Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Người nghệ nhân xứ Kinh Bắc “giữ hồn” cho phỗng đất

Thứ Tư 10/05/2023 | 09:42 GMT+7

VHO- Từ lâu, người dân huyện Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) đã quen với khoảng sân đầy màu sắc của ông Phùng Đình Giáp. Ông là nghệ nhân cuối cùng còn lưu giữ và duy trì nghề làm phỗng đất trong nhiều năm qua.

Món đồ chơi trong ký ức

Phỗng đất từng là món đồ chơi Trung Thu chứa nhiều ký ức của trẻ em xứ Kinh Bắc. Cứ mỗi dịp rằm tháng 8, trẻ con trong làng lại nô nức sắm sửa quần áo, đồ chơi đẹp để cùng nhau trông trăng. Trong mâm cỗ đón Trăng, ngoài bánh kẹo, hoa quả, không thể thiếu được bộ phỗng đất làng Hồ và hình ảnh chiếc đèn ông sao rực rỡ. Chính bởi tầng ý nghĩa biểu trưng cho ngày tết đoàn viên mà trước đây đã từng có cả một làng làm phỗng đất.

Nghệ nhân Phùng Đình Giáp cho biết hơn 60 năm làm nghề, chính bản thân ông cũng không biết nghề làm phỗng đất có từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu. Ông chỉ biết rằng trong ký ức của ông, cứ đến rằm Trung thu, nhà nhà lại tập trung ngồi làm phỗng đất rồi gánh hàng mang ra chợ bán. Mỗi hình tượng phỗng đất lại mang một ý nghĩa khác nhau nhưng giữa chúng đều có sự liên kết. Bộ phỗng đất thường thấy bao gồm 5 nhân vật con rùa gắn với hình tượng biển cả, khát vọng được khám phá; con chim được tượng trưng cho mong ước hoà bình; người già và trẻ em tượng trưng cho sự tiếp nối truyền thống; hình tượng ông phỗng hình Phật ở giữa mang ý nghĩa tâm linh, giáo dục các thế hệ sống lương thiện.

Phỗng đất thường được sáng tạo dựa trên những hình tượng khác nhau, mang nhiều ý nghĩa gắn liền với văn hóa dân tộc

Phỗng đất không chỉ là một món đồ chơi thông thường mà con mang giá trị văn hoá truyền thống, thể hiện nét đẹp quê hương. Chính từ lẽ đó, làm nghề phỗng đất không chỉ là một nghề mà nó còn làm một phần tâm hồn, máu thịt của người dân nơi đây. Với sự nhiệt huyết giữ nghề, bao năm nay gia đình nghệ nhân Phùng Đình Giáp vẫn luôn miệt mài cần mẫn với từng sản phẩm đồ chơi của mình.

Được tận mắt chứng kiến nghệ nhân Phùng Đình Giáp cẩn thận làm từng bước để tạo nên con phỗng đất, ta mới hiểu rằng công việc này không hề đơn giản. Để tạo nên một con phỗng đất hoàn hảo phải thực hiện đủ 7 công đoạn, tốn nhiều thời gian và đòi hỏi bàn tay tài hoa, tỉ mỉ của người làm nghề.

Nguyên liệu chính làm nên phỗng đất được làm từ đất thó. Đặc biệt, loại đất này chỉ có thể tìm thấy từ độ sâu 3 mét ở ngoài ruộng. Sau khi lấy được đất, tiếp theo cần mang về phơi khô, rồi đập, sàng thành bột mịn.

Ông Giáp phải xới đất nhiều giờ để có được số lượng đất thó phục vụ cho việc làm phỗng đất

Nguyên liệu không kém phần quan trọng tiếp theo là giấy ngâm. Giấy báo được ngâm trong nước cho đến khi mủn ra sẽ tạo thành một chất sền sệt đặc quánh. Lúc này giấy và bột đất thó sẽ trộn vào với nhau bằng tay và đập cho đến khi hoà quyện lại.

“Về hình dáng sản phẩm, tôi có thể sáng tạo được nhiều, đôi lúc còn tuỳ vào yêu cầu của khách hàng đặt theo từng năm. Hình tượng 12 con giáp, hình đôi uyên ương... tôi đều có thể nặn. Năm cả nước phải giãn cách vì dịch bệnh Covid -19, thời gian ở nhà nhiều tôi còn nặn cả hình… con virus này” - Ông Phùng Đình Giáp cười nói.

Qua bàn tay khéo léo của ông Giáp, phỗng đất thành phẩm với nhiều mẫu mã, màu sắc đa dạng

Đôi bàn tay tỉ mỉ và cần mẫn của ông như thổi hồn vào từng hòn đất vô tri vô giác, để tạo nên những sản phẩm sáng tạo. Sau khi nặn, tượng sẽ được phơi khô khoảng 3-4 ngày tuỳ vào thời tiết và hoàn toàn tránh nước. Tiếp đó, tượng đất sẽ được phủ lên hồ trắng bao gồm bột hồ điệp trắng, hồ nếp pha với nước. Tượng được quét 2 lớp hồ trắng. Với màu sắc chủ đạo là đỏ, vàng, xanh... với công đoạn tô màu những con phỗng rực rỡ đã được hoàn thành. Có thể thấy, quá trình tạo nên món đồ chơi phỗng đất không hề đơn giản nó chứa đựng ở đó sự tâm huyết, cố gắng của người nghệ nhân.

Đưa phỗng đất trở lại

Mặc dù bộ phỗng đất mang nhiều ý nghĩa ẩn sâu, là nét đẹp văn hóa của người dân xứ Kinh Bắc nhưng giờ đây, hình ảnh phỗng đã trở nên mai một và ít xuất hiện. Có hai lý do được nghệ nhân Phùng Đình Giáp đưa ra rằng đầu tiên, truyền thông quảng bá cho phỗng đất không có nhiều và chủ yếu chỉ phục vụ trong phạm vi tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh ngày nay). Điều thứ hai do làm phỗng đất không mang lại nhiều giá trị kinh tế vì một năm chỉ xuất hiện 1 lần vào dịp lễ Trung Thu, nên không nhiều người mặn mà với nghề truyền thống này.

Chính vì những nguyên nhân trên mà giờ đây, hình ảnh phỗng đất đã dần biến mất. Không thể chịu được việc một nét văn hoá đẹp đẽ của quê hương bị phai mờ, gia đình ông Phùng Đình Giáp luôn miệt mài với việc lưu giữa và quảng bá, bảo tồn hình ảnh phỗng đất dân gian. Ông Giáp tâm sự đã nhiều lần ông mang sản phẩm phỗng đất - đứa con tinh thần của mình đến nhiều bảo tàng tại thành phố Hà Nội từ những năm 2005 nhưng vẫn không thể tác động nhiều đến công chúng.

Các công đoạn làm phỗng đất đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn cao

Bởi vậy, quá trình giúp phỗng đất trở lại trong đời sống hiện đại vẫn là điều mà nghệ nhân Phùng Đình Giáp đau đáu. “Điều làm tôi trăn trở bấy lâu nay là làm sao để nghề này không bị thất truyền. Bản thân tôi đã truyền dạy, chỉ bảo nhiều con, cháu trong nhà nhưng có vẻ chúng không mấy mặn mà. Nếu vẫn như vậy, có lẽ phỗng đất thủ công không lâu nữa sẽ biến mất hoàn toàn. Mặc dù những năm gần đây, tôi đã không ngừng phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động mang phỗng đất tới gần hơn với giới trẻ, tuy nhiên không thu được quá nhiều kết quả” – ông Giáp chia sẻ.

Không chịu khuất phục với quá trình mai một của phỗng đất, ông cần mẫn đưa sản phẩm đến nhiều bảo tàng khác nhau. Cho đến năm 2017, một nhà văn hoá tại TP. Bắc Ninh đã đến nghiên cứu và viết bài tìm hiểu kỹ hơn về món đồ chơi dân gian này. Cũng trong năm 2017, ông được mời đến Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Vân Hồ, Hà Nội). Tại đây, ông đã gặp nhiều văn nghệ sĩ, kiến trúc sư và đặc biệt là nhiếp ảnh gia Lê Bích. Qua anh Lê Bích giới thiệu, câu chuyện giữ nghề của nghệ nhân Phùng Đình Giáp được nhiều người biết đến hơn. Từ đó, người dân tại Thủ đô và các em thiếu nhi, giới trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với phỗng đất và ưa thích. Từ năm 2018 đến nay, ông luôn được tổ chức những buổi workshop, triển lãm độc đáo tại Hà Nội nhằm truyền bá ý nghĩa của phỗng đất. Những buổi triển làm giúp quảng bá hình ảnh phỗng đất đến nhiều người biết hơn nhằm lưu giữ nét đẹp dân tộc.

NGUYÊN THÙY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top