Nâng cao ý thức người dân tham gia lễ hội

VH- Theo như phản ánh của phóng viên và cộng tác viên từ các vùng miền của Báo Văn Hoá thì mùa lễ hội năm nay bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hội đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) năm nay diễn ra một cách văn minh, không còn cảnh tranh giành cướp giò hoa tre phản cảm. Chùa Hương trong ngày khai hội diễn ra an toàn, trật tự với nhiều nét mới xứng tầm là Di tích quốc gia đặc biệt. Điểm nóng Hội chém lợn làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã bớt “nóng” khi nghi thức chém lợn diễn ra kín đáo, được quây kín, xung quanh có hàng rào bảo vệ cấm du khách lại gần...

Trong khi đó, theo báo cáo của các Sở Du lịch, Sở VHTTDL, Sở VHTT các địa phương trên cả nước, tình hình quản lý, phục vụ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán 2018 diễn ra suôn sẻ. Đặc biệt, hiện tượng tăng giá bất hợp lý, bắt chẹt, chèo kéo, đeo bám khách du lịch đã hạn chế đáng kể so với các năm trước.

Có được điều đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của ngành VHTTDL. Ngay từ đầu năm, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội với sự tham gia của đại diện Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố có di tích, lễ hội còn tồn tại những vấn đề nổi cộm với cam kết không để tồn tại tiếp tục tái diễn. Cũng chưa có năm nào công tác quản lý nhà nước về tổ chức lễ hội lại “nóng” như năm nay. Ngoài việc tổ chức các đoàn trực tiếp kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại một số địa phương thì trong vòng nửa tháng trở lại đây, Bộ VHTTDL đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương về vấn đề này: Từ công văn yêu cầu các Sở VHTT, Sở VHTTDL chấn chỉnh hoạt động Hầu đồng trong thực hành di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đến công văn yêu cầu Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích, những nét đẹp văn hóa truyền thống trong lễ hội; từ công văn yêu cầu không để xảy ra “chặt chém”, mê tín dị đoan tại Lễ hội chùa Hương đến công văn yêu cầu Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ tăng cường giám sát công tác quản lý và tổ chức đối với Hội Phết Hiền Quan (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông) và Hội chọi trâu xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh)...

Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước và nhiều địa phương đã thể hiện quyết tâm kiên quyết loại bỏ những lễ hội phản cảm, những hình ảnh phản cảm song dường như quyết tâm đó của cơ quan quản lý chưa “thấm” vào một bộ phận tham gia lễ hội. Vẫn còn đó hàng nghìn người chen chúc nhét tiền, xoa lên tượng Phật để cầu may, trong đó có cả trẻ em tại Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình) hay cảnh tranh cướp, giẫm đạp để lấy lộc tại Lễ hội rước bông cầu mùa ở Vĩnh Phúc; tiền lẻ rải khắp đền, chùa... Một vấn đề không mới, được các cơ quan quản lý, dư luận, báo chí quan tâm từ nhiều năm nay là ứng xử của người dân khi tham gia hoạt động lễ hội, đền chùa.

Chừng nào còn tình trạng người đi lễ hội song không hiểu hết, không cảm nhận được ý nghĩa nhân văn, thiêng liêng của lễ hội, họ đi lễ hội với tâm thế đám đông, cầu may, cầu tài, mặc cả, mua thần bán thánh mà ít có sự thành tâm thì chừng đó sẽ còn có những hình ảnh phản cảm. Dẫu công tác quản lý có phát huy hiệu quả đến mấy thì cũng không thể nào “quản” được gần 8.000 lễ hội trên cả nước. Cùng với sự tuyên truyền và vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước thì cũng cần có sự hưởng ứng, ý thức của người tham gia lễ hội, thiếu một trong hai sẽ không thể có một mùa lễ hội văn minh, lịch sự, linh thiêng.

PHAN THANH NAM

Ý kiến bạn đọc