Những “bông hồng thép” của Điệp báo an ninh Quảng Đà

VHO- Dù đã ngoài 80 tuổi, mái tóc bạc phơ, nhưng khi nhắc đến thời gian công tác trong Đội Nữ điệp báo (thuộc Ban An ninh của Đặc khu Quảng Đà), những nữ anh hùng lại rưng rưng ngược thời gian trở về quá khứ, khi đội quân tóc dài mảnh mai mà dũng cảm, can trường làm mưa làm gió trong lòng địch.

Những “bông hồng thép” của Điệp báo an ninh Quảng Đà - Anh 1
 

 Những nữ điệp báo an ninh Quảng Đà năm xưa gặp nhau ôn lại chuyện cũ

Nữ Anh hùng LLVTND Ngô Thị Huệ khẳng định, bà và những người em thân thiết trong đội Điệp báo an ninh đã sống những ngày gian khổ nhưng rất đỗi tự hào. Nhớ về những lần bị địch bắt và tra tấn dã man, ánh mắt nữ anh hùng vẫn ánh lên sự kiên trung, gan góc: “Có lần bị bắt, tôi một mực khai là không biết chữ, đi ở đợ, mua hàng về Đà Nẵng cho bà chủ bán, thấy người ta xúm đông tôi chạy tới xem chứ không biết chi hết. Chúng tra tấn tôi, có những lúc tưởng như không chịu đựng nổi, nhưng nhớ lại lời cha và anh dặn là đi theo cách mạng phải biết hy sinh, biết chịu đựng gian khổ, tôi lại nghiến răng chịu đau”.

Không kể hết được những hình thức tra tấn tàn bạo về thể xác, tinh thần mà những nữ điệp báo phải trải qua. Đánh đập nhưng không moi được tin tức gì, địch dùng vật chất để mua chuộc nhưng vẫn không làm nữ điệp báo nao núng, xiêu lòng. Chưa lần nào địch khai thác được thông tin chính xác từ bà. Kế sách của bà Ngô Thị Huệ không phải là im lặng, cũng khai nhưng khai không đúng sự thật, khai sai mà địch vẫn phải tin. Chính vì sự can đảm đặc biệt mà bà Ngô Thị Huệ được các cô chú, đồng đội đặt biệt danh là “thần kinh thép”, “bông huệ thép”.

Bà Huệ làm điệp báo ở Công an Quảng Đà với nhiệm vụ phụ trách giao thông liên lạc từ cánh Bắc Hòa Vang vô Tam Kỳ, tự móc nối xây dựng cơ sở. Từ đó gầy dựng một “đội quân tóc dài” hoạt động bí mật và luôn hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Đoàn phụ nữ vào thành phố hoạt động, vận chuyển vũ khí bằng nhiều cách sáng tạo, như chị Phạm Thị Sáu, chị Phạm Thị Đà giấu súng, đạn vào thân cây chuối; dùng quang gánh hai đáy để chuyển tài liệu, vũ khí, phía trên đựng sắn củ hoặc sắn lát khô, súng ngắn K59, thuốc nổ được giấu dưới đáy, địch thọc gậy kiểm tra qua 5 chốt gác vẫn không phát hiện. Mới đây, người phụ trách năm xưa là Phạm Thị Đà thống kê lại số vũ khí mà Sáu đã mang từ quê ra Đà Nẵng gồm 8 cây súng và hàng chục kilôgam thuốc nổ.

Bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1950, quê Duy Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam) là một trong những điệp báo viên xuất sắc được bà Ngô Thị Huệ phát hiện, thu nạp và đào tạo. Cô gái trẻ Nguyễn Thị Thanh được kết nạp Đảng khi mới 18 tuổi, thuộc Ban An ninh Đặc khu Quảng Đà, từng giành được những chiến công vang dội trên đất Đà thành vào những năm cuối thập niên 60. Chuẩn bị cho Xuân Mậu Thân 1968, Nguyễn Thị Thanh liên tục ra vào Đà Nẵng may băng, cờ, móc nối cơ sở, chuẩn bị chỗ ở cho các đồng chí lãnh đạo Đặc khu ủy chỉ đạo chiến dịch.

Một buổi chiều tháng 3 năm 1969, trong khi diệt ác theo chỉ đạo của cấp trên, cô đã bị địch phát hiện và ráo riết đuổi bắt. Trên đường chạy trốn, thấy một gánh bún bên đường, cô nhanh trí thả khẩu súng vào nồi nước dùng và chỉ kịp nói với chị bán bún: “Xin chị giữ bí mật, sau này cách mạng sẽ luôn ghi nhớ công ơn chị”. Người bán bún sững sờ, im lặng trong giây lát, rồi lặng lẽ đậy vung nồi bún lại, gánh hàng đi khuất. Cảnh sát, quân cảnh rầm rập chạy đến, chặn cô lại, còng tay dẫn đi.

“Trong quá trình bị tra tấn, tôi luôn suy nghĩ cố gắng làm sao không khai báo ai hết. Tôi lấy chị Ngô Thị Huệ làm gương nên tự lấy tên là Nguyễn Thị Như Huệ, chị ấy bị tra tấn đánh đập dã man mà không khai báo lời nào thì mình cũng phải làm được như chị. Tôi chỉ nghĩ như vậy”.

Sau tra tấn một tháng, địch đưa Thanh ra tòa hình sự, kết án 20 năm. Luật sư bên địch nói cô còn trẻ, nghe lời dụ dỗ của Cộng sản nên đề nghị tòa xem xét giảm án. Chúng hỏi: Bây giờ bị can có ân hận không? Cô nói: “Không ân hận gì hết, vì quê hương tôi, gia đình tôi trong một buổi chiều các ông thả bom chết 105 người, tôi thấy như vậy thì căm thù nên đi theo cách mạng để diệt các ông! Với mức án 20 năm các ông dành cho tôi, tôi tin chắc sẽ ở chừng 3, 4 năm, còn bao nhiêu các ông ở. Khi về tôi vẫn còn trẻ để tiếp tục hoạt động cách mạng”. Câu trả lời của cô được tất cả bà con ở dưới vỗ tay cổ vũ. Sau đó, Thanh bị đày ra Côn Đảo, cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cô được ra tù đúng như lời nói trước tòa.

Những nữ điệp báo tuổi còn thanh xuân phơi phới hoạt động phục vụ cách mạng ngày đêm không biết mệt mỏi, không nghĩ đến hạnh phúc riêng tư. Sau ngày đất nước thống nhất, chị em gặp nhau ai nấy đều mừng rơi nước mắt vì thấy đồng đội vẫn còn sống, ai cũng chung thủy với Đảng, với cách mạng. Đa phần trong số họ tiếp tục hoạt động trong ngành Công an cho đến khi nghỉ hưu. Họ gọi bà Ngô Thị Huệ là chị cả của đội nữ điệp báo an ninh Quảng Đà.

Một tháng gặp nhau một lần ôn chuyện xưa, kể chuyện nay, chị cả Ngô Thị Huệ tự hào vì các em của bà đã luôn giữ được khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Bà cũng là người giữ đầu mối liên lạc để chị em đi thắp hương cho đồng đội đã hy sinh, đi thăm các gia đình CCB, mẹ liệt sĩ, dù chỉ để hỏi thăm vài câu chuyện, biếu các mẹ miếng trầu, những “đóa hồng thép” đã cảm thấy ấm lòng…

 MINH CHÂU

Ý kiến bạn đọc