Nhà trường chính là cuộc sống

VHO- Cách đây mấy năm, chúng tôi có một đoàn công tác sang Nhật Bản để học tập kinh nghiệm về giáo dục đạo đức trong môi trường học đường ở nước này. Trong chuyến công tác đó, cô Misako, một người bạn lâu năm của chúng tôi có giới thiệu rằng, Luật giáo dục cơ bản của nước Nhật khẳng định nguyên tắc: “Đạo đức là nền tảng của giáo dục”, và mở rộng hơn: Mọi hoạt động trong nhà trường phổ thông ở Nhật đều hướng đến việc xây dựng đạo đức, kỹ năng sống và kiến thức cho học sinh.

 Tất nhiên, chúng tôi hiểu rằng, dù giáo dục có những nguyên tắc chung, nhưng với từng quốc gia với bối cảnh kinh tế, chính trị và đặc biệt là văn hóa khác biệt, thì nền giáo dục cũng sẽ khác nhau. Không thể bê nguyên khuôn mẫu giáo dục của một quốc gia này áp dụng cho một quốc gia khác. Tuy vậy, những trao đổi với cô Misako vẫn là những trăn trở của chúng tôi trong suốt quãng thời gian sau này. Khi những sự việc một cô giáo ở Hà Nội đánh ghen, một thầy hiệu phó ở Bắc Kạn “mở tiệc ma túy”, dù không phải là những hình ảnh đại diện cho ngành giáo dục, nhưng cũng khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn về trách nhiệm của ngành giáo dục đối với sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.

Giáo dục bao giờ cũng là một thiết chế quan trọng ở bất kỳ một xã hội nào. Sản phẩm của giáo dục là con người, chính vì lẽ đó, người ta định nghĩa nhà trường là nơi chuẩn bị cuộc sống cho con người, thậm chí, người ta còn nâng định nghĩa này lên ở một mức mới: Nhà trường chính là cuộc sống! Và chính vì tầm quan trọng như thế, nên người giáo viên luôn được xã hội coi trọng. Trong xã hội truyền thống, vua cùng với thầy giáo và người cha (quân - sư - phụ) là ba người quan trọng nhất trong đời mỗi người. Còn ngày hôm nay, nghề làm thầy giáo được coi là một nghề cao quý!

Vinh dự càng lớn, trách nhiệm càng nhiều! Đó là lý do tại sao xã hội rất trông chờ vào ngành Giáo dục và người giáo viên để hình thành nên con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Những tranh luận về giáo dục bao giờ cũng nóng nhất vì liên quan trực tiếp đến con người và rộng ra là toàn xã hội. Nói như vậy để chúng ta thấy rằng, trách nhiệm của người giáo viên trong một hệ thống các kỳ vọng là rất lớn. Để làm được điều đó, các thầy cô giáo phải rất cố gắng để không chỉ là trao truyền kiến thức mà còn là một tấm gương đạo đức cho các em học sinh.

Ngày 27 tháng 8 năm 2019, trong cuộc gặp mặt 400 đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc học tập và làm theo lời Bác nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Đức đi đôi với tài, nhưng đức phải là gốc. Có đức mới làm được những điều đúng đắn, nhân nghĩa”. Câu nói ấy thực sự có ý nghĩa đối với các thầy cô giáo. Để đào tạo ra những con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trước hết, những người thầy cần phải là những tấm gương đạo đức. Tấm gương đó sẽ truyền cảm hứng để học sinh noi theo. Định hướng bởi giá trị đạo đức, chúng ta mới hình thành được con người Việt Nam hoàn thiện, có ích cho sự phát triển đất nước, sớm hiện thực hóa ước mơ về một đất nước hùng cường, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong đợi của Bác Hồ. 

 PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc