Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

06 Tháng Mười Hai 2023

Gìn giữ di sản văn hóa qua từng nét chữ

Thứ Tư 30/08/2023 | 10:06 GMT+7

VHO- Trong những năm trở lại đây, tại một số địa phương, phong trào học chữ Hán Nôm và thư pháp phát triển rộng khắp, thu hút khá đông học viên đủ mọi lứa tuổi tham gia. Đây là tín hiệu vui trong việc bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc, từ đó trao truyền lại cho thế hệ kế cận.

 Lớp học của Chi hội Hán Nôm quận Hải Châu

 Những lớp học Hán Nôm miễn phí

Đà Nẵng là TP đầu tiên có Hội Hán Nôm cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi Chủ tịch UBND TP ra quyết định thành lập vào tháng 3.2022. Nhằm phát triển phong trào, các chi hội Hán Nôm của 3 quận Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Sơn Trà đã ra đời, tổ chức các lớp học miễn phí dành cho những người yêu thích.

Chi hội Hán Nôm quận Hải Châu có gần 10 học viên, gồm nhiều độ tuổi, nghề nghiệp như bác sĩ, kỹ sư điện, người kinh doanh buôn bán tự do… Họ là những người theo đuổi lớp học từ khi mới mở vào năm 2017, đến giờ ai cũng đọc và viết rất tốt. Anh Chính (hội viên) chia sẻ: “Dân ta phải biết sử ta, những gì thuộc về văn hóa truyền thống phải được gìn giữ, bảo tồn và phát huy bằng mọi giá. Mong muốn của tôi là đọc được, hiểu được những gì mà cha ông đã viết để lại, và khi đến đình, chùa, những nơi linh thiêng, tôi có thể đọc và hiểu được ý nghĩa, nội dung những nét chữ Hán Nôm khắc trong đó”.

Cũng như anh Chính, chị Thảo là người kinh doanh tự do, nghề nghiệp của chị không liên quan gì đến chữ Hán Nôm, nhưng bằng sự yêu thích, say mê và ham học hỏi, khám phá, chị đã theo lớp học được 6 năm. “Tôi đi tham quan nhiều nơi, những nơi tôi đến đều có bảng biển, cột đá, tư liệu khắc chữ Hán Nôm. Tôi tự hỏi: Tại sao chữ Việt mà người Việt lại không hiểu được, và khi thấy người khác đọc tôi thấy rất ngưỡng mộ, từ đó càng quyết tâm phải học”, chị Thảo nói. Hiện chị là người viết chữ đẹp nhất trong lớp và còn tích cực tham gia vào những hoạt động viết thư pháp tại các lễ hội văn hóa tâm linh trên địa bàn thành phố.

Là người trực tiếp đứng lớp, thầy Dương Công Lê, Chi hội trưởng chi hội Hán Nôm quận Hải Châu cho biết: “Trước kia lớp học rất đông, nhưng theo thời gian số người học vơi dần, bây giờ chỉ còn gần chục người quyết tâm theo đuổi. Chữ Hán Nôm rất khó, nhưng nếu biết quy tắc và phương pháp thì sẽ dần chinh phục được. So với các ngoại ngữ khác, việc tiếp xúc với chữ Nôm rất ít vì không xuất hiện thường xuyên trong truyện sách, phim ảnh, do đó, muốn học thì phải thực sự say mê và dành thời gian cho nó. Việc học chữ nghĩa của cha ông không chỉ giúp chúng ta tiếp nhận chiều sâu văn hóa, mà còn giúp tu dưỡng sự điềm tĩnh, tác phong và sự cẩn trọng trong ứng xử, lời nói”.

Để di sản văn hóa dân tộc không bị đứt gãy

Với những người như thầy Dương Công Lê, khó khăn không phải ở công tác giảng dạy mà ở chỗ học viên không có thời gian, không kiên trì theo đuổi. Nhưng thầy cho rằng, càng khó khăn thì những người trao truyền càng phải nỗ lực và cố gắng. “Việc dễ thì ai chẳng làm được, chúng tôi dạy cho lớp trẻ, cho xã hội bằng tất cả nhiệt huyết và không đòi hỏi gì, chỉ tâm nguyện làm sao đừng để di sản văn hóa đồ sộ của dân tộc Việt Nam bị đứt gãy, mai một”, thầy Lê bày tỏ.

Ông Hoàng Ngọc Khăn (78 tuổi), Chủ tịch Hội Hán Nôm Đà Nẵng cho biết, trước đây, Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng cũng đã hỗ trợ TP rất nhiều trong việc soi chiếu tính xác thực của các văn bản tại Bảo tàng Đà Nẵng, Nhà trưng bày Hoàng Sa, Bảo tàng Mỹ thuật… Qua công tác phiên dịch sẽ đưa ra được những nhận định chính xác, khách quan về thông tư có ích trong tư liệu được trao tặng, trưng bày. “Muốn học chữ Nôm giỏi thì phải học chữ Hán. Khi biết Hán Nôm, chúng ta có thể đọc được các tài liệu cổ và nghiên cứu trực tiếp văn bản, tư liệu chính xác hơn nhờ nắm được tinh thần của bản gốc thay vì thông qua bản dịch. Đặc biệt, đối với những người trẻ, họ có thể hiểu biết thêm về lịch sử khi đến các chùa chiền, miếu mạo, văn bia… ở khắp nơi trên đất nước ta”, ông Khăn nói.

Cũng theo ông Khăn, phong trào học chữ Hán Nôm tại Đà Nẵng hiện được coi là phát triển, nhiều người (đa phần là lớn tuổi) có nhu cầu vào Hội. Tuy nhiên, mong muốn của giới bảo tồn văn hóa lịch sử như ông Khăn vẫn là trao dạy chữ Hán Nôm cho lớp trẻ. “Trước đây, Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng đã có văn bản đề xuất với Sở VHTT và Sở GD&ĐT Đà Nẵng đưa chữ Hán Nôm vào dạy trong nhà trường như một môn học bắt buộc. Có thể mới đầu học sinh không thích, nhưng đó là điều kiện cần thiết để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử mà cha ông để lại. Và trong quá trình giảng dạy, chắc chắn sẽ có những em yêu thích và theo đuổi Hán Nôm. Các em còn nhỏ, nắm bắt nhanh nên việc dạy chữ sẽ dễ hơn rất nhiều so với người lớn tuổi. Nếu chỉ có người già học thì chữ Nôm sẽ đứng trước nguy cơ bị mai một”, ông Khăn trăn trở.

Để phong trào học chữ Hán Nôm khởi sắc và đi vào thực chất, Hội Hán Nôm TP Đà Nẵng cho biết, rất cần sự quan tâm của chính quyền, Sở VHTT Đà Nẵng, Sở Nội vụ và các ban, ngành liên quan trong việc hỗ trợ địa điểm, kinh phí, phát triển hội viên, vì hiện Hội Hán Nôm chưa có trụ sở chính, kinh phí hoạt động là do Hội viên đóng góp nên còn rất eo hẹp, chưa được như mong muốn. 

 NGỌC HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Mười Hai 2023»
T2T3T4T5T6T7CN
27
28
29
30
1
2
3
4
5
678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2023 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top