Lan tỏa văn hóa đọc trên đất Huế

VHO- Những hoạt động của Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 diễn ra ở Huế đã góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng người dân Cố đô, đặc biệt là lớp người trẻ. Phong trào đọc sách cần được lan tỏa sâu rộng hơn nữa để nâng cao tri thức, kỹ năng, ứng xử văn hóa… nhằm xây dựng một xã hội văn minh và phát triển.

Lan tỏa văn hóa đọc trên đất Huế - Anh 1

 Nhiều bạn trẻ tìm đọc và mua sách tại Hội sách chào mừng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 ở Huế

Chiều qua 25.4, Hội sách và các hoạt động của chương trình Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 diễn ra tại TP Huế đã khép lại, nhưng dư âm của sự kiện đã mang đến nhiều kết quả và tín hiệu tích cực trong cộng đồng.

Theo BTC, đã có hơn 10.000 lượt người đến xem, đọc và mua sách tại Hội sách được tổ chức ở khuôn viên di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn (trụ sở Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế).

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT&TT) chia sẻ: Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 đã được triển khai thành công, cùng với chuỗi hoạt động tại Huế thì nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cũng tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi. Ngày này đã được luật hóa trong Luật Thư viện và triển khai hiệu quả trong 2 năm qua. Chuỗi hoạt động của Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 chỉ là sự kiện trọng tâm, còn việc đọc sách và kết nối bạn đọc đến với sách, phát triển văn hóa đọc là chuỗi thời gian dài và hành trình bền bỉ. “BTC cũng dành một không gian đậm chất văn hóa để trưng bày nhiều đầu sách quý, sách hay viết về Huế. Để ai đến với Hội sách cũng đều thấy rằng các giá trị văn hóa của Huế được sưu tầm, biên soạn và lưu giữ thành công. Từ đó, góp phần lan tỏa văn hóa Huế nói riêng và các di sản văn hóa của dân tộc, tri thức của đất nước và thế giới qua những xuất bản phẩm”, ông Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Đại diện BTC cho biết, thông qua các hoạt động và Hội sách lần này sẽ truyền đi những thông điệp: Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo Sách cho bạn, cho tôi. Đồng thời, mong muốn rằng các gia đình, trường học, công sở và đặc biệt là mỗi cá nhân đều sẽ chọn được những cuốn sách phù hợp, lan tỏa nét đẹp văn hóa người Việt.

Em Trần Bảo Châu, học sinh lớp 11 Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế) đã đến Hội sách để tham gia các hoạt động và tìm kiếm, lựa chọn cho mình những cuốn sách phù hợp. Theo Châu, hiện nay ngoài những sách bổ sung kiến thức cho việc học tại trường, thì em và nhiều học sinh khác cũng thường tìm đọc những cuốn sách về kỹ năng, về lịch sử, văn hóa và những tác phẩm phù hợp với lứa tuổi học trò… Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức tại Huế là cơ hội để học sinh chúng em tiếp cận được với nguồn sách đa dạng, phong phú và chọn cho mình những đề tài phù hợp. Đặc biệt, chương trình giới thiệu về xuất bản phẩm điện tử, giúp chúng em có thể dễ dàng tìm kiếm và tiếp cận được những cuốn sách mà mình tìm không thấy ở thư viện hay các nhà sách trên địa bàn.

Có mặt tại Hội sách và lựa chọn những ấn phẩm hay cho mình, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chia sẻ với Văn Hóa: Sách thực sự là người thầy, người bạn. Những ngày qua, các hoạt động của Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 rất có ý nghĩa với cộng đồng; nhiều bạn đọc, nhất là giới trẻ có điều kiện tiếp cận những nguồn sách quý, đa dạng, và cũng là cơ hội để các nhà xuất bản giới thiệu những đầu sách mà họ đã dày công sưu tầm, biên soạn. Sự kiện càng có ý nghĩa với người Huế nói chung và giới trẻ nói riêng khi được tìm hiểu sâu hơn văn hóa cội nguồn, cách ứng xử, tu dưỡng đạo đức, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của mỗi người để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn.

“Trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã có chủ trương thành lập Tủ sách Huế, với mục tiêu lưu giữ và phát triển những đầu sách có giá trị và thương hiệu cho Huế. Những đầu sách này sẽ lan tỏa đến đông đảo bạn đọc, làm tài liệu nghiên cứu, học tập và đặc biệt là giúp cho các bạn trẻ có điều kiện phát huy tinh thần đọc sách, giới thiệu sách hay đến cộng đồng. Hiện nay, số lượng sách đưa vào Tủ sách Huế chưa nhiều, nên thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung sưu tầm, lựa chọn đầu sách hay đáp ứng theo các tiêu chí nhất định để tuyển chọn cho Tủ sách Huế. Chúng tôi mong rằng, những đầu sách có giá trị viết về Huế sẽ được lan tỏa đến cộng đồng bạn đọc rộng lớn hơn nữa”, ông Phan Ngọc Thọ nói.

Nhân Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức tại Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có buổi làm việc với Cục Xuất bản, in và phát hành, Hội Xuất bản Việt Nam, cùng các doanh nghiệp, nhà xuất bản trong nước về hợp tác phát triển về Tủ sách Huế. Quỹ Phát triển Tủ sách Huế đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các nhà xuất bản: Phụ Nữ, Thái Hà, Trẻ, Thuận Hóa và Công ty CP Sách Omega Việt Nam nhằm phối hợp xuất bản, phát hành các ấn phẩm cho tủ sách cũng như các xuất bản phẩm liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời tổ chức các hoạt động, sự kiện trong lĩnh vực văn hóa đọc và xuất bản; đẩy mạnh truyền thông, giới thiệu sách, quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Huế… 

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc