Góp phần thổi hồn cho nghệ thuật Hát Bội

VHO- Hơn hai thập niên gắn bó với hoạt động văn hóa, du lịch và luôn ấp ủ, tận tụy với niềm đam mê riêng có của mình, ông Trần Ngọc Vân đã hoàn thành bộ sưu tập sản phẩm mặt nạ chân dung Hát Bội để giới thiệu cho du khách khi đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa.

Góp phần thổi hồn cho nghệ thuật Hát Bội - Anh 1
 

Nằm trong một con hẻm của TP Quy Nhơn (Bình Định), những ngày giữa tháng Chạp chúng tôi ghé thăm ngôi nhà ông Vân nay mới ngoại lục tuần để chiêm ngưỡng những tác phẩm

 mỹ thuật độc đáo là sản phẩm mặt nạ chân dung Hát Bội mà ông đang dày công nghiên cứu, sưu tầm, phác họa và chấp bút vẽ với niềm đam mê thích thú. Trong ngôi nhà nhỏ chật hẹp, ông dành một góc riêng để treo, trưng bày những sản phẩm mỹ thuật độc đáo. Đặc biệt là những sản phẩm mặt nạ chân dung Hát Bội mà ông đang khắc họa được làm trên chất liệu nhựa composite vừa có độ bền cao theo thời gian, vừa chống mốc, mối, mọt, nước…

Ông chia sẻ, từ nhỏ đã theo ba đi xem Hát Bội và rất say mê nghệ thuật này. Thế rồi cuộc đời ông trải qua nhiều nghề từ quay phim, chụp ảnh, hướng dẫn viên du lịch, nhưng công việc nào cũng có duyên gắn bó với loại hình Hát Bội. Nhiều lần ông đưa khách du lịch đến tham quan trưng bày mặt nạ tuồng tại Bảo tàng Bình Định, xem chương trình Hát Bội của những đoàn không chuyên, tất cả du khách đều thích thú và khen ngợi. Đấy là động lực để ông tìm hiểu, nghiên cứu việc làm sản phẩm lưu niệm mặt nạ chân dung Hát Bội.

Theo ông Vân, màu sắc chủ đạo ông chọn tô vẽ mặt nạ chân dung Hát Bội là đen và đỏ. Vì màu đen đại diện cho nhân vật hung dữ, phản diện; màu đỏ là vai trung thần, hoặc màu trắng xanh là nhân vật quan nịnh và nhân vật nữ thì chọn màu hồng phấn để thể hiện tính cách thiện, ác. Bộ sưu tập sản phẩm mặt nạ chân dung Hát Bội của ông đang thực hiện có rất nhiều nhân vật trong các điển tích, điển cố, nhân vật lịch sử đã được các nghệ nhân Hát Bội biểu diễn trên sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên phải kể đến như vai Lão Tạ, Tiết Đinh San, Chung Vô Diệm, hình tượng Bao Thanh Thiên, Quan Công, Tào Tháo, Tiết Cương, Trịnh Ân...

Nói về dự định trong thời gian tới để mọi người biết đến nhiều hơn chân dung mặt nạ nghệ thuật Hát Bội, ông Vân tâm sự: “Để nhân rộng cũng như góp phần bảo tồn cho nghệ thuật Hát Bội, tôi đã liên hệ với Trường Chuyên biệt Hy Vọng, nhóm người khuyết tật ở TP Quy Nhơn và tìm các bạn yêu thích hội họa để truyền tải rộng rãi vẽ mặt nạ bằng chất liệu nhựa composite. Tôi và CLB tình nguyện trẻ TP Quy Nhơn sẽ tổ chức dạy vẽ miễn phí cho các em về chân dung Hát Bội. Chưa kể, sau khi du lịch được hồi phục, tôi cũng cố gắng trực tiếp quảng bá các sản phẩm mặt nạ chân dung Hát Bội đến người dân và du khách”. 

PHAN HIẾU

 

Ý kiến bạn đọc