Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Đề nghị phạt lao động công ích khi vi phạm hành chính

Thứ Năm 18/06/2020 | 16:02 GMT+7

VHO-Thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính vào hôm nay 18.6, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) và Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị áp dụng biện pháp phạt lao động công ích với người vi phạm hành chính.

Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét và bổ sung hình thức phạt lao động công ích, đại biểu Hoa nói: “Hình thức xử phạt này đã từng được quy định trong Nghị định số 143 năm 1977 và trong Pháp lệnh số 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X năm 1999 về lao động công ích. Việc áp dụng hình thức xử phạt này đã tác động trực tiếp tới ý thức của người vi phạm vì sức lao động là thứ không thể thay thế được của người vi phạm, còn tiền bạc thì hoàn toàn có thể thay thế, thậm chí có thể vay mượn để nộp phạt. Hình thức này giúp cho việc thi hành xử phạt có tác dụng tích cực hơn trong việc hình thành ý thức pháp luật. Đồng thời qua đó thì người phạm tội nhận thấy được bổn phận, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, với những người xung quanh và thúc đẩy quá trình tái hòa nhập xã hội”.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị áp dụng hình thức xử phạt lao động công ích với người vi phạm

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa dẫn chứng một số nước như Anh, Mỹ đã dùng hình thức phạt lao động công ích đối với một số hình thức vi phạm và cho rằng hình thức phạt tiền không phải lúc nào cũng có hiệu quả, nhất là với nhiều vi phạm như người gây mất trật tự công cộng hay bạo lực gia đình. “Thậm chí, những người là nạn nhân của bạo lực gia đình lại trở thành nạn nhân kép khi họ vừa là nạn nhân nhưng đồng thời phải dùng tiền của gia đình để nộp phạt thay cho cho chồng và như vậy tôi nghĩ rất nhiều người đã cân nhắc không dám tố cáo các hành vi bạo lực gia đình vì sợ mất một nguồn tiền của gia đình”, đại biểu Hoa nhấn mạnh.

Từ đó, bà Hoa đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nghiên cứu bổ sung cơ chế bắt buộc người có hành vi vi phạm phải thực hiện việc lao động công ích và đặc biệt là phải có cơ chế giám sát rõ ràng và cần phải có qui định lao động công ích là những công việc gì và thời gian lao động công ích là bao lâu. Đồng thời, cũng phải chú ý tới việc xây dựng một cơ chế để bảo vệ người vi phạm nhằm tránh nguy cơ lạm dụng hình thức lao động công ích để xâm phạm đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

 

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Hoa, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho biết, hình thức xử lý vi phạm này cũng đã được đưa ra thảo luận tại Quốc hội khi hoàn thiện dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Theo đại biểu Cảnh thì: “Để phù hợp với điều kiện hạ tầng, nhân lực, văn hóa của Việt Nam, theo tôi, chúng ta chỉ áp dụng hình thức này đối với người vi phạm có độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi. Lý do tôi đề xuất độ tuổi này vì đây là độ tuổi quy định trong Luật Thanh niên, Quốc hội vừa thông qua. Luật Thanh niên có quy định: “Trách nhiệm của thanh niên đối với Nhà nước và xã hội là gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nghĩa vụ công dân, tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia”. Vì vậy, thanh niên vi phạm cần được xử phạt, giáo dục kịp thời”.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị hình thức xử phạt này nên áp dụng cho người vi phạm từ độ tuổi 16-30

Cho rằng hình thức phạt tiền sẽ không đạt hiệu quả cao khi nhiều người ở độ tuổi này được hỗ trợ tài chính từ người thân và chưa bị áp lực cao về tài chính từ người lệ thuộc, đại biểu Cảnh cho rằng nơi thực hiện lao động công ích có thể là nơi vi phạm, nơi cư trú hoặc nơi học tập, làm việc. Tổ chức giám sát là chính quyền nơi vi phạm, nơi cư trú, nơi học tập và nơi làm việc.

“Cũng giống như các nội dung đã quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Chúng ta không có đủ con người, thiết bị, phương tiện để xử lý hết những người vi phạm nhưng luật đã làm cho số lượng người vi phạm pháp luật liên quan đến rượu, bia giảm sâu. Đưa ra hình thức xử phạt lao động công ích này vào luật cũng sẽ giảm đáng kể hành vi vi phạm pháp luật hành chính của thanh niên. Nếu Quốc hội đồng ý đưa hình thức xử phạt lao động công ích vào luật thì luật cần giao Chính phủ quy định cụ thể về đối tượng áp dụng, loại hình công việc, nơi thực hiện, thời gian thực hiện, tổ chức giám sát và các nội dung có liên quan”, đại biểu Cảnh đề nghị.

THU SÂM; ảnh: XUÂN TRẦN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top