Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam: Cần sớm tu bổ để phát huy giá trị

Thứ Tư 10/05/2023 | 11:22 GMT+7

VHO- Trong những năm qua, nhiều hạng mục công trình của di tích quốc gia trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng. Cần sớm tu bổ, tôn tạo để bảo vệ và phát huy giá trị di tích có ý nghĩa lịch sử này.

 Vị trí của một dãy nhà lưu trú dành cho các Đại sứ ngày trước

Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Chính phủ đã quyết định chọn vùng đất thuộc thôn Tây Hòa, nay là thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) để làm nơi đặt trụ sở làm việc. Sau 25 ngày khẩn trương thi công, công trình đã hoàn tất và chính thức đưa vào sử dụng vào ngày 6.6.1973.

Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam xây dựng trên diện tích 17.300m2, được chia thành 2 khu độc lập: Khu A có 3 dãy nhà gồm nhà làm việc của Chính phủ, nhà làm việc của Bộ Ngoại giao, nhà ăn cho cán bộ làm việc ở khu A; khu B gồm 5 dãy nhà với 2 dãy nhà làm nơi lưu trú của các Đại sứ, 3 dãy nhà là nơi làm việc, ăn nghỉ của các thành viên đi theo Đại sứ các nước, phóng viên báo chí, các nhân viên cán bộ của Chính phủ.

Trong thời gian từ 1973-1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã có nhiều hoạt động trên trường quốc tế như đón tiếp các Đại sứ đến đặt quan hệ ngoại giao, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc; đón tiếp hơn 49 đoàn khách quốc tế, Đại sứ các nước đến trình Quốc thư đặt quan hệ ngoại giao. Đặc biệt vào tháng 9.1973, đã đón lãnh tụ Fidel Castro của Cuba đến thăm. Ngày 25.1.1991, khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích cấp quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế từ năm 1985, khu di tích này đã bị cơn bão số 8 tàn phá nên hư hại hoàn toàn. Đến năm 2007, với vốn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã đầu tư tôn tạo hạng mục quan trọng của khu di tích này, gồm: Phục dựng nhà Chính phủ; một nhà nghỉ của các Đại sứ (6 phòng); xây nền móng và đặt bia ghi dấu của các khu nhà, dãy nhà còn lại; xây dựng nhà bia di tích; nhà trưng bày và các công trình phụ trợ… Tuy nhiên hiện nay, các hạng mục công trình đang trong tình trạng hư hại, xuống cấp nghiêm trọng.

 Phòng trưng bày hình ảnh tư liệu các Đại sứ đến trình Quốc thư đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Theo quan sát của phóng viên, không gian phòng trưng bày bị ẩm, nền tường xuống cấp, phần kết cấu trang trí phía trần nhà và cửa gỗ bị hư hại. Khu nhà Chính phủ thì sơn bong tróc, loang lổ, những cánh cửa cũng bị mối mọt... Cạnh đó là khu nhà Bộ Ngoại giao, được huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng lại từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện, nghiệm thu…

Ông Nguyễn Thanh Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trước đây do Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng tỉnh (thuộc Sở VHTTDL) quản lý, từ tháng 8.2022 được bàn giao cho huyện Cam Lộ quản lý. Đây là di tích có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh của dân tộc, tuy nhiên hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Huyện đã có báo cáo trình UBND tỉnh và các ngành về việc tu bổ, tôn tạo di tích này. Tỉnh cũng đã xin ý kiến Chính phủ nhằm sớm tu bổ kịp thời những hạng mục xuống cấp, với kinh phí khoảng 7,5 tỉ đồng. Trước mắt, các hạng mục cần tu bổ gồm cổng, tường rào mặt trước; phục hồi bốt gác; tu bổ Nhà trình quốc thư; nhà đón du khách; tu bổ một phần sân, vỉa hè, điện chiếu sáng và sưu tầm hiện vật…

 Nhà làm việc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tường bị bong tróc, loang lổ, cửa mối mọt hư hại

“Về lâu dài, huyện đang quy hoạch tu bổ và phát huy giá trị khu di tích này để trình UBND tỉnh xin ý kiến của Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành liên quan nhằm đưa vào kế hoạch đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Nguồn lực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích này khá lớn, khoảng hơn 100 tỉ đồng”, ông Nguyễn Thanh Bắc thông tin.

Anh Hoàng Phước Lãm, nhân viên đang làm việc tại di tích này cho biết, thực trạng xuống cấp của di tích cũng ảnh hưởng đến việc bảo quản các hiện vật, tư liệu. Hiện chỉ có 2 cán bộ nhân viên làm việc tại khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, vừa trông giữ, bảo vệ, quản lý di tích vừa làm công việc hành chính, tiếp đón, hướng dẫn thuyết minh cho các đoàn khách đến tham quan; đồng thời, luân phiên thay nhau trực 24/7 tại di tích. Theo thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2023, khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ đón hơn 700 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu; trong đó chủ yếu là khách theo đoàn công tác. Lượng khách quá ít so với một di tích quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử của đất nước. 

 Ngày 9.5, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đã ban hành kế hoạch tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày ra mắt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (6.6.1973 - 6.6.2023) tại huyện Cam Lộ. Theo đó, UBND tỉnh chủ trì cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội thảo khoa học “Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” vào sáng ngày 6.6.2023. Tiếp đó, vào tối cùng ngày sẽ tổ chức lễ kỷ niệm tại di tích quốc gia trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ. Lễ kỷ niệm sẽ có chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh “Một Chính phủ vì khát vọng hòa bình”.

Chương trình kỷ niệm nhằm khẳng định tầm quan trọng, tính đúng đắn của việc ra mắt Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ, Quảng Trị; vai trò, ý nghĩa của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thông qua hoạt động kễ kỷ niệm để ôn lại truyền thống lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, giáo dục lòng yêu nước, phát huy truyền thống cách mạng; ghi nhận sự đóng góp của các thế hệ trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; tri ân các tập thể, cá nhân từng chiến đấu, bảo vệ, phục vụ các hoạt động tại trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam…

 SƠN THÙY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top