Hành trình tháng Năm về làng Dương Nỗ

VHO- Cứ mỗi dịp tháng 5, rất đông đoàn khách lại xuôi về làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, TP Huế) để cùng “trở về” nơi những ngày tháng bình yên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sinh sống. Ngôi làng giàu văn hóa bên dòng sông Phổ Lợi hiền hòa trở thành “địa chỉ đỏ” của nhiều thế hệ người dân Thừa Thiên Huế và cả nước.

Hành trình tháng Năm về làng Dương Nỗ - Anh 1

 Du khách tham quan tại di tích quốc gia đặc biệt Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ

Ngày 16.5, các cô trò của Trường Tiểu học số 2 Quảng Phước (huyện Quảng Điền) và Trường THCS Thủy Vân (TP Huế) đã đến thăm di tích quốc gia đặc biệt Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ. Trong hành trình đầy ý nghĩa ấy, các học trò đã được tìm hiểu về thân thế của Bác Hồ kính yêu, hiểu thêm những khoảng thời gian Người đã từng sinh sống ở làng quê Dương Nỗ bình yên.

Từ năm 1898 đến 1900, Nguyễn Sinh Cung và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm theo cha về sống tại làng Dương Nỗ khi cụ Nguyễn Sinh Sắc về đây dạy học. Tại đây, ông Nguyễn Sĩ Độ đã giao cho cụ Nguyễn Sinh Sắc một ngôi nhà tranh ba gian hai chái làm chỗ ở cho cả ba cha con, đồng thời cũng là nơi mở lớp dạy học. Trong ngôi nhà này, Nguyễn Sinh Cung và anh trai được chính người cha và là người thầy của mình dạy những bài học đầu tiên về chữ “Nhân”, chữ “Nghĩa”, về đạo đức làm người. Nguyễn Sinh Cung đã tiếp thu nhanh những bài học, là học trò thông minh xuất sắc của lớp, và những nguồn kiến thức đó trở thành nền móng vững chãi cho sự phát triển về học vấn sau này. Sống ở làng Dương Nỗ bình yên, giàu truyền thống văn hóa, Nguyễn Sinh Cung sớm hòa nhập với đời sống cộng đồng làng xã, được đùm bọc bởi tình cảm yêu thương chan hòa, nhân hậu và bao dung của những người dân quê. Cậu học trò ấy hằng ngày chứng kiến cuộc sống lao động cần cù của những người nông dân mộc mạc và tham gia các hoạt động văn hóa của địa phương. Ngoài ngôi nhà tranh truyền thống, lưu giữ nhiều dấu ấn của Nguyễn Sinh Cung ở Dương Nỗ còn có: Đình làng, Bến đá, Am bà…

Có mặt tại làng Dương Nỗ, chị Nguyễn Thị Loan Giang, cán bộ hướng dẫn tuyên truyền của Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế chia sẻ, rằng hơn 15 năm gắn bó với công việc bảo tồn và giới thiệu về di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế là niềm tự hào lớn lao. Mỗi lần hướng dẫn các đoàn khách tham quan, từ các em học sinh cho đến các đoàn thể trong và ngoài tỉnh, các du khách trong nước và quốc tế đến tham quan về di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn đọng lại trong chị nhiều cảm xúc. Bản thân chị luôn không ngừng cố gắng để có thể tuyên truyền đến tất cả tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là những dấu ấn của Người tại Thừa Thiên Huế.

“Nếu Nghệ An là quê hương, nơi Người được sinh ra và sống những năm tháng đầu đời thì Thừa Thiên Huế lại là nơi Người lớn lên, đi học, trưởng thành và tham gia các hoạt động yêu nước trong những năm đầu thế kỷ 20. Hơn 10 năm sinh sống và học tập trên đất Huế, hồn đất, tình người nơi đây đã góp phần hun đúc nên người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với trí tuệ lỗi lạc, trái tim nhiệt huyết, tâm hồn thanh cao và trên hết là lòng yêu quê hương đất nước, yêu thương đồng bào, chuyển hóa thành khát vọng cứu nước, cứu dân. Trong những năm tháng đặc biêt quan trọng đó, làng Dương Nỗ đã trở thành một địa danh không thể thiếu trong dấu ấn của Người tại Thừa Thiên Huế, những tên đất, tên làng như Đình làng, Am bà, Bến đá, ngôi nhà Người đã sống và bắt đầu đi học đã khắc sâu trong tâm tưởng của Người lúc sinh thời. Ngày nay những địa chỉ đó trở thành những di sản vô giá của nhân dân xứ Huế”, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.

Tại di tích quốc gia đặc biệt đình làng Dương Nỗ, đông đảo bà con trong làng cũng tất bật chuẩn bị cho các sự kiện nhân dịp sinh nhật Bác Hồ. Ông Trần Đại Sấm, 75 tuổi, Trưởng ban nghi lễ làng Dương Nỗ tự hào cho biết, 125 năm trước, Bác Hồ đã về đây sinh sống, và đình làng Dương Nỗ, con sông Phổ Lợi, Am bà, Bến đá... đã gắn liền tuổi thơ của Người. Những di tích về Bác luôn in sâu trong tiềm thức của người dân Dương Nỗ và được cộng đồng dân làng gìn giữ với lòng tự hào. Đến nay, cụm di tích đó có 2 di tích được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Ông Sấm kể rằng, ngày trước anh trai của ông đã từng được gặp Bác Hồ và Bác đã hỏi rằng “Cái cột đình làng Dương Nỗ có còn không?”, điều đó càng khẳng định rằng làng quê Dương Nỗ có vị trí ý nghĩa quan trọng trong tâm thức của Người. “Người dân rất trân trọng và tự hào về những di tích Bác Hồ, đây không phải chỉ là di tích của làng Dương Nỗ nữa mà là di sản quý báu của dân tộc, đó là điều vinh hạnh cho làng Dương Nỗ”, ông Sấm nói.

Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế, thông tin vào dịp này, lần đầu tiên Bảo tàng phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị tổ chức Lễ hội làng Dương Nỗ (diễn ra từ 16.5 đến 18.5) nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 125 năm Người về Dương Nỗ sinh sống. Trong thời gian qua, cụm di tích về Bác Hồ tại làng Dương Nỗ có ý nghĩa lớn, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống đối với người dân địa phương nói riêng và nhân dân toàn tỉnh nói chung. Cộng đồng nhân dân địa phương cũng đã có vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị những di sản về Người. 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc