Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Bộ VHTTDL đã trả lời tất cả các Đoàn ĐBQH có kiến nghị trước và sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Thứ Tư 05/10/2022 | 17:00 GMT+7

VHO - Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa có văn bản gửi đến Ban Dân nguyện của Quốc hội về việc báo cáo bổ sung tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tham gia phiên chất vấn và trả lời chất tại kỳ họp thứ 14 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trần Huấn

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ VHTTL nhận được 57 kiến nghị của cử tri 28 tỉnh, thành phố và có 35 văn bản trả lời gửi đến 27 Đoàn Đại biểu Quốc hội có kiến nghị. Đối với các kiến nghị gửi đến trước kỳ 3, Bộ VHTTDL đã có 32 văn bản gửi đến 19 Đoàn Đại biểu Quốc hội có kiến nghị. Còn lại 25 kiến nghị gửi tới sau kỳ họp thứ 3 của 14 Đoàn đại biểu Quốc hội đã được Bộ VHTTDL trả lời tại các văn bản ngày 26.9.2022.

Như vậy, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi đến tất cả các Đoàn Đại biểu Quốc hội có kiến nghị gửi tới trước, sau kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV (đạt tỷ lệ 100%).

Báo cáo bổ sung kết quả giải quyết 25 kiến nghị của 14 Đoàn đại biểu Quốc hội gửi tới sau kỳ họp thứ 3, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, có 5 kiến nghị đang được xem xét, giải quyết trong thời gian tới, chủ yếu liên quan tới lĩnh vực gia đình và đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật.

Cử tri Thành phố Hà Nội, Long An kiến nghị tập trung vào vấn đề thêm các hình thức xử lý những người gây ra bạo lực, để có những hình thức mang tính giáo dục như lao động công ích; có chính sách đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của một nhóm đối tượng đặc thù như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số…

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, các nội dung trên đều đã được Bộ VHTTDL thống nhất tiếp nhận và bổ sung nội dung tại dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Dự án Luật đã được trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10.2022.

Cử tri TP.HCM kiến nghị liên quan đến chiến lược phát triển nguồn nhân lực, chính sách phát huy và bảo vệ giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc, truyền thống; kết hợp đào tạo và truyền nghề, xây dựng chính sách ưu đãi, tuyển dụng tài năng trong hoạt động văn học nghệ thuật dân tộc... để giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt trong đào tạo lĩnh vực nghệ thuật.

Về vấn đề này, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật (Tờ trình số 207/TTr BVHTTDL ngày 1.8.2022 của Bộ VHTTDL). Nghị định sau khi được ban hành sẽ góp phần tạo khung khổ pháp lý, điều kiện thuận lợi cho đào tạo nghệ thuật trong đó có các ngành nghệ thuật truyền thống.

Cử tri TP.HCM  bày tỏ mong muốn có chính sách đào tạo đội ngũ trẻ trong các lĩnh vực: đạo diễn, diễn viên, biên tập, thiết kế quay phim, âm nhạc… có trình độ ngoại ngữ, có đam mê, tài năng, tố chất thực sự; tuyển chọn kỹ lưỡng từ 3 miền Bắc, Trung, Nam (tránh trường hợp cục bộ) đưa đi du học ở nước ngoài (Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc …) để cập nhật những kiến thức mới, hay và lạ về phục vụ đất nước.

Để giải quyết vấn đề này, theo Bộ trưởng, Bộ VHTTDL đã tham mưu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội hồ sơ Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15.6.2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2023, trong đó có quy định về phát triển nguồn nhân lực điện ảnh. Tại Điều 6 Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Đồng thời, Bộ VHTTDL đã phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”, với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng nòng cốt phục vụ cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn văn hóa nghệ thuật của đất nước.

Hằng năm, Bộ tổ chức tuyển chọn, bồi dưỡng ngoại ngữ và chính trị tư tưởng cho đối tượng trúng tuyển trước khi đi đào tạo ở nước ngoài. Việc tuyển sinh, lựa chọn được thông báo rộng rãi trên cả nước tới các cơ quan, đơn vị, gồm: các Sở VHTTDL, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ sở đào tạo và có đào tạo văn hóa nghệ thuật trên cả nước, đồng thời đưa trên trang tin điện tử của cơ quan chủ trì thực hiện...

Đối với các kiến nghị giải trình, cung cấp thông tin cho cử tri do Văn phòng Chính phủ chuyển đến, cụ thể, về đề nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh về việc treo cờ Tổ quốc vào ngày Chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7.5, Bộ trưởng cho biết, ngày 2.10.2012, Bộ VHTTDL đã ban hành Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có nội dung hướng dẫn về cách treo, thời gian treo Quốc kỳ, cụ thể như: "Quốc kỳ được treo ngoài trời vào dịp các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị, tết cổ truyền của dân tộc và theo thông báo của Trung ương và chính quyền địa phương".

Căn cứ Điều 4 Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29.10.2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài: Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954) là một trong 7 ngày lễ lớn của đất nước.

"Bộ VHTTDL cung cấp thông tin để UBND các tỉnh/thành phố biết và chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, hướng dẫn treo cờ Tổ quốc vào dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5) theo phân cấp và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo đúng quy định tại Nghị định số 145/2013/NĐ-CP" - Bộ trưởng thông tin.

Đối với các kiến nghị liên quan đến đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích văn hóa, lịch sử cách mạng… tại các địa phương, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, căn cứ Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025, khi đó, Bộ VHTTDL sẽ tổng hợp và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ kinh phí thực hiện tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh/thành chủ động rà soát đưa các Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa vào danh mục dự án đầu tư công trung hạn của địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.

TÙNG QUANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top