Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Bất an với môi trường giáo dục

Thứ Hai 09/04/2018 | 09:11 GMT+7

VH-Thời gian qua, ngành Giáo dục đã xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực làm cho nhiều người cảm thấy lo lắng, bất an, bởi nhà trường là nơi gửi gắm niềm hy vọng của biết bao nhiêu học sinh và phụ huynh.

Khi xảy ra những câu chuyện buồn của ngành Giáo dục, nhiều người cảm thấy xót xa và đặt câu hỏi: Ngành Giáo dục hiện đang gặp vấn đề gì? Có phải đạo đức của thầy và trò đã xuống cấp? Việc “tôn sư trọng đạo” đang bị xem nhẹ hay không?…

Những vụ việc nổi cộm vừa xảy ra như cô giáo bắt học sinh quỳ, phụ huynh bắt lại cô giáo phải quỳ gối. Cô giáo suốt cả kỳ học không nói một lời. Người nhà học sinh đến hành hung cô giáo suýt bị sảy thai. Học sinh thì bóp cổ cô giáo; thậm chí học sinh đâm trọng thương thầy giáo chỉ vì bị nhắc nhở hoặc cô giáo bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng... Không chỉ là bạo lực học đường mà ở khía cạnh khác, đó là việc tuyển dụng, quản lý sử dụng đội ngũ giáo viên hiện nay đang còn bất cập như tình trạng “chạy” để có chỗ đứng trên bục giảng, rồi sau đó, giáo viên phải giảng dạy cho học sinh của mình như thế nào khi mà chỗ đứng trên bục giảng cũng phải đi “mua”.

 Từ đầu năm đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần gửi văn bản yêu cầu xử lý nghiêm những vụ bạo lực học đường. Nhiều giáo viên có hành vi tiêu cực hiện đã bị xử lý kỷ luật, khởi tố hoặc chấm dứt hợp đồng… Những biện pháp xử lý mạnh tay, kiên quyết của cơ quan có thẩm quyền đã dần đem lại niềm tin đối với ngành Giáo dục.

Nhưng nỗi lo vẫn còn đó, khi mà mới đây em Phạm Song Toàn đã bật khóc tại buổi đối thoại với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo khi phản ánh cô Trần Thị Minh Châu (giáo viên toán trường THPT Long Thới, Nhà Bè) suốt bốn tháng lên lớp không nói, chỉ ghi bài giảng lên bảng. Sau khi nói lên sự thật, nữ sinh này đang chịu áp lực rất lớn tại trường học, học sinh trong lớp đã cô lập em bởi cho em là nguyên nhân gây ra sự xáo trộn. Chưa kể, Trường THPT Long Thới năm nay không thể có thành tích thi đua tốt, khi đó nhiều thầy cô lại nhìn về em Toàn với cách nhìn không tốt…

Không còn cách nào khác, em Phạm Song Toàn phải xin chuyển trường mặc dù sắp đến kỳ thi cuối năm, bởi không thể chịu nổi áp lực trước dư luận, trước bạn bè, trước mạng xã hội đang có cái nhìn khác về em. Em buộc phải rời xa ngôi trường, bạn bè thân yêu để đến môi trường mới. Điều đáng buồn là mọi người xung quanh không có cái nhìn khách quan về sự việc này. Đáng ra, cô giáo im lặng suốt bốn tháng phải được phát hiện và lên án, bởi cô ấy không xứng là một nhà giáo, nếu dạy như cô ấy thì người khác cũng có thể làm được, chỉ cần chép bài giải lên bảng chứ đâu cần phải giảng. “Tức nước thì vỡ bờ”, em Phạm Song Toàn đã phản kháng với cái sự vô lý, bất công ấy và bây giờ phải chịu sự chì chiết, trù dập và cả những ánh mắt kỳ thị đối với em. Ban Giám hiệu Trường THPT Long Thới đã làm những gì để bảo vệ em hay chỉ biết đổ hết các tội lỗi ấy lên đầu của em.

Ngành Giáo dục không thiếu những nội quy, quy chế giáo dục, những chuẩn mực đạo đức của thầy và trò, cùng với truyền thống “tôn sư trọng đạo” và cả pháp luật điều chỉnh để môi trường giáo dục được an toàn, phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, những sự việc tiêu cực, mất an toàn trong môi trường giáo dục đã xảy ra, nguyên nhân xuất phát từ môi trường xã hội hiện nay có dấu hiệu xuống cấp, do đó ảnh hưởng đến môi trường giáo dục. Giáo viên tuy có kiến thức sư phạm nhưng đôi lúc nóng nảy, thiếu kiềm chế nên thiếu tôn trọng học sinh như có hành vi đánh đập, mắng chửi hoặc áp dụng các hình thức xử phạt thiếu văn minh, không mang tính giáo dục, có phần xúc phạm danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của học sinh… Và sự phản kháng đối với các hình phạt ấy của giáo viên là không thể tránh khỏi.

Sự việc xảy ra, lỗi một phần ở người thầy và một phần là ở học sinh và một phần là do việc quản lý còn thiếu chặt chẽ của ban giám hiệu nhà trường như không kịp thời xử lý những mâu thuẫn, xích mích giữa thầy và trò, không kịp thời xử lý các hành vi thiếu chuẩn mực giáo viên; không kịp thời xem xét những kiến nghị, phản biện của học sinh; chưa đề cao tính dân chủ ở trong nhà trường…

Những sự việc tiêu cực vừa qua, nó là bài học kinh nghiệm không chỉ đối với người thầy, học trò và cả những phụ huynh học sinh, cũng như đặt ra trách nhiệm của ngành Giáo dục là phải tìm ra những lỗ hổng, bất cập để có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, đảm bảo môi trường giáo dục luôn được an toàn, lành mạnh và phát triển.

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top