“Điều kiện” của Thủ tướng Chính phủ

VH- Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lào Cai vào sáng 6.12 để nghe và cho ý kiến chỉ đạo về xây dựng Khu du lịch Sa Pa mang tầm cỡ thế giới, nâng cấp huyện miền núi này lên thành thị xã, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến một vấn đề có thể nói rất quan trọng và đó được xem như một trong những điều kiện cốt lõi đối với chính quyền địa phương, Bộ, ngành có liên quan: Chuyển đổi mà làm mất đi văn hóa bản địa thì Sa Pa cũng không còn nữa.

Thủ tướng còn yêu cầu: “Làm sao đỡ xáo trộn nhất, đỡ tốn kém nhất, giữ được màu xanh của núi rừng, giữ được văn hóa bản địa rất quan trọng trong phát triển”.
Chưa cần viện dẫn đến những con số, tài liệu của cơ quan chức năng du khách thập phương vẫn có thể dễ dàng nhận thấy, trong hơn một thập niên trở lại đây kinh tế-xã hội ở Sa Pa đã có sự chuyển mình rất rõ nét, đời sống của bà con các dân tộc nơi đây ngày càng khấm khá, hạ tầng cơ sở cùng với nhiều loại hình thiết chế mọc lên nhanh chóng. Điểm qua một cách vắn tắt như vậy để thấy diện mạo của Sa Pa đã khác xưa hơn nhiều. Điều này chắc chắn mang lại nhiều tín hiệu vui cho người dân bản địa và chính quyền địa phương. Nhưng bên cạnh đó đã, đang và sẽ xuất hiện sự phai nhạt trông thấy về những giá trị văn hóa bản địa ở địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc này.
Đã từng tham dự nhiều cuộc hội thảo về bảo tồn văn hóa bản địa ở Sa Pa nói riêng và một số địa phương miền núi khác nói chung, người viết đã từng ghi nhận khi nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã phải phát đi những cảnh báo về nguy cơ mai một, nặng hơn là tàn lụi về văn hóa bản địa ở những vùng này. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có thể thấy rõ nét nhất là không gian cư trú, sinh hoạt truyền thống đang dần bị bó hẹp lại để nhường cho những dự án lớn nhỏ. Phương thức sản xuất tự xa xưa của người dân bản địa đang thiếu sự trao truyền thế hệ do tác động từ bên ngoài. Ngành nghề cổ truyền như những sản phẩm văn hóa du lịch đang từng ngày hao mòn. Mô hình canh tác mà điển hình nhất là ruộng bậc thang cứ bị thu nhỏ… Những thực trạng đáng lo ngại này đã được giới chuyên gia nhận diện và đáng buồn hơn khi nó đang phải tiếp tục đối mặt với sự lấn át về phát triển hạ tầng cơ sở trong tương lai không hề xa.
Bởi vậy, bên cạnh việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về mặt chủ trương nâng cấp huyện thành thị xã Sa Pa nhưng đồng thời ông cũng đã đặt yêu cầu rất rõ ràng như đã đề cập ở trên. Nói cách khác, nếu mất văn hóa sẽ mất tất cả. Chúng tôi thiển nghĩ, người đứng đầu Chính phủ đã ban ra một trong những điều kiện hết sức cốt lõi đối với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lào Cai và các Bộ, ngành liên quan trong việc thực thi xây dựng Khu du lịch Sa Pa mang tầm cỡ thế giới, đưa huyện này lên thị xã trong nay mai. Khi biết thông tin này, một chuyên gia văn hóa cho rằng đây là điều kiện gần như xuyên suốt để các cấp, các ngành thấy được vị trí và tầm quan trọng của nó để đưa ra những thái độ ứng xử một cách thận trọng, giải pháp “đỡ xáo trộn nhất, đỡ tốn kém nhất”.
Nhìn rộng ra, quan điểm chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ có lẽ không chỉ áp dụng riêng cho Sa Pa mà còn cho nhiều vùng miền địa phương giàu văn hóa bản bản địa khác trên cả nước.

Nguyễn Hòa

Ý kiến bạn đọc