung Quốc đã ký kết 23 thỏa thuận song phương với các quốc gia ở châu Âu, Mỹ, Australia, là những quốc gia hiện đang nắm giữ nhiều nhất các cổ vật có nguồn gốc Trung Quốc để tạo hành lang pháp lý cho việc hồi hương các cổ vật và di sản văn hóa của họ.

Thứ ba, tích cực vận động Hoa kiều ở các nước chung tay tìm kiếm, phát hiện, cung cấp danh sách các cổ vật Trung Quốc đang ở nước ngoài, vận động Hoa kiều tham gia quyên góp, đấu giá, hiến tặng cổ vật cho đất nước. Hoa kiều là một lực lượng hùng hậu và có nguồn lực rất lớn và dường như có mặt ở khắp thế giới. Trong nhiều năm qua, họ đã có những đóng góp rất tích cực cho công tác hồi hương cổ vật. Nói tóm lại, kinh nghiệm của Trung Quốc là sự vận dụng các chính sách và phương pháp tổng hợp bao gồm hợp tác quốc tế, thực thi song phương, đàm phán ngoại giao, khởi kiện xuyên quốc gia, vận động quyên góp và mua lại qua thương lượng hoặc đấu giá.

Thành công của Trung Quốc thì có nhiều nhưng tiêu biểu là sự kiện năm 2013, tỷ phú người Pháp Pinault đã trả lại 7 chiếc mặt nạ linh thú bằng đồng (trong số 12 mặt nạ của 12 con giáp ở Viên Minh Viên, Bắc Kinh) có trị giá tới 126 triệu USD vốn bị liên quân Anh - Pháp cướp đi trong cuộc tấn công năm 1860. Hay sự kiện năm 2019, một nhà sưu tầm người Mỹ đã phải trả lại cho Trung Quốc 361 hiện vật, nhóm hiện vật rất có giá trị sau khi FBI phát hiện đây là các cổ vật bị đánh cắp. Một ví dụ khác là tỷ phú Hồng Kông Hà Hồng Sâm đã nhiều lần tặng lại các cổ vật quý cho nhà nước Trung Quốc, trong đó có hai chiếc mặt nạ thỏ và chuột của Viên Minh Viên, trị giá hàng chục triệu USD...

Phát động một chiến dịch toàn cầu

Ai Cập là một trong những quốc gia có lượng cổ vật quý giá bị cướp đoạt nhiều nhất trong quá khứ, nhưng gần đây Chính phủ Ai Cập đã tỏ rõ nỗ lực hồi hương các cổ vật của đất nước mình. Chính phủ Ai Cập đã phát động một chiến dịch toàn cầu chủ yếu là thông qua con đường đàm phán ngoại giao để đòi lại các cổ vật, và họ đã đạt được nhiều thành công rất đáng kể.

Tháng 2.2021, Chính phủ Mỹ đã trả lại khoảng 5.000 cổ vật cho Ai Cập, và đây là kết quả của những nỗ lực đàm phán từ năm 2016. Cuối năm 2021, Ai Cập lại thông báo họ thu hồi được 36 cổ vật từ Tây Ban Nha, đây là các cổ vật bị đánh cắp và buôn lậu từ Ai Cập qua quốc gia châu Âu này. Bên cạnh việc đàm phán ngoại giao với các quốc gia, Ai Cập cũng quyết liệt kiểm soát nạn buôn lậu cổ vật từ trong nước. Họ thành lập cơ quan theo dõi các trang giao dịch trực tuyến và các sàn đấu giá cổ vật của phương Tây để nắm được tình trạng các cổ vật đã và đang bị buôn bán hay đấu giá, từ đó đưa ra các giải pháp để ngăn chặn hay thu hồi những cổ vật này. Họ cũng tích cực làm việc với các nhà đấu giá, các sàn giao dịch cổ vật và các nhóm nghiên cứu, đấu tranh cho văn hóa để nắm thông tin và tìm cách kiểm soát việc buôn bán cổ vật có nguồn gốc từ đất nước mình.

Cách đây khoảng 10 năm, Ai Cập đã hồi hương được 83 cổ vật thông qua việc kiểm soát này, đồng thời ngăn chặn thành công việc bán 390 cổ vật Ai Cập trên khắp thế giới, mở đường cho việc hồi hương các cổ vật này.

 Bức tượng nhân sư bằng đá của Ai Cập hiện trưng bày tại Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp Nguồn: BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA

Chính sách ngoại giao… cổ vật

Tháng 4.2022, Chính phủ Australia trao trả cho Ấn Độ 29 cổ vật. Trước đó, từ tháng 9.2021, Thủ tướng Modi đã thuyết phục thành công Chính phủ Mỹ trả lại cho Ấn Độ 157 cổ vật khi ông viếng thăm quốc gia này.

Ấn Độ đã xem ngoại giao cổ vật là một trong những chính sách ngoại giao văn hóa - chính trị quan trọng đối với các nước phương Tây. Và Thủ tướng Modi đã thành công không chỉ một lần với Chính phủ Mỹ, mà ông đã thuyết phục thành công Chính phủ các nước Đức, Canada, Singapore… trả lại cổ vật cho Ấn Độ. Sau khi lên nắm quyền năm 2014, ông Modi đã có công trực tiếp thuyết phục thành công và hồi hương hàng chục cổ vật sau những chuyến công du ngoại giao. Để hỗ trợ cho việc này, ông Modi đã cho thành lập một cơ quan đặc biệt (STF) tập hợp một số quan chức ngoại giao và văn hóa có năng lực để thường xuyên liên lạc với chính phủ của các quốc gia nhằm xác minh rõ các cổ vật Ấn Độ đang được lưu giữ tại các quốc gia này. Chính phủ Ấn Độ còn tích cực ký kết biên bản ghi nhớ với một số nước về vấn đề trao đổi, hồi hương cổ vật. Một số cơ quan chuyên môn về khảo cổ học, bảo tàng, cơ quan điều tra cũng phải tham gia vào hoạt động này. Bên cạnh đó, Chính phủ còn phát động các dự án như “Tự hào Ấn Độ”, “Khôi phục niềm kiêu hãnh Ấn Độ” để huy động các tình nguyện viên và Ấn kiều trên toàn cầu tham gia.

Bên cạnh các quốc gia tiêu biểu, nổi bật trong công cuộc hồi hương cổ vật như Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ nói trên, hiện nay các quốc gia ở châu Phi, Nam Mỹ, Đông Nam Á… cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Các nước châu Phi và Nam Mỹ thì chủ yếu thông qua con đường ngoại giao để đòi lại các báu vật mà họ đã từng bị tước đoạt. Một số nước như Nigeria, Benin, Peru đã đạt được những thành công nhất định khi một số quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Bỉ và cả Mỹ đã đồng ý trao trả lại cho họ một số cổ vật quý vốn bị cướp đoạt trong quá khứ.

Từ những kinh nghiệm quý giá của các quốc gia trong công cuộc hồi hương cổ vật, Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu để rút ra bài học bổ ích cho mình. Điều quan trọng nhất hiện nay là cần nhanh chóng xây dựng được một chiến lược quốc gia về hồi hương cổ vật và các di sản văn hóa. Từ đó chủ động xây dựng và ban hành những cơ chế, chính sách linh hoạt, phù hợp và có sách lược vận dụng khéo léo trong từng trường hợp cụ thể. 

TS PHAN THANH HẢI - NGUYỄN HÒA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top