Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm

Thứ Sáu 07/04/2023 | 10:43 GMT+7

VHO- Xác định phát triển du lịch dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn, TP Huế (Thừa Thiên Huế) đang đẩy mạnh hoạt động kinh tế ban đêm. Cùng với việc chỉnh trang, nâng cấp các phố đi bộ, chính quyền địa phương và các ngành cũng xây dựng các giải pháp, kế hoạch để khai thác hiệu quả dịch vụ du lịch ban đêm, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế ban đêm cho Huế.

 Đông đảo du khách đến phố đi bộ Hai Bà Trưng (Huế) Ảnh: HOÀNG LÊ

Theo thống kê của ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 3 tháng đầu năm 2023, địa phương này đón hơn 633.000 lượt khách. Trong đó, khách lưu trú đạt hơn 379.000 lượt, chiếm gần 60%, tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 1.400 tỉ đồng. Mặc dù số lượng khách đến Huế tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2023, nhưng lượng khách lưu trú vẫn còn thấp. Chính quyền địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh dịch vụ du lịch ban đêm nhằm “níu chân” du khách và tạo nguồn thu, phát triển kinh tế xã hội.

Cuối tháng 3, TP Huế đã khai trương và đưa vào hoạt động phố đi bộ Hai Bà Trưng (đường Hai Bà Trưng, phường Vĩnh Ninh). Đây là phố đi bộ thứ ba tại khu vực trung tâm thành phố, sau phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu (du khách hay gọi là “phố Tây”) và phố đi bộ Hoàng thành Huế. TP Huế đã đầu tư cơ sở hạ tầng chỉnh trang, xây dụng các tuyến phố đạt chuẩn để phát triển phố đi bộ nhằm phục vụ du khách và cộng đồng nhân dân địa phương, tạo động lực cho phát triển kinh tế ban đêm. Trong những ngày cuối tuần, các phố đi bộ nườm nượp đón khách đến trải nghiệm các dịch vụ văn hóa, ẩm thực, vui chơi giải trí.

Phố đi bộ Hai Bà Trưng được đầu tư 97 tỉ đồng để chỉnh trang, lát đá từ lòng đường đến vỉa hè, trồng cây xanh cảnh quan, ngầm hóa hệ thống điện, khu vực hồ phun nước… tạo một diện mạo mới, văn minh và hiện đại cho cả tuyến phố dài hơn 850m. Chỉ sau gần 2 tuần đưa vào hoạt động, khu phố này trở thành điểm đến của nhiều người dân và du khách.

Nếu như “phố Tây” tập trung chủ yếu các dịch vụ ẩm thực, vui chơi của giới trẻ, phố đêm Hoàng thành Huế với việc phát triển các sản phẩm từ văn hóa truyền thống thì phố đêm Hai Bà Trưng được tổ chức có sự khác biệt với những chương trình nghệ thuật đường phố sôi động và các dịch vụ phù hợp với mọi lứa tuổi của khách du lịch. Điểm nhấn của không gian phố đêm này là 2 cụm điểm check-in nghệ thuật 3D mapping tại tòa nhà VNPT và trung tâm chiếu phim Cinestar, kết hợp với các điểm trưng bày mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ẩm thực, đặc sản 3 miền bằng các xe lưu động. Dọc tuyến phố, nhiều cơ sở dịch vụ kinh doanh của cộng đồng dân cư cũng được chỉnh trang và thu hút đông đảo du khách.

“Với không gian mở, phố đi bộ này kỳ vọng sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh giá trị văn hóa, ẩm thực Huế nhằm phục vụ khách du lịch và cộng đồng; thúc đẩy du lịch, dịch vụ, thương mại phát triển, bổ sung thêm sản phẩm phục vụ du lịch trên địa bàn TP Huế. Qua đó, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô, tạo ra nguồn lợi kinh tế cho cộng đồng dân cư và giải quyết việc làm cho người lao động. Đó cũng chính là một trong những chương trình nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung”, ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP Huế nhấn mạnh.

Theo nhiều đơn vị lữ hành, việc xây dựng sản phẩm du lịch ban đêm tại TP Huế phải chú trọng đến chất lượng và phù hợp với xu hướng, nhu cầu của du khách. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật hay sự kiện lễ hội phải có kế hoạch bài bản, được thông tin và quảng bá từ sớm để các đơn vị dễ dàng kết nối tour. Trước mắt, các tuyến phố đi bộ đáp ứng nhu cầu vui chơi, thưởng thức các dịch vụ ẩm thực, mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ... tạo không khí vui nhộn, sôi động cho hoạt động du lịch. Song về lâu dài, cần tính đến việc phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa du lịch về đêm tại Huế.

Theo ông Phạm Bá Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, các đơn vị của Hiệp hội kiến nghị UBND tỉnh cần quan tâm hơn định hướng quy hoạch phát triển các sản phẩm du lịch dịch vụ, nhất là các sản phẩm du lịch dịch vụ về đêm, xem đây như là một ngành kinh tế đêm của TP Huế. Trong đó, hình thành phố đi bộ, phố mua sắm, khu vui chơi giải trí, khu ẩm thực đêm... vừa tăng nguồn thu và vừa có nơi cho khách trải nghiệm, tiêu tiền, vừa kéo dài ngày lưu trú của du khách.

Nhiều doanh nghiệp du lịch tại Huế cũng cho rằng, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng cần bổ sung thêm các dịch vụ phong phú hơn tại khu di sản Huế. Đặc biệt, xem xét việc mở lại chương trình Đại Nội về đêm để hấp dẫn du khách.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, trung tâm đang xây dựng kế hoạch để mở cửa lại Đại Nội về đêm, đặc biệt chú trọng các chương trình, hoạt động trên nền tảng văn hóa, phù hợp với không gian di sản. Phương án này cần được tính toán kỹ lưỡng từ việc xây dựng chương trình đến kết nối với các đơn vị lữ hành. Khai thác Đại Nội về đêm không chỉ phải đảm bảo công tác bảo vệ di sản mà còn phải tạo được nguồn thu cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ ban đêm. Nhiều năm trước đó đơn vị cũng từng khai thác, mở cửa Đại Nội ban đêm nhưng không được như kỳ vọng. 

 THÙY AN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top