Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh: Đắp bồi niềm tự hào di sản

Thứ Sáu 28/04/2023 | 09:32 GMT+7

VHO- Lần đầu tiên trên miền đất Tổ, đúng vào dịp Lễ hội đền Hùng - Tuần Văn hóa du lịch đất Tổ 2023, trong không gian đậm đặc các giá trị văn hóa, tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương, Hát xoan, Ca trù, Quan họ, Ví giặm, Bài chòi, Cồng chiêng Tây Nguyên, nghệ thuật làm gốm Chăm… đã cùng “kể” những câu chuyện của riêng mình tại Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.

 Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương trao Bằng khen của Bộ VHTTDL cho đại diện đoàn nghệ thuật đến từ 13 tỉnh, thành phố có di sản

 Sau ba ngày trình diễn, Liên hoan đã chính thức bế mạc, khép lại ngày hội chung của các di sản từ khắp các vùng miền tụ hội.

Ngày hội của những “báu vật nhân văn sống”

Phát biểu tại Lễ bế mạc, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho biết, Liên hoan trình diễn các Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức, là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ, nhằm tôn vinh và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng trình diễn, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Liên hoan diễn ra từ ngày 21- 24.4, với sự tham gia trình diễn của gần 1.000 nghệ nhân đến từ 13 tỉnh, thành phố, chủ thể của 15 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh: Hà Nội (Ca trù, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc); Bắc Ninh (Dân ca Quan họ); Tuyên Quang (Thực hành Then Tày, Nùng, Thái); Yên Bái (Nghệ thuật Xòe Thái); Vĩnh Phúc (Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt; Nghi lễ và trò chơi Kéo co); Phú Thọ (Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ); Nghệ An (Dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh); Hà Tĩnh (Ca trù, Dân ca Ví giặm); Thừa Thiên Huế (Nhã nhạc cung đình Huế); Quảng Nam (Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ); Bà Rịa - Vũng Tàu (Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ); Ninh Thuận (Nghệ thuật làm gốm của người Chăm); Đắk Lắk (Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên).

Điểm lại những dấu ấn ở kỳ Liên hoan lần đầu tiên của các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, ông Nguyễn Quốc Huy chia sẻ, chúng ta đã được đến với nghệ thuật Ca trù và thưởng thức sự kết hợp hài hòa giữa giọng ca của đào nương, sự nhịp nhàng của tiếng phách, sự hoà tấu giữa tiếng đàn uyển chuyển và tiếng trống tài hoa, tinh tế tạo nên những âm hưởng vừa thiết tha vừa sang trọng, mang đầy tính nghệ thuật. Đến với dân ca Quan họ, chúng ta được đắm mình trong những khúc hát giao duyên của những liền anh, liền chị, cùng nhau đối đáp những câu ca mộc mạc, đằm thắm, thể hiện nét văn hóa tinh tế của vùng đất và con người Bắc Ninh. Cùng với đó, chúng ta được thưởng thức dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh với những điệu ca da diết, sâu lắng đi vào lòng người; Nhã nhạc cung đình Huế được các nghệ nhân tái hiện mang đậm chất nghi lễ cung đình; nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ với những màn trình diễn sinh động, có sự tương tác trực tiếp giữa nghệ nhân trình diễn và người xem… Đến với Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, các nghệ nhân đã tạo nên những âm thanh trầm bổng, vang vọng của núi rừng đại ngàn hùng vĩ. Chúng ta cũng cùng nhau chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm tinh xảo được chế tác trực tiếp từ đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân trong không gian trình diễn di sản. Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ cũng đã được các nghệ nhân “thết đãi” người xem qua thanh âm của những tiếng đờn, tiếng ca mang đậm nét sinh hoạt văn hóa của cộng đồng cư dân Nam Bộ.

Nhân dịp này, BTC đã khen thưởng đơn vị đăng cai tổ chức và các đoàn nghệ nhân. Trong đó, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ được nhận Bằng khen của Bộ VHTTDL với nhiều thành tích trong phối hợp, tổ chức Liên hoan; 13 đoàn nghệ thuật được nhận Bằng khen và Cúp lưu niệm; 16 đoàn nghệ nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Phú Thọ.

Tại Lễ bế mạc, khán giả Phú Thọ và du khách một lần nữa được thưởng thức các tiết mục đặc sắc của nhiều loại hình di sản như: Ca trù, trình diễn trích đoạn Hội Gióng ở đền Phù Đổng, đền Sóc (đoàn nghệ nhân TP Hà Nội); thực hành Then, Tày, Nùng, Thái (đoàn nghệ nhân Tuyên Quang); trình diễn Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (đoàn nghệ nhân Ninh Thuận); Dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh (đoàn nghệ nhân Nghệ An); Nghệ thuật Bài chòi (đoàn nghệ nhân Quảng Nam); Cồng chiêng Tây Nguyên (Đoàn nghệ nhân Đắk Lắk); Nghệ thuật Xoè Thái (đoàn nghệ nhân Yên Bái). Đêm bế mạc kết thúc với màn xoè đại đoàn kết.

 Hát Xoan Phú Thọ

Tinh hoa từ những miền di sản

Với các nghệ nhân Hát xoan đến từ các phường Xoan cổ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Lễ hội đền Hùng năm nay mang một cảm xúc đặc biệt. NNƯT Bùi Thị Kiều Nga (Trưởng phường Xoan Thét, xã Kim Đức, TP Việt Trì) đã có hơn 30 năm gắn với di sản Hát xoan rạng rỡ kể: “Phường Xoan Thét có trên 80 người, thuộc 4-5 thế hệ, từ nghệ nhân 102 tuổi đến các cháu nhỏ 3-4 tuổi đã theo bà, theo mẹ đi hát. Lễ hội đền Hùng năm nay, lần đầu tiên Hát xoan và 14 di sản phi vật thể khác được UNESCO vinh danh cùng hội tụ. 100 nghệ nhân của 4 phường Xoan cổ và 200 học sinh ở Phú Thọ đã mang đến Liên hoan nhiều tiết mục đặc sắc như “Bỏ bộ”, “Mó cá”... Đây là những làn điệu thân quen nhưng có lẽ là lần đầu tiên được hoà quyện với những di sản khác. Vì vậy, chúng tôi đã rất hào hứng, cùng nhau tập luyện hăng say”.

Lần đầu tiên đưa di sản Ca trù đến không gian Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Lễ hội đền Hùng, nghệ nhân Phạm Thị Thanh Xuân (CLB Ca trù Lỗ Khê, Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, làng Lỗ Khê được coi là đất tổ của Ca trù. Người Lỗ Khê xưa nay luôn tự hào là một trong những trung tâm Ca trù lớn nhất của cả nước. “Với chúng tôi, Ca trù như một phần đời sống, và bởi vậy, mỗi nghệ nhân đều cảm thấy tự hào và may mắn khi có cơ hội đưa di sản của mình đến với công chúng, trong ngày hội hướng về cội nguồn trên vùng đất Tổ. Chúng tôi mang đến Liên hoan các bài ca cổ cùng thông điệp về sự trao truyền của nghệ thuật Ca trù trong đời sống đương đại…”, nghệ nhân Phạm Thị Thanh Xuân chia sẻ.

Không gian thực hành và giới thiệu Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, di sản vừa được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp tại Lễ hội đền Hùng năm nay luôn thu hút đông du khách. Nghệ nhân gốm Đàng Thị Hoa cười vui nói, di sản gốm Chăm nhiều năm qua đã tạo nên sức hấp dẫn lớn đối với du lịch địa phương. Với những giá trị đặc sắc, nhiều gia đình đã xây dựng được điểm đến du lịch để du khách trải nghiệm và mua sắm. Điểm khác biệt của gốm Chăm là làm hoàn toàn thủ công. Gốm được nung lộ thiên cùng với kỹ thuật phun màu đặc sắc, thể hiện rõ nét văn hóa Chăm cổ xưa. “Chúng tôi tự hào vì nghề gia truyền được bảo tồn qua nhiều thế hệ, đến nay các nghệ nhân gốm Chăm vẫn đang nỗ lực truyền nghề cho con cháu”, nghệ nhân Đàng Thị Hoa tâm sự. 

Sáng mai, Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ dâng hương sẽ được tiến hành trang trọng vào 7h sáng mai 29.4 (mùng 10.3 năm Quý Mão), với các nghi lễ truyền thống: Dâng hương, hoa và lễ vật tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên; dâng hoa, thắp hương tại Lăng Hùng Vương; dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong” Ngã 5 Đền Giếng.

Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng do tỉnh Phú Thọ cử hành trọng thể sẽ có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đoàn dâng hương sẽ khởi hành từ sân Trung tâm lễ hội lên đền Thượng. Cùng với đó, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại các di tích thờ Hùng Vương, danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn các huyện, thành, thị cũng được thực hiện theo nghi thức truyền thống cùng thời gian với Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng vào sáng mùng 10.3 âm lịch.

UBND tỉnh Phú Thọ cũng ra thông báo, TP Việt Trì sẽ tổ chức bắn pháo hoa nổ tầm thấp và tầm cao nhân dịp Giỗ Tổ năm nay. Thời gian bắt đầu từ 21h ngày 28.4 (tức ngày mùng 9.3 âm lịch). Cầu đi bộ ở Hồ Công viên Văn Lang - Trung tâm TP Việt Trì sẽ là nơi diễn ra màn bắn pháo hoa đêm trước Quốc giỗ mùng 10.3 âm lịch. Màn bắn pháo hoa diễn ra trong 15 phút. Kinh phí thực hiện bằng nguồn xã hội hóa. Hoạt động này thường được tổ chức hằng năm, thu hút hàng chục vạn người dân và du khách thập phương hành hương. HÀ PHƯƠNG

HÀ PHƯƠNG; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top