Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đối với các danh hiệu thi đua về văn hóa tại cơ sở

VHO-Bộ VHTTDL đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định về khung tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Thôn, tổ dân phố văn hóa, Xã, phường, thị trấn tiêu biểu.

Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đối với các danh hiệu thi đua về văn hóa tại cơ sở - Anh 1

Tờ trình về dự thảo Nghị định quy định về khung tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Thôn, tổ dân phố văn hóa, Xã, phường, thị trấn tiêu biểu của Bộ VHTTDL cho biết: Ngày 17.9.2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2018/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa ”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Qua đánh giá thực tiễn triển khai, Nghị định đã làm thay đổi về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về công tác xây dựng đời sống văn hóa trong gia đình và cộng đồng. Nghị định số 122/2018/NĐ-CP đã quy định rõ về khung pháp lý, thẩm quyền, vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan và UBND các cấp trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Từ đó, nhiều nội dung của phong trào đã đi vào nề nếp, chất lượng được nâng lên, góp phần thiết thực thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời, cũng tạo sự thuận lợi cho cán bộ cơ sở trong việc bình xét các danh hiệu văn hóa và hạn chế tối đa tính hình thức

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được thì sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định, công tác thi đua, khen thưởng đối với các danh hiệu thi đua về văn hóa tại cơ sở đã xuất hiện một số tồn tại, vướng mắc, gây khó khăn trong quá trình thực hiện cần có sự điều chỉnh pháp luật như:

Các quy định về thủ tục hành chính gây khó khăn cho các địa phương do không đủ thời gian cho công tác thẩm tra kết quả và khó triển khai thực hiện thủ tục hành chính “một cửa - một cửa liên thông”; thực tế cho thấy, việc áp dụng các thủ tục hành chính đưa lên dịch vụ công đối với số lượng hồ sơ nhiều (hàng trăm) cho cùng một lúc nhiều cá nhân, tập thể, đơn vị và thủ tục cần phải tổ chức phúc tra, thẩm định, họp xét công khai dân chủ, lấy ý kiến Nhân dân là không khả thi, khó để thực hiện theo thủ tục hành chính “một cửa - một cửa liên thông”.

Quy định về kinh phí đảm bảo cho công tác khen thưởng không rõ ràng, thiếu căn cứ pháp lý, chưa quy định cụ thể mức tiền thưởng mà quy định do địa phương quyết định căn cứ vào khả năng ngân sách và các nguồn lực xã hội hoá, dẫn đến gây rất nhiều khó khăn cho địa phương.

Trong quy trình đánh giá, bình xét danh hiệu khu dân cư văn hóa không có nội dung đi thẩm định thực tế tại cơ sở, đồng thời không tổ chức họp xét của Ban Chỉ đạo phong trào cấp huyện, do vậy không đảm bảo căn cứ trong việc trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định tặng danh hiệu và giấy công nhận khu dân cư văn hóa. Mặt khác quy trình đánh giá, bình xét danh hiệu khu dân cư văn hóa phần lớn thuộc trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phong trào cấp xã, dễ dẫn đến hiện tượng chạy theo thành tích, chất lượng xây dựng phong trào sẽ không cao.

Việc bình xét, chấm điểm khu dân cư văn hóa vẫn còn một số điểm chưa được làm rõ về nội hàm câu chữ gây khó khăn trong việc xác định các trường hợp. Chẳng hạn: “Có điểm, tụ điểm ma túy, mại dâm” nhưng chưa có hướng dẫn điểm, tụ điểm là gì?; “Tham gia tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội”; “Có khiếu kiện đông người và khiếu kiện vượt cấp trái pháp luật” bao nhiêu người trở lên thì được tính là đông người... Đối với thang điểm áp dụng bình xét gia đình văn hóa: tiêu chuẩn 2b “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, hòa thuận thủy chung”. Các khu dân cư gặp khó khăn trong việc chấm điểm các hộ đơn thân, hộ khuyết (khuyết vợ hoặc khuyết chồng)...Một số tiêu chí đánh giá danh hiệu khu dân cư văn hóa mang tính định tính, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, ví dụ: Tại Điều 12, khoản 1, điểm b, c, d: Mức bình quân chung về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhà kiên cố theo mức bình quân chung của tỉnh là quá cao so với các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà nên lấy mức bình quân chung của cấp huyện. 

Việc tặng Giấy khen các danh hiệu Gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa chỉ có cấp huyện, xã, Nghị định không quy định UBND tỉnh tặng Bằng khen nên ảnh hưởng rất lớn Phong trào.

Vì vậy, việc xây dựng Nghị định Quy định chi tiết về khung tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Thôn, tổ dân phố văn hóa, Xã, phường, thị trấn tiêu biểu không chỉ nhằm triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước cũng như đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật mà còn khắc phục những khó khăn, vướng mắc thực tế hiện nay, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và cải cách thủ tục hành chính.

Quá trình soạn thảo được tổ chức bài bản, nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật. Bộ VHTTDL cũng đã  kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”.

Dự thảo của Nghị định gồm 3 Chương với 13 điều, cụ thể: Chương I - Quy định chung gồm 5 điều (từ Điều 1 đến Điều 5); Chương II – Quy định cụ thể gồm 4 điều (từ Điều 6 đến Điều 9); Chương III - Tổ chức thực hiện gồm 4 điều (từ Điều 10 đến Điều 13).

 Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định, gồm có các quy định chung; các quy định cụ thể; hồ sơ, trình tự, thủ tục xét tặng; trách nhiệm quản lý nhà nước.

Theo đó, về các quy định chung: Căn cứ theo quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rà soát và xây dựng các quy định chung đối với 3 danh hiệu thi đua là danh hiệu Gia đình văn hóa; danh hiệu Thôn, Tổ dân phố văn hóa và tương đương; danh hiệu Xã, phường, thị trấn tiêu biểu, cụ thể như sau:

Thời gian bình xét trước ngày 18.11 hằng năm (trường hợp đặc biệt thời gian bình xét phải thực hiện trước ngày 30.1của năm tiếp theo). 

Về thẩm quyền xét tặng danh hiệu: thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 79 và khoản 2, khoản 3 Điều 80 Luật thi đua, khen thưởng năm 2022.

Không quy định về thang điểm, cách chấm điểm đối với danh hiệu Gia đình văn hóa và Khu dân cư văn hóa; giao UBND cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn; hướng dẫn tổ chức, thực hiện việc đánh giá đối với các danh hiệu thi đua tại địa phương.

Về các quy định cụ thể: Khung tiêu chuẩn xét tặng các Danh hiệu được xây dựng trên cơ sở các quy định tại Điều 29, Điều 30, Điều 31 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và kế thừa các quy định về tiêu chí danh hiệu còn phù hợp với thực tế tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ. 

Hiện nay, Luật Thi đua, khen thưởng chỉ giao Chính phủ quy định khung tiêu chuẩn các danh hiệu nên nội dung các quy định khung được xây dựng cụ thể các tiêu chí rõ ràng để lựa chọn, đánh giá thực chất và chính xác các tổ chức, cá nhân cũng như thể hiện sự quy chuẩn của nhà nước để cấp có thẩm quyền kiểm tra, giám sát quy trình xét tặng. Luật Thi đua, khen thưởng vừa bổ sung Danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu vào các danh hiệu về văn hóa. Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực tiễn cũng như ý kiến của các địa phương, Bộ VHTTDL đã bổ sung khung tiêu chuẩn đối với danh hiệu mới này.

Ngoài ra, Khung tiêu chuẩn cũng được Ban soạn thảo nghiên cứu,  xây dựng rõ ràng, cụ thể, khả thi giúp UBND cấp tỉnh có thể quy định chi tiết các tiêu chuẩn phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương và đáp ứng được yêu cầu khuyến khích, động viên cá nhân, tập thể, hộ gia đình hăng hái thi đua; ghi nhận công lao, thành tích của cá nhân, tập thể, hộ gia đình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về hồ sơ, trình tự, thủ tục xét tặng: Thực hiện quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 cũng như kế thừa nội dung tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ, các nội dung về hồ sơ, trình tự, thủ tục xét tặng tại dự thảo đã tuân thủ các quy định tại Mục 2, Chương IV Thẩm quyền quyết định, trao tặng; thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của Luật.

Theo đó, dự thảo Nghị định cũng cắt giảm một số biểu, mẫu so với tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xét tặng các danh hiệu tại các địa phương. 

Về quy trình xét tặng các danh hiệu: Quy trình xét tặng cho các danh hiệu rõ ràng, thống nhất, cụ thể trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân tham gia. Đặc biệt, dự thảo đã bổ sung trách nhiệm của Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp trong việc bình xét các danh hiệu.

Các quy định góp phần tăng cường công tác kiểm soát thủ tục hành chính, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử và kiểm soát thủ tục hành chính trong giai đoạn hiện nay.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước: Các quy định tại dự thảo đã cụ thể hóa việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp, các ngành với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm quản lý nhà nước về khen thưởng các danh hiệu thi đua về văn hóa được thống nhất, thông suốt.

Xin xem toàn văn Dự thảo Nghị định: [EasyDNNnewsDocument|214]

TÙNG QUANG

Ý kiến bạn đọc