Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Phát huy văn học các DTTS Việt Nam: "Chất xúc tác" phải là đặc thù

Thứ Sáu 12/05/2023 | 10:21 GMT+7

VHO- Văn học các DTTS đã cống hiến cho nền văn học Việt Nam không ít tác phẩm mang đậm giá trị nhân văn, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong lòng độc giả. Thế nhưng, trước những thách thức của thời đại, văn học của đồng bào đang gặp không ít khó khăn trên chặng đường phát triển, thậm chí phải “loay hoay” để tìm chỗ đứng cho mình.

 Văn học các DTTS cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa (Ảnh minh họa)

Thực tế, chỉ khi dòng văn học này phát triển nhờ được quan tâm, đầu tư đúng mức, văn học Việt Nam mới thật sự nở rộ, làm nổi bật các giá trị chân - thiện - mỹ và trở thành nền văn học giàu bản sắc.

Gập ghềnh chặng đường phát triển

Nhắc đến văn học các DTTS không thể không nhắc tới truyện thơ Tiễn dặn người yêu (Sống chụ son sao), thiên trường ca trữ tình kết hợp giữa truyện và thơ ca dân gian của đồng bào Thái. Về phía các cây bút, chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của nhiều tên tuổi nổi bật như Nông Quốc Chấn - nhà thơ dân tộc Tày được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nông Minh Châu, Cầm Biêu, Bàn Tài Ðoàn, Vương Anh, Lương Quy Nhân, Mã Thế Vinh, Nông Viết Toại, Mã A Lềnh…

Nhận định về chặng đường phát triển của văn học các DTTS thời gian qua, nhà văn Cao Duy Sơn (Phó Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam) cho rằng, văn học DTTS có sự gắn bó mật thiết với sự phát triển của đất nước. Đến nay, nhiều tác giả đã đoạt giải trong nước và quốc tế. Các tác phẩm xuất sắc đều thể hiện thành công cả hình thức và nội dung, nhưng trên hết là yếu tố văn hóa. Tuy nhiên, nhà văn Cao Duy Sơn cũng bày tỏ trăn trở khi văn học các DTTS đang gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, số lượng những tác phẩm nghiên cứu, phê bình khá khiêm tốn. Các tác phẩm về đề tài dân tộc miền núi của chính những nhà văn bản địa cũng chưa thật sự đặc sắc.

“Trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, tôi rất buồn khi phải nói rằng, mới chỉ có 18 dân tộc có người viết văn bán chuyên nghệp. Với 36 dân tộc còn lại, con số này là… số 0 tròn trĩnh. Chúng ta đang hướng đến mỗi dân tộc phải có ít nhất một nhà văn, nhà thơ, nhưng có lẽ mục tiêu này vẫn còn khá xa vời. Do đó, đã đến lúc cần có thêm chính sách thu hút nhân tài và đầu tư mạnh tay cho lĩnh vực văn học các DTTS”, nhà văn Cao Duy Sơn bày tỏ.

Đồng quan điểm, nhà văn Lộc Bích Kiệm (Chi hội VHNT các DTTS tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, văn học các DTTS đang gặp nhiều gian nan trong quá trình tiếp cận độc giả vì tính chất đặc thù. “Sự đặc thù ở đây là về đối tượng được phản ánh, cảm xúc thể hiện, ngôn ngữ… Nhiều cây viết nghĩ rằng, vì quá đặc thù nên văn học các DTTS sẽ ít người đọc, tác phẩm của họ sẽ ít được biết đến. Quan niệm này là sai lầm. Chính sự đặc thù ấy mới là “chất xúc tác”, thôi thúc độc giả tìm đọc những tác phẩm mang màu sắc văn chương riêng biệt. Chưa kể, việc sáng tác văn học bằng tiếng DTTS sẽ góp phần bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa các dân tộc. Khi những tác phẩm này được xuất bản, quảng bá sẽ giúp ngôn ngữ của đồng bào dân tộc được phổ biến rộng rãi. Mỗi nhà văn, nhà thơ khi cầm bút không nên đặt nặng vấn đề sáng tác để nổi tiếng, mà phải nghĩ mình đang mang sứ mệnh quảng bá những giá trị văn hóa của đồng bào”, nữ nhà văn cho hay.

Với nhà văn, nhà nghiên cứu Inrasara, ông bày tỏ sự xót xa khi những giá trị văn hóa của đồng bào DTTS chưa được quảng bá, phát huy rộng rãi thông qua các tác phẩm văn học. Hệ quả là rất nhiều vốn quý của các tộc người không được biết đến. “Muốn công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào các DTTS đạt hiệu quả cao nhất, chúng ta phải tận dụng sức mạnh lan tỏa của văn chương. Viết nhiều, viết hay về đồng bào DTTS là cách để chúng ta bồi đắp cho các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam”, nhà văn, nhà nghiên cứu Inrasara nói.

Đầu tư mạnh tay thì mới tỏa sáng

Trước thực trạng trên, nhà văn, nhà nghiên cứu Inrasara cho biết thêm, phải dồn lực đầu tư cho văn học các DTTS để có được những công trình văn học nổi trội. Cụ thể, đầu tư ở đây phải có trọng tâm, trọng điểm. Muốn văn học các DTTS phát triển, vị chuyên gia chia sẻ: Phải xây dựng được “cái hồn, cái cốt”, rồi sau đó đầu tư mạnh mẽ vào các yếu tố đó. Nếu đầu tư dàn trải, cố gắng làm mọi cách để thu hút lượng lớn người viết các tác phẩm văn học DTTS sẽ dẫn đến tình trạng mạnh ai người ấy biết mà không cần biết chất lượng ra sao.

Đặc biệt, theo nhiều tác giả, đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho văn học các DTTS là câu chuyện phải được chú trọng. Nhà văn trẻ Nông Quang Khiêm (Hội VHNT tỉnh Yên Bái) chỉ rõ, đang có hiện tượng “già hóa” lực lượng cây viết ở mảng văn học DTTS. Rất nhiều dân tộc có dân số đông, giàu bản sắc văn hóa nhưng lại không có nổi một tác giả trẻ. Do đó, nhà văn Nông Quang Khiêm đề xuất: “Cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức các trại sáng tác, các cuộc thi cho các cây bút trẻ ở cả 3 miền. Qua đây, phát hiện thêm các tài năng cho văn học DTTS. Ngoài ra, chúng ta có thể mở thêm các lớp bồi dưỡng, các cuộc tọa đàm... Đặc biệt, cần có sự ưu tiên, khuyến khích các tác giả sáng tác bằng tiếng dân tộc mình và cả song ngữ”.

Nhà văn Vũ Quốc Khánh (Chi hội VHNT các DTTS tỉnh Phú Thọ) cho hay, sau khi được đầu tư, các cây viết trẻ phải thể hiện sự chuyển biến trong tư duy sáng tạo, phản ánh những nét đẹp văn hóa của bà con một cách chân thực thông qua chất riêng trong văn chương của mình. Chỉ có vậy mới tạo ra cảm xúc và sự đồng cảm của bạn đọc trước công sức sáng tác của tác giả, kéo được họ về với văn hóa đọc.

Một vấn đề khác cũng được giới văn chương quan tâm là cần có giải pháp hiệu quả trong quảng bá các tác phẩm văn học về đề tài DTTS và miền núi. Thực tế, một số dân tộc vùng Tây Nguyên, Tây Bắc đã làm rất tốt việc này thông qua việc sáng tác tác phẩm bằng tiếng mẹ đẻ. Bên cạnh đó, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, các cây viết sau khi có tác phẩm chất lượng hãy mạnh dạn tự quảng bá trên mạng xã hội. Nhờ những lượt thích, chia sẻ, các tác phẩm sẽ nhanh chóng đến được với đông đảo bạn đọc; từ đó, góp phần vào nâng cao hiệu quả quảng bá văn hóa Việt Nam trên môi trường số. 

ĐÌNH TOÁN - MAI HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top