Hoảng hốt với những... trò chơi

VHO- Xưa, vào những dịp lễ tết, hội hè, đình đám, trò chơi là hoạt động không thể thiếu bởi phải có nó thì con người mới thật sự đoàn kết, hòa đồng và gần gũi nhau hơn.

Sau phần lễ trang trọng, mọi người đều háo hức mong chờ được hòa mình vào các trò chơi dân gian. Người lớn thì kéo co, thi vật, đánh cờ người, thổi cơm thi, chọi gà, đua thuyền, đánh phết..., trẻ em thì nhảy dây, chơi chuyền, ô ăn quan, đánh pháo đất, bịt mắt bắt dê, kéo cưa lừa xẻ... Những trò chơi đó không đơn thuần là những trò tiêu khiển mà nó còn chứa đựng những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, gắn với tôn giáo tín ngưỡng, ca ngợi quá trình lao động, sản xuất và chiến thắng ngoại xâm...

 Có những trò chơi dân gian như trò Kéo co đã được UNESCO ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nay, trong đời sống đương đại, ở những buổi giao lưu, sinh hoạt hội nhóm, cắm trại, tổng kết... để thêm phần sôi động và gắn kết, người ta thường tổ chức các trò chơi mang tính tương tác. Và để đẩy không khí đến “cao trào”, trò chơi thường được gắn thêm yếu tố “tục” cho tăng phần hấp dẫn. Tuy nhiên, tục đến đâu là giới hạn và không vượt ngưỡng phản cảm là điều những người tổ chức sự kiện, lên kịch bản phải thực sự đầu tư nghiên cứu sao cho phù hợp với từng môi trường tổ chức sự kiện. Bởi hình thức vui chơi này diễn ra ở rất nhiều bối cảnh với đủ thành phần, tầng lớp, lứa tuổi. Không ít lần, dư luận phải “hoảng hồn” chết đứng khi chứng kiến những hình ảnh lố bịch, dung tục của những màu áo trắng học trò, màu áo xanh tình nguyện hào hứng tham gia vào những trò hết sức nhạy cảm.

Hoảng hốt với những... trò chơi - Anh 1

Có thể trong những phút bốc đồng, lại được cộng hưởng bởi chút hơi men, người ta có thể vui nhất thời mà quên mất giới hạn, nhưng cũng từ sự “vượt rào” qua những lằn ranh đáng phải có, sự xấu hổ cũng dần mất đi và hậu quả là những hình ảnh xấu xí, lố lăng được ghi lại không gì có thể gột rửa. Hậu quả sẽ đặc biệt nặng nề đối với các em học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, khi những trò chơi ấy sẽ khiến các em có những nhận thức lệch lạc về giới tính, tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hại của sự quấy rối, lạm dụng.

Không thể phủ nhận hiệu quả của những buổi sinh hoạt tập thể lành mạnh, tuy nhiên, với những trò chơi phản cảm, rẻ tiền, thậm chí có thể là không thể thô thiển hơn nữa, chúng ta cần dũng cảm nói “không”. Bởi rõ ràng, những trò chơi đó không phù hợp với văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục, thậm chí còn đang làm mất đi những nét đẹp trong văn hóa người Việt.

Trước sự lây lan của những cái gọi là trò chơi phản văn hóa như thế, đã đến lúc cơ quan chức năng có thẩm quyền cần có những biện pháp mạnh tay. Cụ thể, cần tăng cường quản lý các hoạt động vui chơi giải trí của các công ty tổ chức sự kiện; có các chế tài cụ thể để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân có thể nhận biết và tiếp thu chọn lọc các hình thức giải trí ngoại lai. Đây là việc cần thiết nhằm góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam. 

ĐỖ CAO HUYỀN

Ý kiến bạn đọc