Nhiều quá hóa... thô

vho- Nhiều năm trở lại đây, các đơn vị sản xuất gameshow thường chọn cách trả quyền lợi cho nhà tài trợ bằng việc đưa hình ảnh sản phẩm của nhãn hàng vào nội dung chính của chương trình. Tuy nhiên, việc lồng ghép không khéo cũng như tần suất xuất hiện quá nhiều đang khiến khán giả không mấy hài lòng, không hiểu mình đang xem gameshow hay... chương trình quảng cáo.

Nhiều quá hóa... thô - Anh 1

 Cảnh khách mời Trang Hý mang mì tôm khi tham gia Sao nhập ngũ 

 Trong thời buổi kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc nhà sản xuất phải “nương” vào các đơn vị tài trợ để sản xuất gameshow được cho là tất yếu. Nhà tài trợ đồng ý xuống tiền cũng đồng nghĩa với việc sẽ đưa ra những yêu cầu về chi trả quyền lợi, bằng cách cho xuất hiện hình ảnh sản phẩm, logo của họ trong chương trình. Thực tế, khán giả không phản đối cách làm này. Điều người xem khó chịu ở đây là các chương trình lồng quảng cáo một cách khiên cưỡng, dày đặc, thậm chí không liên quan đến nội dung, gây phản cảm.

Gần đây nhất là Sao nhập ngũ, chương trình vấp phải phản ứng từ dư luận khi tìm đủ cách để đưa sản phẩm của nhãn hàng vào. Ở những mùa trước, Sao nhập ngũ là một trong những gameshow chiếm được nhiều cảm tình của khán giả khi là số ít chương trình đặc thù, khai thác chủ đề cuộc sống trong môi trường quân đội. Để tăng độ hot, ê kíp sản xuất luôn cố gắng mời những khách mời có tầm ảnh hưởng, sức hút nhất, nhì vào thời điểm ghi hình. Cũng nhờ yếu tố đó, chương trình phát được tới 12 mùa, nhưng sang đến mùa thứ 13 thì mất điểm vì lồng ghép quảng cáo quá lộ liễu.

Trong phần kiểm tra tư trang của các tân binh nhập ngũ, mọi năm, những vật dụng chiến sĩ mới mang vào môi trường quân đội nếu có gắn logo của nhãn hàng không thuộc đơn vị tài trợ đều sẽ bị ê kíp che đi. Chương trình cũng không đặt nặng vấn đề hút tài trợ. Thế nhưng, bất ngờ ở mùa mới, trong tư trang của một số tân binh xuất hiện sản phẩm mì gói thuộc một nhãn hàng tài trợ. Chưa kể, khách mời mang theo sản phẩm này còn nói rất rõ về công dụng của sản phẩm khi được hỏi vì sao lại mang mì gói đi nhập ngũ. Chưa dừng lại ở đó, nhà sản xuất còn “chơi lớn”, đưa hẳn bốt bán hàng của nhãn hàng vào căng tin của đơn vị khiến khán giả “ngã ngửa” vì không hiểu liên quan gì đến nội dung.

Tương tự, 2 ngày 1 đêm cũng là gameshow bị khán giả phản ứng vì chèn quảng cáo không khéo léo. Từ bia đến mì gói... đều được đưa vào các thử thách, khi người chơi tạm nghỉ giải lao hoặc có ai đó giành chiến thắng. Cách làm này cũng được ê kíp của Running Man Vietnam áp dụng. Đáng chú ý với sản phẩm bia có độ cồn dưới 5,5 độ, trong Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, Điều 12 quy định rõ: Báo nói, báo hình không thực hiện quảng cáo trước, trong và ngay sau chương trình dành cho trẻ em; trong thời gian từ 18h - 21h hằng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ. Luật cũng quy định những sản phẩm này không được chứa thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích uống rượu, bia; thông tin rượu, bia có tác dụng tạo sự trưởng thành, thành đạt, thân thiện, hấp dẫn về giới tính; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai...

Những chương trình này sau khi được phát sóng trên truyền hình sẽ được đăng tải lại trên YouTube, cũng không giới hạn độ tuổi xem. Trong đó, rất nhiều nghệ sĩ tham gia chương trình có lượng fan nhí hùng hậu. Trước những quảng cáo về bia liên tục được lồng ghép vào gameshow, nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại con em mình sẽ lén mua về uống để có được những khoảnh khắc giống với thần tượng trên sóng truyền hình; ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.

Khán giả vốn rất thông cảm với việc nhà sản xuất phải gồng gánh nghĩa vụ trả quyền lợi cho nhà tài trợ; thế nhưng mặt khác, khán giả cũng yêu cầu nhà sản xuất nên chọn lựa mặt hàng, thương hiệu tài trợ phù hợp với mọi đối tượng xem đài, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa làm tốt khâu dán nhãn độ tuổi với các chương trình truyền hình. Bên cạnh đó, nhà đài cũng cần “rắn tay” hơn khi thực hiện kiểm duyệt các chương trình có lồng quảng cáo về đồ uống có cồn. Song song với đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng phong phú của khán giả, gameshow vẫn phải có những định hướng tích cực về phát triển nhận thức, hành vi con người. 

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc