Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành thư viện: Không tăng tốc sẽ tụt hậu

Thứ Sáu 05/05/2023 | 10:04 GMT+7

VHO-  Tại Hội thảo Đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành thư viện ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp do Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) tổ chức mới đây, nhiều người làm công tác thư viện cho rằng nhiều thư viện ở Việt Nam hiện nay đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của ngành. Do đó, cần sớm có phương án đào tạo lại nguồn nhân lực; nâng cao năng lực phục vụ bạn đọc của thư viện.

 Người cán bộ thư viện đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện Ảnh: THƯ VIỆN QUẢNG NINH

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Quyền Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam cho biết, một trong những nguyên nhân quan trọng cản trở quá trình chuyển đổi số trong hoạt động thư viện hiện nay là thiếu hụt nguồn nhân lực được trang bị kiến thức về công nghệ thông tin (CNTT).

“Hệ thống thư viện công cộng có rất ít nhân lực CNTT có trình độ cao, chủ yếu đang ở trình độ cử nhân. Nguồn nhân lực làm công tác CNTT trong hệ thống thư viện chuyên ngành cũng ít người có trình độ chuyên môn cao, trung bình mỗi thư viện chỉ có từ 1-2 người. Duy chỉ có khối thư viện đại học là khả quan hơn khi có tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ tương đối cao với tiến sĩ (4%), thạc sĩ (45%). Tương quan nguồn nhân lực CNTT trong các thư viện cũng phần nào phản ánh mức độ phát triển của các thư viện ở nước ta hiện nay”, ông Nguyễn Xuân Dũng nêu.

TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết, không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng nhân lực của ngành thư viện trong đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số cũng đang bộc lộ nhiều yếu kém. Nhìn vào kết quả khảo sát do Vụ Thư viện cung cấp, trong đợt khảo sát tháng 1 năm 2022, với 32 mẫu khảo sát đối với các nhóm thư viện bao gồm thư viện công cộng (cấp tỉnh, cấp huyện), thư viện đại học, thư viện trường học, TS Vũ Dương Thúy Ngà nhận định: “Có thể nhận thấy một số tiêu chí còn đang ở mức yếu như năng lực ngoại ngữ phục vụ hợp tác quốc tế về chuyên môn, nghiệp vụ thư viện (32% ở mức yếu, 17% ở mức rất yếu). Năng lực quản trị quá trình chuyển đổi số ngành thư viện thậm chí có tới 24% người tham gia trả lời được đánh giá ở mức yếu. Mức độ am hiểu pháp luật về sở hữu trí tuệ trong hoạt động chuyển đổi số thư viện còn ở mức trung bình. Nhìn chung qua phân tích, khảo sát có thể nhận diện năng lực của nhân lực thư viện hiện nay cơ bản chỉ đáp ứng một phần yêu cầu chuyển đổi số của ngành”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho biết mặc dù đội ngũ làm công tác thư viện ở nước ta đa số được đào tạo bài bản nhưng riêng về trình độ CNTT chỉ được đánh giá ở mức trung bình; chưa có nhiều người làm công tác thư viện vừa tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, vừa giỏi ứng dụng CNTT. Khi tiến hành chuyển đổi số, nhiều người làm công tác thư viện kể cả cán bộ quản lý, lãnh đạo tư duy có khi chưa theo kịp xu thế thời đại. Một số cán bộ ngại học hỏi, ngại tiếp cận tri thức mới, công nghệ mới. Đặc biệt, một trong những vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số là phải thành thạo ngoại ngữ để dễ dàng tiếp cận với những công nghệ hiện đại thì hiện nay, không ít cán bộ thư viện ở Việt Nam không biết ngoại ngữ thông dụng. Khả năng giao tiếp ngoại ngữ rất yếu.

Nhằm chuẩn hóa nguồn nhân lực thư viện nói chung và trong vấn đề đào tạo lại nguồn nhân lực thư viện nói riêng, bà Đoàn Quỳnh Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện đề xuất hệ thống thể chế chính sách về phát triển nguồn nhân lực, trong đó có công tác đào tạo nguồn nhân lực thư viện cần được hoàn thiện theo hướng tập trung hình thành chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số thư viện. Khâu phân tầng các cơ sở đào tạo, hình thức đào tạo, phát triển nội dung chương trình đào tạo lại nguồn nhân lực cần tập trung hơn vào cập nhật kiến thức, kỹ năng để người làm công tác thư viện có thể tác nghiệp thành thạo trên môi trường số; ngày càng am hiểu các vấn đề về pháp lý, đặc biệt là vấn đề bản quyền tác giả trên môi trường số.

TS Phạm Quang Quyền, Học viện Hành chính quốc gia cho rằng sau khi lựa chọn được những nội dung cần thiết để bổ sung kiến thức cho học viên trong quá trình đào tạo lại, việc cần làm tiếp theo là thiết kế hoạt động nhằm tăng cường tính thực hành. Việc này phải dựa trên nền tảng công nghệ. Theo TS Phạm Quang Quyền thông tin, một trong những ưu việt lớn nhất của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo là khả năng mô hình, mô phỏng hóa, trực quan hóa các tri thức. Từ đó, giúp người học tiếp cận nhanh chóng với kiến thức. “Nếu việc đào tạo lại nguồn nhân lực cho ngành thư viện không có sự kết hợp giữa lý thuyết, thực hành bằng các ứng dụng công nghệ thì học viên rất khó nắm bắt. Chất lượng nguồn nhân lực sau đó vẫn sẽ không đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của chuyển đổi số”, TS Phạm Quang Quyền nêu.

Không chỉ với nhân viên thư viện, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, TS Tạ Bá Hưng nêu rõ ở cấp quản lý, các cán bộ lãnh đạo cũng cần được đào tạo để nâng cao năng lực, có kỹ năng phát triển kế hoạch trung, dài hạn cho thư viện hiện đại; nắm được các kỹ năng truyền thông hiệu quả, kỹ năng tương tác xã hội, kỹ năng hợp tác để huy động được tất cả đối tác của thư viện tập trung phát triển, cung cấp và định hướng người dùng đến các dịch vụ thông minh của thư viện.

NAM ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top