Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Huyền thoại lịch sử - văn hóa... xứ Trầm

Thứ Hai 20/03/2023 | 10:19 GMT+7

vho- Khánh Hòa hôm nay đã thừa kế và phát huy tất cả những nét đẹp từ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, tạo nên một quê hương hội đủ dáng núi, hình sông, đồng xanh, biển biếc, để cho “người đi thương nhớ, người về vấn vương”...

1. Kể từ mùa Xuân năm Quý Mùi 1653, cùng với việc chúa Nguyễn cho lập dinh Thái Khang (Khánh Hòa ngày nay), những thế hệ người Việt đầu tiên theo chân đoàn quân bình định phương Nam của Cai cơ Hùng Lộc Hầu đến sinh sống trên vùng đất Khánh Hòa đã nhanh chóng hòa nhập với các nhóm người bản địa nơi đây một cách hòa bình thân ái. Trong công cuộc đấu tranh sinh tồn và phát triển, họ cùng chung lưng đấu cật, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng nên một vùng quê Khánh Hòa ngày càng giàu đẹp. Nhà thơ, nhà văn hóa Quách Tấn, trong ấn phẩm Xứ Trầm Hương viết về vùng đất Khánh Hòa đã ghi lại những dòng thơ ca ngợi mảnh đất này mà người dân bản xứ thuộc nằm lòng:

Khánh Hòa là xứ trầm hương

Non cao biển rộng người thương đi về

Yến sào thơm ngọt tình quê

Sông sâu đá tạc lời thề nước non

Không những ngợi ca vùng đất đang sinh sống mà còn tôn vinh cộng đồng dân cư trên vùng đất này; với bản chất hiền hòa nhân hậu; với tính cách và tâm hồn giản dị; phóng khoáng mà tình nghĩa thủy chung đã từng thốt ra lời thiết tha mời gọi rằng: Khánh Hòa đẹp lắm ai ơi/Vào Nam ra Bắc ghé chơi Khánh Hòa. Nhà thơ Quách Tấn còn viết thêm những lời bình: “Khánh Hòa quả là đẹp lắm… Đẹp một cách thùy mỵ kín đáo… Đẹp không phải nhờ vào nhân xảo mà chính là do thiên công. Đẹp ở cảnh, đẹp ở vật và cảnh cũng như vật đẹp cả bên ngoài đẹp cả bên trong… Xứ Trầm Hương không những nhiều trầm mà trầm hương còn mang ý nghĩa thi vị là vùng đất thơm tho một cách tự nhiên như mùi trầm hương thoảng gió...”.

2. Từ lâu, những di chỉ khảo cổ trên địa bàn Khánh Hòa gồm: Xóm Cồn, Văn Tứ Đông, Vĩnh Yên, Hòa Diêm… đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của giới khảo cổ học trong nước và quốc tế. Những hiện vật được tìm thấy từ các di chỉ này đã hé mở nhiều điều liên quan đến đời sống của con người từ 2.000 - 4.000 năm trước trên vùng đất Khánh Hòa. Hiện trên vùng đất Khánh Hòa có khoảng 32 tộc người chung sống. Ngoài tộc người Chăm và Raglai được coi là những chủ nhân đầu tiên của vùng đất này, còn có người Kinh (Việt), Hoa, Ê Đê, K’ho, Tày, Nùng… Trong quá trình phát triển của lịch sử, các thế hệ cư dân Khánh Hòa đã đoàn kết, chung sức, chung lòng trong lao động sản xuất, chiến đấu chống giặc ngoại xâm để xây dựng quê hương giàu đẹp. Họ đã sáng tạo ra các công trình kiến trúc độc đáo, những di tích lịch sử - văn hóa có giá trị như đình, đền, chùa, tháp, miếu mạo, thành cổ… Di tích lịch sử - văn hóa ở Khánh Hòa được hình thành từ quá trình lao động cần cù, sáng tạo kết hợp với trí tuệcủa cha ông, là biểu hiện cụ thể về một nền văn hóa truyền thống mang tính bản địa sâu sắc, là chứng cứ quan trọng giúp chúng ta hiểu biết về quá trình hình thành, phát triển của quê hương Khánh Hòa. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh ở Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn di tích và địa chỉ có dấu hiệu di tích, được phân bố đều khắp các huyện, thị, thành phố. Di tích ở Khánh Hòa có nhiều thể loại: Di tích khảo cổ học, di tích lịch sử - cách mạng, di tích kiến trúc - nghệthuật, di tích thắng cảnh...

Khánh Hòa là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa

3. Là vùng đất có nền văn hóa - lịch sử lâu đời, các thế hệ cư dân Khánh Hòa từ miền xuôi đến miền ngược, từ nông thôn đến hải đảo, cùng trải qua thăng trầm của lịch sử, với sự giao thoa văn hóa người Chăm bản địa với lưu dân từ ngoài Bắc vào cùng với các dân tộc thiểu số khác như Raglai, Ê đê, Gié Trieng, người Hoa… đã để lại cho Khánh Hòa bản sắc văn hóa rất đặc thù, tiếp biến văn hóa Việt - Chăm qua tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na, tục thờ Lỗ Lường, tục thờ Thành hoàng, các bậc Tiền hiền, Hậu hiền và lễ hội cúng đình làng Việt, tục thờ Ông Nam Hải (cá voi) với Lễ hội Cầu ngư, Hát cúng lăng, Hòbátrạo. Bên cạnh đó còn một nền văn học truyền khẩu với tục ngữ, ca dao, dân ca, các bài vè đi biển, truyện cổ, trường ca, sử thi... của người Việt, người Raglai và các dân tộc anh em khác; các nghề truyền thống độc đáo như nghề lưới đăng, khai thác yến sào, trầm kỳ... những phong tục tập quán, sinh hoạt cộng đồng làng xã, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội, nghệ thuật, ẩm thực, thú tiêu khiển... Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên kho tàng văn hóa truyền thống dưới dạng các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Sách Đại Nam nhất thống chí còn ghi lại những nét đẹp về văn hóa của vùng đất và con người Khánh Hòa như sau: “Phong tục thuần hậu, tập quán quê mùa. Kẻ sĩ chất phác mà trầm tĩnh, nhân dân kiệm mà lành, quần áo dùng vải trắng, ít thích lòe loẹt. Dân ở ven biển làm nghề chài lưới, dân ở ven núi làm nghề cấy lúa, trồng dâu, chăn tằm dệt cửi… phần nhiều đơn giản không chuộng xa hoa. Các việc đám cưới, đám ma hay giúp đỡ lẫn nhau”.

Do những đặc điểm về địa lý tự nhiên và nhân văn, Khánh Hòa hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa núi rừng, văn hóa đồng bằng và văn hóa biển - đảo dưới các dạng văn hóa vật thể và phi vật thể thật tiêu biểu và đặc sắc. Ở miền núi, chúng ta đã biết đến những bộ đàn đá Khánh Sơn tìm được tại di chỉ Dốc Gạo, nơi được xác định là “công xưởng chế tác đàn đá thời tiền sử khổng lồ nhất ở Việt Nam”. Đây cũng là xứ sở của những Akhàt ter (thể loại kể chuyện bằng văn xuôi) và những Akhàt jucar (kể chuyện bằng lời hát) gọi chung là những trường ca Raglai nổi tiếng.

Qua nhiều thế kỷ cộng cư và hòa cư, người Việt đã giao lưu, tiếp nhận và tiếp biến những tinh hoa văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em để từ đó tạo nên một bản sắc văn hóa của chính mình, làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Do điều kiện và môi trường sống, cùng với các hình thức kinh tế, ngành nghề truyền thống lâu đời chi phối nên người Việt ở đồng bằng Khánh Hòa có văn hóa đình làng, trong tổng thể của truyền thống văn hóa làng xã Việt Nam. Hệ văn hóa đình làng, chùa chiền, miếu mạo… dưới sắc thái văn hóa truyền thống của những người nông dân cần cù, chăm chỉ được biểu hiện qua các lễ hội Am Chúa, lễ hội Tháp Bà, lễ hội cúng đình, cúng tổ nghề… qua nhiều thế kỷ vẫn tồn tại và ngày càng được tôn vinh.

4. Về văn hóa biển đảo, có thể nói, đi dọc từ Bắc vào Nam, khó có nơi nào trên đất nước chúng ta lại có những cảnh đẹp về biển đảo một cách đa dạng, gây cảm xúc mạnh như khi đi ngang qua ven biển Khánh Hòa. Cùng với cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn, nguồn tài nguyên biển của Khánh Hòa cũng vô cùng phong phú với nhiều loại hải đặc sản quý, có trữ lượng lớn. Thảm động thực vật trong lòng biển Khánh Hòa được ví như khu rừng nhiệt đới làm say lòng du khách và những ai lặn biển. Có lẽ nhờ sản vật biển dồi dào phong phú đã tôn lên vẻ đẹp và giá trị để từ đó hình thành các di sản văn hóa đặc sắc không nơi nào có được của bức tranh biển đảo Khánh Hòa. Trong vốn di sản văn hóa phi vật thể mang yếu tố biển ở Khánh Hòa cócác loại hình diễn xướng dân gian, nghề thủ công truyền thống, tập quán, phong tục, tín ngưỡng, lễ hội của ngư dân miền biển. Đặc biệt, khi người Việt đến đây sinh sống thì Khánh Hòa đã trở thành nơi giao thoa của nền văn hóa Việt - Chăm, từ đó vốn di sản phi vật thể mang yếu tố biển lại có thêm những nét hết sức đặc sắc và phong phú. Vốn di sản ấy được lưu truyền, biến tấu bằng nhiều phương thức khác nhau như truyền khẩu, mô phỏng, bắt chước… được thể hiện qua phong tục tập quán của người đi biển; qua truyền thuyết, huyền thoại; qua nghi lễ, lễ hội của ngư dân, qua ẩm thực, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ… Truyền thuyết dân gian Khánh Hòa, biển là một đối tượng phản ánh, thể hiện khát vọng chinh phục khơi xa của ngư dân như truyền thuyết về Hòn Chồng ở Nha Trang; sựtích Núi Đất ở Ninh Hòa hay sự tích Núi Cô tiên; truyền thuyết miếu Lỗ Lường, Hòn Bà… đều có bóng dáng Nam thần vànàng tiên, hay nữ thần của biển. Trong kho tàng thơ ca dân gian, có nhiều thơ ca, hò vè mang dấu ấn của biển. Nhiều bài vè truyền khẩu của ngư dân là những bài truyền đạt kinh nghiệm đi biển, trong đó có những bài tập hợp các địa danh cần ghi nhớ để giúp bạn nghề dễ dàng định hướng mà xử lý bất trắc khi lênh đênh trên biển. Ngoài ra, các lễ hội mang nhiều yếu tố biển như lễ hội Cầu ngư, thờ cúng cá Ông, hò Bá trạo, cúng Lỗ Lường, lễ hội vía Bà, múa Bóng… lànhững sinh hoạt văn hóa biển vô cùng đặc sắc trong bức tranh văn hóa biển đảo Khánh Hòa. Cư dân sống bằng nghề biển đã bảo lưu vàgìn giữđược những truyền thống văn hóa biển - đảo với các lễ hội cúng Lăng, tín ngưỡng thờ cúng cá voi (Ông) cùng những điệu hò Bá Trạo… được kết hợp một cách hài hòa trong tín ngưỡng thờ Pô Nagar - Thiên Yana còn có một nền văn hóa yến sào thật đặc sắc… Dưới góc độ văn hóa học, Khánh Hòa thật sự là một tiểu vùng văn hóa với tên gọi là Xứ Trầm hương, ngày nay mọi người biết đến làvùng đất “Non Trầm biển Yến” song vẫn là một bộ phận của văn hóa Việt Nam. Đó chính là cốt lõi căn bản sự “thống nhất trong đa dạng” của văn hóa truyền thống Việt Nam.

5. Như vậy, lịch sử 370 năm hình thành và phát triển vùng đất Khánh Hòa là một quá trình đấu tranh bền bỉ, gian khổ, đoàn kết, sáng tạo, anh dũng kiên cường của biết bao thế hệ cha ông. Đó chính là những truyền thống lịch sử, văn hóa và nhân văn vô cùng quý báu mà các thế hệ tiền nhân đã để lại cho con cháu hôm nay và mai sau. Những truyền thống cao quý trong đó truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” được nâng lên thành đạo lý cao quý của dân tộc đã, đang và sẽ góp phần làm phong phú và tô đậm thêm truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc cho đất nước, con người của xứ sởTrầm hương mến yêu.

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - văn hóa xã hội, khai thác mọi tiềm năng và thế mạnh, tăng cường hợp tác và thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, chúng ta vừa phải tăng cường mở rộng hợp tác giao lưu với nước ngoài, vừa phải giữgìn và phát huy bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống của các dân tộc tỉnh Khánh Hòa, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Bởi vậy, hiểu rõ, hiểu đầy đủ về truyền thống lịch sử - văn hóa và nhân văn của người Khánh Hòa qua 370 năm không chỉ góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn Khánh Hòa mà còn là hành trang, là nền tảng vững chắc để người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục tiến bước, chung sức, đồng lòng xây dựng xứ sởTrầm Hương ngày càng to đẹp, đàng hoàng hơn.  

 VŨ NGUYÊN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top