Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa

VHO- Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC).

Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa - Anh 1

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: BNG

Chiều 18.5, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời báo chí về thông tin Trung Quốc gần đây đã mở phi pháp một nhà hàng lẩu trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (nhà hàng này mở cửa kinh doanh vào cuối tháng 4 vừa qua), Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Phó Phát ngôn nhấn mạnh, Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền và quyền liên quan của Việt Nam đối với quần đảo này.

Đối với các thông tin về tàu nghiên cứu của Trung Quốc hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phó Phát ngôn khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng quy định trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

"Đối với các vụ việc xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam đã, đang triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam", Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng nêu rõ.

Về thông tin phóng viên nêu, Philippines ngày 14.5 thông báo đã đặt các phao định hướng trong vùng biển thuộc Biển Đông, Phó Phát ngôn khẳng định rõ: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền và quyền liên quan của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC), có đóng góp tích cực cho việc duy trì, ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Cập nhật tình hình công dân Việt Nam trong số hơn 1.000 người được phát hiện bị cưỡng ép lao động ở Philippines, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, đến nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Philippines để xác định tình trạng cư trú của lao động, phối hợp cung cấp thông tin để thúc đẩy chính quyền sở tại sớm đưa ra hướng giải quyết và điều tra vụ việc, kịp thời tiến hành công tác bảo hộ công dân và bảo đảm quyền và lợi ích của công dân Việt Nam. Nhân dịp này, xin nhấn mạnh là Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời, kiên quyết đấu tranh phòng, chống di cư trái phép và đưa người di cư trái phép, mua bán người. Bộ Ngoại giao đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, tăng cường tuyên truyền về việc người dân ra nước ngoài tìm việc theo hình thức tự túc cần hết sức cảnh giác với các lời mời chào như việc nhẹ lương cao, không cần bằng cấp, vì họ có thể nhanh chóng trở thành nạn nhân bị bóc lột sức lao động trong các cơ sở cờ bạc trực tuyến, cư trú bất hợp pháp hoặc thậm chí trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người".

TÙNG QUANG

Ý kiến bạn đọc