Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Ngăn chặn mê tín dị đoan và vấn nạn cuồng tín (Bài cuối): Các Bộ, ngành cần thống nhất từ nhận thức đến hành động

Thứ Tư 22/03/2023 | 09:38 GMT+7

VHO-  Trao đổi với Văn Hóa, đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, TS Trần Thị Minh Thu, Trưởng phòng Tín ngưỡng và Các Tôn giáo khác (ảnh) khẳng định, trước thực trạng vấn nạn mê tín dị đoan đang ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải thích ứng nhanh để có các giải pháp quản lý phù hợp.

TS Trần Thị Minh Thu

Đặc biệt, cần có sự đồng bộ từ nhận thức đến hành động, từ đó ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng mê tín dị đoan và vấn nạn cuồng tín trong đời sống xã hội.

Cần áp dụng hình thức xử phạt bổ sung

 Các hoạt động truyền bá mê tín dị đoan đang ngày càng phổ biến và tạo nên nhiều hệ luỵ tiêu cực. Xin bà cho biết quan điểm quản lý ở lĩnh vực nhạy cảm này?

- TS Trần Thị Minh Thu: Mê tín dị đoan dưới góc độ quản lý nhà nước được nhìn nhận là hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật. Các hành vi mê tín dị đoan thường biểu hiện dưới hình thức bói toán, xem tướng số, tử vi, gọi hồn, thỉnh vong, cúng sao giải hạn, chữa bệnh bằng thuật bùa chú, yểm bùa, các hình thức kiêng cữ không có căn cứ khoa học…

Mê tín dị đoan xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó hai yếu tố quan trọng là nhận thức và tâm lý. Trong cuộc sống mỗi con người đều luôn mong muốn được bình an, hạnh phúc, vì vậy họ rất sợ hãi khi phải đối diện với rủi ro, bất hạnh, khó khăn. Không vượt qua được tâm lý sợ hãi, con người dễ có hành vi mê tín dị đoan, thậm chí một số người có trình độ học vấn cao, có địa vị trong xã hội. Tôi cho rằng điều này một phần do phong tục tập quán xã hội xưa đã hằn sâu vào nhận thức của một số người. Hoạt động mê tín dị đoan thường “núp bóng” tín ngưỡng, tôn giáo, gây nên nhiều nguy hại. Thực trạng này đang ngày càng lan tràn. Nhiều thầy cúng, thầy bói xây dựng “điện thờ tư gia”, tụ tập đông người; nhiều tổ chức, cá nhân cầu cúng mang tính “buôn thần bán thánh”; việc dâng sao giải hạn bị thương mại hóa...

Thời gian gần đây còn xuất hiện một số hiện tượng tín ngưỡng du nhập từ nước ngoài như hiện tượng “Búp bê Kuman Thong”. Đây là một hình thức mê tín dị đoan, không phù hợp với văn hóa truyền thống, vi phạm pháp luật và làm tổn hại kinh tế, nảy sinh tâm lý hoang mang, trông chờ vào vận may, bùa phép... Các hiện tượng mê tín dị đoan trên không gian mạng cũng ngày càng phổ biến. Thực trạng này đòi hỏi công tác quản lý nhà nước phải có sự thích ứng kịp thời. Khi hoạt động mê tín dị đoan ngày càng biến đổi theo chiều hướng tinh vi, thích ứng nhanh với thời đại công nghệ số và sự phát triển của xã hội thì công tác quản lý nhà nước cũng phải kịp thời, phù hợp, từ việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đến điều chỉnh phạm vi, nội dung, phương thức quản lý,...

Trước một số vụ việc có tính chất truyền bá mê tín dị đoan xảy ra gần đây, dư luận cho rằng, cần có chế tài đủ sức răn đe hơn. Bà có ý kiến gì?

- Pháp luật đã quy định các hình thức xử phạt cụ thể nhưng đúng là có những mức phạt chưa đủ sức răn đe, nhiều người chấp nhận nộp phạt để rồi tái phạm. Để xử lý và đẩy lùi hiện tượng này thì biện pháp đầu tiên vẫn là thực hiện triệt để chế tài xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm các hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung. Song song còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Tôi cho rằng, liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, việc áp dụng các hình thức xử phạt chính đôi khi không có sức răn đe, không hiệu quả bằng hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng văn bản chấp thuận hoạt động, đình chỉ hoạt động có thời hạn,… hay khắc phục hậu quả như buộc xin lỗi công khai; buộc thu hồi, tiêu hủy, gỡ bỏ tài liệu, hình ảnh có liên quan,…

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả nhất định, việc phát hiện, ngăn chặn hoạt động mê tín dị đoan còn gặp một số khó khăn như nhận thức chưa rõ ràng, thống nhất; chế tài điều chỉnh trực tiếp hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật nói chung, hoạt động mê tín dị đoan nói riêng còn thiếu, chưa đủ sức răn đe. Công tác quản lý nhà nước liên quan đến tín ngưỡng còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy, ngại va chạm... Luật Di sản văn hóa đã có quy định cấm hoạt động mê tín dị đoan, ngoài ra có các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tín ngưỡng, trong đó có quy định xử phạt hành vi mê tín dị đoan. Bộ luật Hình sự cũng có những quy định về tội hành nghề mê tín, dị đoan; tội lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thế nhưng chế tài đã có trong khi đó việc tổ chức thực hiện vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra. Cái khó ở đây là chính quyền cơ sở cũng chưa nắm bắt kịp thời những biến tướng, có nơi xây dựng đền phủ gia đình rất lớn nhưng chính quyền địa phương dường như làm ngơ. Cùng với việc xử phạt vi phạm hành chính thì cần tiếp xúc, răn đe kết hợp cảm hóa, thuyết phục đối tượng hành nghề mê tín dị đoan; tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, vận động người dân hiểu rõ bản chất, tác hại của mê tín dị đoan và từ bỏ việc tin theo các hoạt động này.

 Cách đây my năm, hot động ca CLB Tình người đã được Ban Tôn giáo Chính ph kp thi vào cuc, làm rõ bn cht mê tín d đoan, li dng tín ngưỡng để vi phm pháp luật

Chưa có quy định về các hành vi được xem là mê tín dị đoan

Ranh giới giữa niềm tin tín ngưỡng và mê tín dị đoan khá mong manh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng ngày càng lan tràn các hiện tượng mê tín dị đoan, thậm chí là cuồng tín? Bà có suy nghĩ gì?

- Tín ngưỡng và mê tín dị đoan có những điểm tương đồng như cùng tin vào thế giới siêu nhiên, tin vào sự tồn tại của linh hồn và những điều liên quan đến đời sống tâm linh. Do vậy, cần phải tuyên truyền để người dân nhận diện rõ đâu là tín ngưỡng thuần túy, đâu là mê tín dị đoan. Mê tín dị đoan là niềm tin vào những điều ma mị dẫn con người đến chỗ mất lý trí, mê muội và có hành vi phản khoa học, phản văn hóa, xâm hại đến tài sản, sức khỏe, nhân phẩm… của bản thân và người khác, gây ra nhiều hệ lụy.

Trong khi tín ngưỡng có quy định cụ thể về điển tích, lễ nghi, có cộng đồng người tin theo, có người hướng dẫn thực hành tín ngưỡng và nơi thờ tự thì mê tín dị đoan lại dựa theo quan niệm, phán truyền của cá nhân hoặc nhóm người, không có quy định mang tính hệ thống. Nhà nước luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mỗi cá nhân, đồng thời các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đều kiên quyết bài trừ các hiện tượng, việc hành nghề mê tín dị đoan cũng như những biến tướng nặng nề dẫn đến vấn nạn cuồng tín, gây tác động tiêu cực trong xã hội.

Thực trạng hiện nay ngày càng phổ biến việc xem bói online, tuyên truyền mê tín dị đoan trên các nền tảng mạng. Theo bà, công tác phối hợp giữa các Ban, Bộ, ngành nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong vấn đề này cần được tăng cường ra sao?

- Công tác quản lý hiện nay cần phải có sự thích ứng nhanh. Tuy nhiên, thực tế là chúng ta đang gặp nhiều khó khăn do thể chế, quy định pháp luật chưa toàn diện. Quy định về các hành vi được xem là mê tín dị đoan chưa có. Pháp luật quy định về mê tín dị đoan cũng chỉ chung chung. Ngành Nội vụ mới được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng nên việc tiếp cận cũng như bố trí nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ này còn gặp khó khăn.

Trên 95% người dân hiện nay có tín ngưỡng và niềm tin tín ngưỡng là quyền tự do của mỗi người. Điều chỉnh hành vi thực hành tín ngưỡng như thế nào thì có những quy định của pháp luật, để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng thì cần có chế tài đủ sức răn đe và đội ngũ quản lý phải đủ lớn, đủ mạnh. Cùng với đó, cơ chế phối hợp cần nhịp nhàng, đồng bộ để có sự thống nhất trong ứng xử với các hiện tượng này. Mặt khác, cần tăng cường chia sẻ, cung cấp thông tin giúp các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan dù trong bất cứ không gian, nền tảng nào. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động với hình thức, nội dung, biện pháp, phạm vi phù hợp, nâng cao nhận thức của người dân về bản chất và tác động tiêu cực của hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật.

Cuối cùng, các Ban, Bộ, ngành và địa phương cần tăng cường quản lý, định hướng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là trên không gian mạng, không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo tuyên truyền mê tín dị đoan.

Nhận diện rõ hành vi mê tín dị đoan để xử lý, ngăn chặn

 Nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường các giải pháp đồng bộ để hạn chế việc trục lợi từ niềm tin tín ngưỡng, trở thành mê tín dị đoan. Bà có quan điểm như thế nào?

- Để có những giải pháp đồng bộ, trước hết, cần quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, cần nhận diện rõ hành vi mê tín dị đoan để xử lý, ngăn chặn, đẩy lùi.

Giải pháp tiếp theo là tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nhận diện đúng và đấu tranh với các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vi phạm pháp luật, bao gồm hoạt động mê tín dị đoan. Với các đối tượng hành nghề mê tín dị đoan, cùng với các chế tài xử phạt thì việc tuyên truyền, cảm hóa cũng là nhiệm vụ cấp thiết. Cũng cần quán triệt cán bộ, công chức, viên chức không cổ súy, không tham gia, không tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp giữa các Ban, Bộ, ngành, địa phương nhằm chia sẻ thông tin, nghiên cứu, đánh giá, nhận diện thực trạng mê tín dị đoan để đồng bộ từ nhận thức đến hành động khi xử lý hiện tượng này…

Ban Tôn giáo Chính phủ đã có giải pháp quản lý như thế nào và sẽ tiếp tục tăng cường ra sao trong thời gian tới với các hiện tượng mê tín dị đoan, thưa bà?

- Thời gian qua, Ban Tôn giáo Chính phủ đã triển khai hiệu quả Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Từ năm 2019, chúng tôi đã tổ chức các hội nghị cho những người chuyên hoạt động tín ngưỡng tôn giáo để đội ngũ này nhận thức được trách nhiệm trong quá trình thực hành tín ngưỡng. Công tác thanh, kiểm tra trong thực thi pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, kịp thời phát hiện các hoạt động mê tín dị đoan cũng thường xuyên được đẩy mạnh.

Những “điểm nóng” về lợi dụng tín ngưỡng hành nghề mê tín dị đoan khiến dư luận bức xúc, đơn cử như vụ việc Lương Gia Long, CLB Tình người,… đều đã được Ban Tôn giáo Chính phủ kịp thời vào cuộc xử lý, nêu rõ bản chất mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng để vi phạm pháp luật. Đồng thời, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng tham mưu cho Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trình Chính phủ. Nghị định khi được ban hành sẽ củng cố cơ sở pháp lý để xử lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật, trong đó có mê tín dị đoan.

Xin cảm ơn bà! 

 

  “Cái khó ở đây là chính quyền cơ sở cũng chưa nắm bắt kịp thời những biến tướng, có nơi xây dựng đền phủ gia đình rất lớn nhưng chính quyền địa phương dường như làm ngơ. Cùng với việc xử phạt vi phạm hành chính thì cần tiếp xúc, răn đe kết hợp cảm hóa, thuyết phục đối tượng hành nghề mê tín dị đoan; tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, vận động người dân hiểu rõ bản chất, tác hại của mê tín dị đoan và từ bỏ việc tin theo các hoạt động này”.

 THU TRANG - NGỌC NHIÊN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top